Đây là cơ hội để 100 doanh nghiệp hàng đầu đến từ các nước ASEAN, Ôtrâylia, Ấn Độ... tìm hiểu chính sách, môi trường đầu tư và khả năng kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Mirzan Mahathir, Chủ tịch Viện Quản lý châu Á Malaixia nói: "Trong vòng 20 năm, Việt Nam đã thay đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, thu hút được nhiều nhà đầu tư từ ASEAN, đặc biệt là các nhà đầu tư Malaixia, Xingapo, Thái Lan.
Công cuộc đổi mới của Việt Nam đã thành công. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc."
11 tháng, thu hút vốn FDI đạt mức kỷ lục 15 tỷ USD Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết: 11 tháng đầu năm 2007, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 15 tỷ USD, vượt 2 tỷ USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Theo ông Thắng, thu hút FDI cả năm 2007 có thể đạt con số kỷ lục 16 tỷ USD vì trong một tháng còn lại của năm 2007, sẽ có rất nhiều dự án có quy mô vốn lớn sẽ được cấp phép. |
Ông Mirzan Mahathir nhấn mạnh:
“Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Tôi rất vui mừng biết rằng, rất nhiều nhà đầu tư của Malaixia đầu tư vào Việt Nam, các công ty của Malaixia đã nhận thấy rằng Việt Nam là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn, tin cậy và cũng là địa chỉ để các nhà đầu tư Malaixia sánh vai cùng các nhà đầu tư khác.
Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư khác của Malaixia đến Việt Nam nhiều hơn nữa”.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, trong ASEAN, Việt Nam có những lợi thế tương đối trong hợp tác đầu tư với thị trường 84 triệu dân; có gần 50 triệu lao động trẻ; chi phí lao động rẻ.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế với xuất phát điểm thấp nên hợp tác đầu tư với Việt Nam, các doanh nghiệp ASEAN sẽ tìm thấy nhiều cơ hội mới và các nước ASEAN sẽ thấy Việt Nam có những lợi thế bổ sung cho sự phát triển của mình.
Ông Đạt khẳng định, mặc dù còn có khó khăn của một nước có trình độ phát triển kinh tế thấp, nhưng thực sự, Việt Nam đang có những đổi mới hàng ngày.
Với môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện và hấp dẫn, cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp ASEAN ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực như thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghiệp, xây dựng, kết cầu hạ tầng kỹ thuật, đô thị.
Hội thảo cũng đã tập trung vào các chủ đề là “Đầu tư vào Việt Nam - Luật và các chính sách về đầu tư”; “Phát triển công nghiệp ở Việt Nam - Các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sản xuất”; cơ hội đầu tư vào các địa phương; nhìn nhận của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam...
Theo Ban tổ chức, hội thảo là dịp nhìn nhận hơn nữa cơ hội đầu tư vào khu vực phía Bắc Việt Nam. Khu vực này có gần 30 tỉnh, chiếm khoảng 50% trong tổng diện tích của Việt Nam, có nguồn nhân lực rồi dào, nhiều tài nguyên khoáng sản phong phú...
Hội thảo cũng là một cơ hội quảng bá cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn tầm ra khu vực ASEAN; đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp trong khối tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh và hợp tác.