Đây là trường đại học danh giá bậc nhất Hàn Quốc, với 24 trường thành viên và có hơn 30.000 sinh viên theo học hằng năm.
Việt Nam có tiềm năng toán học vượt trội
Phát biểu chào mừng, GS. Ryu Hong Lim, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam thời gian qua, giúp Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19 một cách thần kỳ và nhanh chóng phục hồi sau dịch.
“Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế với tư cách là quốc gia công nghiệp mới nổi năng động nhất, tăng trưởng nhanh nhất, cũng như mẫu mực nhất, với tất cả các chỉ số kinh tế như sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu trong nước đều cải thiện một cách đáng kể", GS. Ryu Hong Lim nói.
Giáo sư Ryu Hong Lim, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Ông cũng nhìn nhận, Việt Nam có nhiều tài năng trẻ và nền tảng khoa học, nhất là toán học với tiềm năng vượt trội. Do đó, hai nước được kỳ vọng là những đối tác hoàn hảo trong phối hợp giải quyết những vấn đề đang phải đối mặt, đặc biệt là hợp tác về nghiên cứu, phát triển công nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực.
“Chuyến thăm của Thủ tướng tới Đại học Quốc gia Seoul rất ý nghĩa và Đại học Quốc gia Seoul sẽ đi đầu trong hợp tác giáo dục đại học với Việt Nam”, ông nói.
Trong bài phát biểu về chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Đại học Quốc gia Seoul là một đại học hàng đầu châu Á và nổi tiếng trên thế giới - biểu tượng của nền giáo dục chất lượng cao Hàn Quốc - đất nước có hơn 70.000 sinh viên Việt Nam du học.
Thủ tướng ấn tượng về lịch sử, bề dày và thành tựu của Đại học Quốc gia Seoul, nơi đào tạo nhiều chuyên ngành nhất và có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất, xếp số 1 trong top 7 trường hàng đầu của Hàn Quốc và top 35 trường hàng đầu thế giới.
Giáo sư Ryu Hong Lim, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul phát biểu tại cuộc gặp. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Đây cũng là cái nôi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo nổi bật của Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc, với các phẩm chất của các cựu sinh viên của nhà trường là tầm nhìn, lý tưởng, sự say mê, nhiệt huyết và trí tuệ.
Theo Thủ tướng, trong thời đại phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đào tạo, nhất là bậc đại học và sau đại học ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng, đóng vai trò then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Đại học Quốc gia Seoul mang một sứ mệnh vẻ vang, có ý nghĩa rất quan trọng với Hàn Quốc.
Viện dẫn câu nói "Giáo dục là kế sách trăm năm" của Hàn Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng giáo dục đào tạo, xác định rõ là quốc sách hàng đầu, mang tính chiến lược lâu dài nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Nhìn lại lịch sử, người đứng đầu Chính phủ nói, trong gần 40 năm qua, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Theo ông, từ thực tiễn đổi mới của Việt Nam có thể đúc kết: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp".
"Hai nước chúng ta vừa là bạn, là đối tác gần gũi, tin cậy, vừa có nhiều điểm tương đồng", Thủ tướng chia sẻ. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Vai trò của thế hệ trẻ và sinh viên
"Hai nước chúng ta vừa là bạn, là đối tác gần gũi, tin cậy, vừa có nhiều điểm tương đồng về truyền thống văn hoá, dân tộc, đặc biệt là tình cảm "thông gia" bền chặt qua nhiều thế hệ. Nhìn từ lịch sử, hai nước Việt Nam, Hàn Quốc đã có mối quan hệ thân tình từ nhiều thế kỷ trước”, Thủ tướng chia sẻ.
Sự gần gũi về văn hóa, tương đồng về lịch sử đã làm nhân dân hai nước ngày càng xích lại gần nhau hơn. Ngày nay, giới trẻ Việt Nam rất hâm mộ phim Hàn Quốc, K-pop, người dân Việt Nam thích ăn kim chi. Người dân Hàn Quốc đến các nhà hàng Việt Nam tại Hàn Quốc thưởng thức món phở đã trở thành thói quen hằng ngày”, Thủ tướng bày tỏ.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao chương trình hợp tác và liên kết giữa Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng tham gia hiệu quả vào Diễn đàn bốn đại học chủ chốt Đông Á (hai đại học quốc gia còn lại là của Trung Quốc và Nhật Bản).
Nhân dịp này, một lần nữa Thủ tướng khẳng định, trong đường lối đối ngoại của mình, Việt Nam nhất quán coi trọng quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn đưa hợp tác hai nước tiếp tục phát triển thực chất, hiệu quả và bền vững, tương xứng với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
"Thành công của các Bạn cũng là thành công của chúng tôi", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng phát biểu và trực tiếp trả lời câu hỏi của các đại biểu. Ảnh Nhật Bắc |
Tại cuộc gặp thân tình này, Thủ tướng cho rằng thế hệ trẻ, sinh viên là chủ nhân của tương lai, lực lượng tiên phong trong phát triển và xây dựng đất nước.
"Sinh ra và học tập trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, các bạn trẻ có điều kiện và lợi thế vô cùng to lớn, bởi tuổi trẻ đồng nghĩa với năng lượng và sáng tạo. Với tầm nhìn, tư duy và kỹ năng được đào tạo từ những cơ sở giáo dục đào tạo uy tín như Đại học Quốc gia Seoul, tôi tin tưởng chính các em sẽ là những người góp phần tạo nên thế kỷ 21 của hòa bình, hợp tác và thịnh vượng”, Thủ tướng cho hay.
Cũng theo Thủ tướng, chỉ cần có hoài bão, ý chí mạnh mẽ, nỗ lực hết mình, hướng đi đúng đắn, các em sẽ đạt được mục tiêu, ước mơ của cuộc đời mình, cho dù có khó khăn, thử thách đến bao nhiêu.
Ông mong muốn và tin tưởng, cùng với những người bạn tốt Hàn Quốc, những sinh viên Việt Nam đang học tập tại đây đang rất mong muốn, khát khao dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Thủ tướng khái quát 3 vấn đề lớn: Đường lối, chính sách phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và xu thế thế giới; đội ngũ cán bộ để thực thi chính sách; tổ chức thực hiện đường lối, chính sách một cách hiệu quả. Về tầm nhìn quan hệ hai nước, Thủ tướng nhấn mạnh về sự tin cậy chính trị ngày càng cao hơn; hòa nhập hai nền kinh tế ngày càng sâu rộng và tích cực, chủ động hơn; cùng nhau hợp tác để biến khát vọng, "giấc mơ Việt Nam, giấc mơ Hàn Quốc thành hiện thực".
Về các giải pháp để cân bằng hơn trong quan hệ kinh tế song phương, Thủ tướng nêu quan điểm mang tính nguyên tắc là "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển".