Việt Nam nói về thông tin căn cứ tên lửa Trung Quốc

Ảnh vệ tinh từ tháng 12/2020 cho thấy một công trình với nhiều dấu hiệu của một căn cứ tên lửa đất đối không ở TP Mông Tự
Ảnh vệ tinh từ tháng 12/2020 cho thấy một công trình với nhiều dấu hiệu của một căn cứ tên lửa đất đối không ở TP Mông Tự
TP - Không lâu sau có thông tin Trung Quốc xây dựng căn cứ tên lửa đất đối không ở tỉnh Quảng Tây, nước này được nói là đang xây dựng một căn cứ nữa như vậy ở tỉnh Vân Nam.

Thông tin về căn cứ tên lửa thứ hai ở tỉnh Vân Nam được Dự án Đại sự ký Biển Đông nêu ra dựa trên ảnh vệ tinh từ Google Earth mà đối tác của dự án này phân tích. Các nhà nghiên cứu của dự án nói rằng ảnh vệ tinh cho thấy một công trình với nhiều dấu hiệu là căn cứ tên lửa đất đối không đang được xây dựng ở TP Mông Tự của tỉnh Vân Nam, cách biên giới Việt Nam dưới 70 km. Công trình được bắt đầu vào khoảng tháng 6 -7/2020 và có vẻ chưa hoàn tất.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 25/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam là chính sách quốc phòng của tất cả các quốc gia cần đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trước đó, đầu tháng này đã có thông tin Trung Quốc sắp hoàn tất xây dựng một căn cứ tên lửa đất đối không ở huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, cách biên giới Việt Nam khoảng 20km, cách công trình được cho là một sân bay trực thăng quân sự đang được xây dựng khoảng 40 km.

Bên cạnh đó, dữ liệu vệ tinh AIS cho thấy tàu hải cảnh 5304 của Trung Quốc tiến gần giàn khoan Hải Thạch ở lô 05.2 và 05.3 của Việt Nam trong nhiều ngày qua.

Bà Hằng cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982. “Hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước quốc gia ven biển đã được quy định tại UNCLOS 1982, đóng góp cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, bà Hằng nói.

Sáng 22/2, dữ liệu vệ tinh cho thấy tàu 5304 đã di chuyển vào khu vực mỏ Hải Thạch với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác chỉ khoảng 1 hải lý. Khu vực hoạt động của tàu này cách Côn Đảo khoảng 135 hải lý, cách bờ biển Trà Vinh gần 170 hải lý, tức là đã tiến sâu vào vùng biển của Việt Nam. Tàu này rời cảng Tam Á, đảo Hải Nam, từ ngày 1/2 vừa qua và đã ghé qua bãi Hải Sâm, đá Su Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trước khi áp sát giàn Hải Thạch.

Hoan nghênh những đóng góp tích cực

Ngày 9/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết một tàu ngầm tấn công hạt nhân của nước này gần đây được điều đến Biển Đông cũng một tàu hộ tống để tuần tra.

Cho biết quan điểm của Việt Nam, bà Hằng nói rằng duy trì hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông phù hợp với UNCLOS 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.  “Chúng tôi cho rằng hoạt động trên Biển Đông của tất cả các quốc gia cần đóng góp vào mục tiêu chung này”, bà Hằng nói.

Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động bình thường ở Myanmar

Bà Hằng cho biết, theo thông tin từ cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì hoạt động tại quốc gia này. Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Myanmar quan tâm, bảo đảm an toàn cho các công dân đang sinh sống, lao động, học tập và kinh doanh ở Myanmar và các lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với các thoả thuận giữa hai nước cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Myanmar.

MỚI - NÓNG