Việt Nam là trọng tâm trong chính sách “Hành động Hướng Đông” của Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Việt Nam năm 2016. Ảnh: VOV
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Việt Nam năm 2016. Ảnh: VOV
TPO - Chiều 17/1, tại Hà Nội, Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish thông báo,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn cấp cao Việt Nam sẽ thăm và làm việc tại Ấn Độ từ ngày 24/1-26/1 nhân Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN- Ấn Độ.  

Đại sứ Parvathaneni Harish cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là khách mời danh dự trong ngày Cộng hòa của Ấn Độ và sẽ có mặt tại sự kiện mang tên "At Home" do Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind chủ trì.

Ngày 26/1, Ngày Cộng hòa Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi cũng sẽ có cuộc hội đàm song phương và hai bên kỳ vọng sẽ ký các hiệp định quan trọng để tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước trong các lĩnh vực quan trọng như hợp tác trong sử dụng hòa bình không gian vũ trụ và năng lượng nguyên tử.

“Đặc biệt, chúng tôi mong muốn ký kết Thoả thuận Thực hiện giữa Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ và Cục Viễn thám Quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để thành lập Trạm Tiếp nhận và Theo dõi Dữ liệu và Cơ sở Xử lý Dữ liệu tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Không gian ASEAN-Ấn Độ,” Đại sứ Parvathaneni Harish cho biết.

Theo Đại sứ Parvathaneni Harish, Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời là trọng tâm trong chính sách “Hành động Hướng Đông” của Ấn Độ. Đóng góp của Việt Nam với vai trò là điều phối viên giữa Ấn Độ và ASEAN đã giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên chặt chẽ hơn. Chính sách “Hành động Hướng Đông” của Ấn Độ là một trụ cột quan trọng cho việc mở rộng quan hệ của Ấn Độ với ASEAN đến hợp tác quốc phòng và an ninh.

Theo số liệu của Ấn Độ, thương mại song phương giữa hai nước đã vượt mức 10 tỷ USD và cả hai nước vẫn cam kết cố gắng đạt được mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong các nước ASEAN và Ấn Độ nằm trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ là cuộc gặp thứ năm giữa hai vị Thủ tướng kể từ sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Modi đến Việt Nam vào tháng 9 năm 2016, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg,Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Viêng Chăn và Manila. Đây sẽ là cơ hội cho hai nhà lãnh đạo nhìn lại toàn bộ các vấn đề của mối quan hệ song phương và tiếp tục đề ra lộ trình tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cũng cho biết thêm, năm 2017 là năm có nhiều cột mốc trong mối quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam và ASEAN, đồng thời được coi là “Năm Hữu nghị” để kỷ niệm 45 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Ấn Độ, 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược và 25 năm thành lập Đối tác Đối thoại Ấn Độ-ASEAN, 15 năm Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác Ấn Độ-ASEAN, 5 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Ấn Độ-ASEAN. Trong suốt năm 2017, đã có khoảng 50 hoạt động diễn ra ở Ấn Độ, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác để đánh dấu các mốc quan trọng này.

MỚI - NÓNG