Một số NĐT nước ngoài đã chuẩn bị vốn, sẵn sàng đầu tư vào các CTCK Việt Nam khi Nghị định 58/2012/NĐ-CP có hiệu lực (15-9). |
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam dự kiến được ban hành sau ngày 15-9, thời điểm Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực, để bắt đầu áp dụng từ năm nay. Các CTCK nội địa nghĩ gì về bước ngoặt này?
Mô hình 49% và 100%
Thay vì đưa ra dải tỷ lệ sở hữu 49%, 65%, 75%..., Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi chốt hai mô hình tham gia của NĐT nước ngoài là: được mua cổ phần, góp vốn để sở hữu 49% CTCK Việt Nam hoặc mua, thành lập mới CTCK do NĐT nước ngoài sở hữu 100% vốn.
Theo các nhà làm luật, quy định như trên là căn cứ vào các quy định hiện hành về tổ chức, hoạt động CTCK, cũng như quy định liên quan về niêm yết trên TTCK Việt Nam: đối với các CTCK đang niêm yết, NĐT nước ngoài chỉ được phép mua cổ phần hoặc góp vốn để sở hữu tối đa 49%; đối với các CTCK chưa niêm yết, NĐT nước ngoài được phép mua cổ phần để sở hữu 100% vốn. Mặt khác, theo cam kết WTO, NĐT nước ngoài được phép thành lập mới CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam.
Điều thị trường băn khoăn là Nghị định 58 chỉ đưa ra các quy định khung về thành lập CTCK 100% vốn ngoại, nên vẫn phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính, mặc dù đã cam kết khi gia nhập WTO là cho phép thành lập CTCK 100% vốn ngoại ngay từ đầu năm 2012. Đến bao giờ Bộ Tài chính mới có hướng dẫn cho vấn đề này?
Giải đáp câu hỏi trên, lãnh đạo UCBK cho biết, nội dung hướng dẫn đã được đưa vào dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của CTCK. Dự thảo Thông tư đã được UBCK hoàn thiện và trình Bộ Tài chính xem xét ban hành. Theo kế hoạch, sau ngày 15/9, thời điểm Nghị định 58 có hiệu lực, Thông tư sẽ được ban hành để áp dụng từ năm nay. Ngoài hướng dẫn chi tiết hơn các điều kiện để được thành lập CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam đã được quy định trong Nghị định 58, dự thảo Thông tư còn quy định chi tiết việc mua cổ phần, phần góp vốn, tham gia góp vốn thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán của NĐT nước ngoài tại CTCK hoạt động trên TTCK Việt Nam.
Dấu hiệu có “sóng”
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc CTCK Kim Eng Việt Nam cho rằng, mô hình 49% hay 100% nêu trên là phù hợp.
Ông Mạnh chia sẻ, qua tiếp xúc và tìm hiểu trực tiếp với các NĐT nước ngoài cho thấy, họ có tâm lý thích mua toàn bộ hoặc thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài, chứ không muốn nắm tỷ lệ chi phối 65% hay 75%. Lý do là bởi giữa NĐT nước ngoài và các đối tác Việt Nam thường có sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, tư duy và quan điểm điều hành. NĐT nước ngoài không muốn đối mặt với những phiền toái, rủi ro xuất phát từ sự khác biệt này.
Ông Mạnh dẫn chứng, Maybank (Malaysia) đang rất muốn mua 100% vốn của CTCK Kim Eng Việt Nam. Các bên đã cơ bản nhất trí nguyên tắc mua, bán. Maybank đang chờ sau khi Nghị định 58 có hiệu lực, cùng với việc Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chi tiết về việc NĐT nước ngoài được phép thành lập mới hoặc mua cổ phần để sở hữu 100% vốn của CTCK tại Việt Nam, để tiến hành các thủ tục đàm phán, mua toàn bộ vốn của CTCK Kim Eng Việt Nam.
Tổng giám đốc một CTCK niêm yết trên HNX cũng cho rằng, mô hình 49% hay 100% là phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như thực tiễn thị trường. Việc tạo ra các ngưỡng khống chế 65% hay 75% vừa không cần thiết, vừa không có nhiều ý nghĩa. Ngay cả khi mở room tới 100%, thì khả năng thu hút NĐT nước ngoài đầu tư vào CTCK cũng không dễ. Lý do là bởi TTCK Việt Nam có quy mô còn nhỏ, thanh khoản kém và “phập phù”, trong khi số lượng các CTCK quá nhiều, tính chất cạnh tranh gay gắt, nên không mấy hấp dẫn NĐT nước ngoài.
Vị lãnh đạo CTCK này còn lý giải thêm, một lý do quan trọng nữa khiến không dễ hút NĐT nước ngoài thành lập CTCK 100% vốn ngoại là thực tế kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng của các CTCK có vốn ngoại nhiều năm qua. Các CTCK này chưa tạo ra được những giá trị khác biệt trong hoạt động để lấn lướt trong cạnh tranh với CTCK nội.
Theo ĐTCK