Dù bài nói của ông đầy những thuật ngữ tin học phức tạp khiến tôi phải… tra Google liên tục, nhưng có một điều chắc chắn: sự nhiệt huyết và kiến thức uyên thâm của Jeff Dean đang mở ra trước mắt chúng ta một chân trời AI (trí tuệ nhân tạo) đầy hứa hẹn.
Tiềm năng AI - Bức tranh đang dần rõ nét
Ở tuổi 56 tuổi, mái đầu đã bạc, dáng vẻ, cử chỉ của Jeff Dean vẫn nhanh nhẹn, hào hứng mỗi khi nói về công nghệ. Với vóc dáng cao dỏng cùng chiếc áo sơ mi đơn giản, ông khiến tôi liên tưởng đến nhân vật Richard Hendricks trong loạt phim Silicon Valley một thời đình đám kể về cuộc sống của những gã lập trình viên lập dị tại thung lũng công nghệ.
Chân dung Jeff Dean nhà khoa học trưởng kiêm đồng sáng lập Google Brain – “bộ não” của Google. Ảnh: Khương Nha |
Cái tên Google Dịch đã không còn xa lạ với tất cả mọi người, đặc biệt là những ai từng gặp khó khăn trong sử dụng tiếng Anh. Trước đây, công cụ này chỉ được coi là một giải pháp tạm thời, giúp người dùng hiểu được ý chính của một đoạn văn bản nhưng chất lượng dịch đôi khi khiến người ta phải bật cười. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của AI và các thuật toán mà chính Jeff Dean cùng đội ngũ Google Brain tiên phong phát triển, Google Dịch đã trở thành trợ thủ đáng tin cậy, trực tiếp hỗ trợ không chỉ cho học tập, làm việc mà còn cho giao tiếp, du lịch.
“Tôi nghĩ rằng, với sự phát triển của AI, con người sẽ có một cuộc sống tiện nghi hơn, an toàn hơn, khi các hệ thống giao thông thông minh hơn, và các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn”.
Jeff Dean
Nhìn vào sự chuyển mình của Google Dịch, ta có thể thấy AI đã trực tiếp tác động vào cách con người làm việc và giao tiếp. Trong cuộc trò chuyện thân mật với báo chí tại Đại học Fulbright Việt Nam, Jeff Dean không ngần ngại mô tả tầm quan trọng của AI trong tương lai, đặc biệt là khả năng của nó trong việc thay đổi nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ giáo dục, dự báo thời tiết đến điều khiển giao thông và quản lý dữ liệu,… AI đã bắt đầu len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống.
“Những ứng dụng thực tế của AI không còn là điều gì xa vời mà đang dần trở thành hiện thực. Tại các nước phát triển, AI đang được sử dụng để tối ưu hóa quy trình sản xuất, tự động hóa và phân tích dữ liệu trong nhiều ngành công nghiệp. Trong lĩnh vực giáo dục, AI đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách học và giảng dạy, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận thông tin và kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, AI còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tối ưu hóa chiến lược kinh doanh và dự đoán xu hướng thị trường”, Jeff Dean chia sẻ.
Mặc dù tiềm năng của AI là rất lớn, nhưng Jeff Dean cũng cảnh báo rằng quá trình áp dụng AI đòi hỏi thời gian, sự thử nghiệm và khả năng thích nghi. AI không chỉ đơn thuần là một công cụ kỹ thuật, nó có thể thay đổi cách chúng ta xử lý các vấn đề và định hình lại thị trường lao động. “Thị trường lao động sẽ có nhiều sự biến động và doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh mới khi AI trở nên phổ biến hơn”, Jeff Dean cho hay.
Theo Jeff Dean, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiến xa trong kỷ nguyên AI. Với sự đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google, cùng với sự phát triển của nguồn nhân lực trẻ đầy tiềm năng, tương lai của Việt Nam trong lĩnh vực AI đầy hứa hẹn. Thực tế đặt ra không phải là liệu Việt Nam có thể theo kịp với sự phát triển của AI hay không mà là chúng ta sẽ đi được bao xa trong cuộc hành trình này.
Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam và các quốc gia khác phải đối mặt chính là việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Làm sao để người trẻ nắm bắt được những kiến thức cơ bản và liên tục cập nhật những xu hướng mới trong AI?
Jeff Dean khuyên rằng, thay vì lo ngại về chi phí hoặc độ phức tạp của AI, người trẻ nên bắt đầu từ những kiến thức kỹ thuật cơ bản và thường xuyên tham gia các khóa học, nghiên cứu để tìm ra con đường phát triển riêng cho mình. Bởi lẽ, mọi mô hình (model) dù có lớn và phức tạp đến đâu cũng đều khởi nguồn từ một ý tưởng đơn giản.
Rất đông sinh viên đã đến để học hỏi và giao lưu với Jeff Dean. Ảnh: Fullbright |
Việt Nam sẽ tiến xa đến đâu trong kỷ nguyên AI?
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng AI vào quy trình kinh doanh và sản xuất. Các tập đoàn lớn như FPT, Viettel và VinGroup đều đã thành lập các trung tâm nghiên cứu về AI nhằm phát triển nền tảng công nghệ và đưa AI vào ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như NVIDIA. Tháng 4/2024, NVIDIA đã ký kết hợp tác với các đối tác tại Việt Nam để thành lập trung tâm nghiên cứu AI mang tên AI Factory. Theo CEO Jensen Huang của NVIDIA, nếu chỉ 1% lực lượng lao động chuyển đổi sang lĩnh vực AI, Việt Nam có thể nhanh chóng vươn lên hàng ngũ các quốc gia dẫn đầu về AI trên toàn cầu.
Cũng tại sự kiện Building AI Future for Vietnam, Google đã công bố khoản tài trợ trị giá 1,5 triệu USD dành cho Đại học Fulbright Việt Nam. Đây là một sáng kiến nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam, khẳng định tầm nhìn của Google về việc hỗ trợ giáo dục và công nghệ tại các quốc gia đang phát triển.
Nhưng điều làm tôi ấn tượng không chỉ là con số đầu tư, mà chính là tầm nhìn của Jeff Dean về việc đào tạo và phát triển thế hệ tài năng trẻ. Theo ông, các trường đại học không chỉ là nơi cung cấp kiến thức, mà cần phải là môi trường để sinh viên thử nghiệm và khám phá những chân trời mới trong lĩnh vực AI.
Jeff Dean nhấn mạnh rằng, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự quan tâm ngày càng nhiều từ người trẻ, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong kỷ nguyên AI. “Chỉ mới đặt chân đến Việt Nam trong thời gian ngắn, tôi vô cùng bất ngờ khi được gặp rất nhiều người tài năng trong lĩnh vực công nghệ. Đa số còn rất trẻ, là những sinh viên và nhà nghiên cứu thực sự đam mê AI. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiến xa hơn trong lĩnh vực này,” Jeff Dean nhận xét.