Viên đạn lạc

Minh họa của: Đỗ Phấn
Minh họa của: Đỗ Phấn
TP - Tôi không biết mặt anh, gọi điện bảo chị tôi gửi ảnh anh ra cho tôi thờ, chị ờ ờ, nói: anh có tro đặt trên chùa, ảnh cũng trên đó, làm thế nào? Tôi nói chụp lại, chị ờ ờ. Rồi kẻ Bắc người Nam, dù là thời đại tin học, tôi vẫn chẳng có ảnh anh.
Minh họa của: Đỗ Phấn
Minh họa của: Đỗ Phấn.

Tôi cũng mới biết thờ anh. Bà ấy chân thọt, mắt lác xệch khi thổ công nhập vào, giọng ồm ồm: Mày có thấy chó sủa đêm? Đấy. Mày với anh mày quan hệ rất lớn. Làm em phải thờ anh, chẳng lẽ để bố mẹ thờ con, nên anh mày vẫn không an... Tôi nghe rợn gáy, lòng bỗng rỗng ra, chợt nhớ đến, như nhớ đến một món nợ trót quên.

Nói với cha, cha gục gặc mái đầu nặng tuổi bát tuần, mắt nhìn xuống, như nặng thêm. Hỏi: Cha còn nhớ mặt anh Phước? Đầu cha lại gục gặc, rồi lắc lắc.

Chuyện tôi cũng chẳng nói với mẹ.

2. Trong số sách vở cha tôi mang về Bắc sau khi đi Nam về sau giải phóng, có cuốn sách ghi những chữ lạ như “quốc văn”, “tú tài đệ nhất”... Cha giải thích đó là sách giáo khoa văn học của miền Nam “thời nguỵ”. Trang đầu, ghi những chữ nắn nót: Lê Hữu Phước, Sài Gòn, 197...

Sài Gòn, thời đó với chúng tôi là một miền đất vui nhưng xa lắm. Chỉ biết từ đó đưa về những áo thun, bóng bay, bánh kẹo rất sặc sỡ.

Đưa về trước nữa, những câu chuyện cha mẹ tôi đêm đêm thì thào, chập chờn giữa giấc ngủ tôi những địa danh xa lạ “Quảng Nam”, “Thạch Bộ”, “Đại Hoà”, “vùng chiến thuật”, “càn trắng”..., những tên người ám ảnh “bà Mười”, “ông Quảng”, “con Duyên”...

Một lần, bỗng giật mình nghe “đạn lạc”, lại nghe “loạn”, “cướp bóc”, “hôi của”, “văn khoa Sài Gòn”. Từ “đạn lạc” ám ngay vào.

Hỏi cha, cha ngó qua chỗ khác.

3. Cho đến giờ, tôi vẫn hình dung, một viên đạn súng trường bắn chỉ thiên xiên xiên, lên suốt tầng mây, đến đỉnh parabol, lao vút xuống, trúng vào một người, đó gọi là “đạn lạc”. Mặc dù bây giờ đã biết không hẳn là thế.

Lại nhớ hồi nhỏ xem những phim tài liệu, trong đó những người lính phe thắng trận thế chiến II, khi nghe tin chiến thắng, nã lên trời hàng tràng đạn. Chiến tranh kết thúc, ai mà không hân hoan. Thêm nữa, cuộc chiến ấy kết thúc, người lính thường ảo tưởng sẽ chẳng bao giờ còn phải bắn giết, hay tránh đạn. Xả đạn lên trời cũng là một hành động hào sảng.

Những người lính phía thua trận, thì thường vứt súng đạn xuống đất. Nhưng cũng có những kẻ không cam tâm, điên cuồng xả súng.

Rồi những kẻ thấy (và thích) loạn, nổi lên cướp bóc, thanh toán oán ân. Trong chiến tranh, không chỉ có hai phe.

Đấy chỉ là những điều vu vơ nhặt được, cảm thấy lang mang hồi ấy... Anh tôi cũng chỉ biết chiến tranh qua những cách như thế. Anh tôi và tôi không trực tiếp tham chiến.

Súng đạn lên ngôi, lòng người tan nát. Những viên đạn vô tình bay từ mọi hướng, đến từ mọi phương, đường đạn chắc cũng đa dạng phong phú lắm, cũng vẽ ra những đường lạ lắm, nhất là trong đêm tối. Viên đạn nào đã đi lạc. Trúng anh tôi.

4. Tôi thường đem quyển sách giáo khoa ra ngắm nghía, nó trông cũng lạ. Lúc đó, tôi chưa hiểu những gì viết trong đó. Hỏi thì cha tôi chỉ im im, rồi đi ngay làm việc khác. Nhưng ngắm mãi thì như tôi hiểu một cái gì đó. Những hình ảnh nhập nhoà cứ hiện ra khi tôi nhìn vào dòng chữ nắn nót đầu sách.

Như có một cái gì liên tưởng. Tôi nhớ đến vài tấm ảnh lạ trong album ảnh gia đình, nước ảnh rất tốt dù đã cũ. Trong ảnh, một người phụ nữ ngoài 20 tuổi nét mặt trang nghiêm, hai đứa trẻ con một trai một gái cũng cố trang nghiêm nhưng đầy ngơ ngác.

Đây là ai? Cha mẹ tôi đều lảng đi, hướng tôi vào những tấm ảnh khác. Nhiều lắm, trong đó ít ảnh nào không có cha tôi. Nếu không có cũng được giải thích ngay. Đây là... Đây là... Nhưng trong những tấm ảnh này. Không giải thích.

Trong tuổi hoa niên của tôi, nhiều điều biết được, đều do cảm thấy, liên tưởng ra. Những hình ảnh mộng mị cũng tham gia, khiến không ít những điều tôi biết hồi đó là sai lạc. Nhưng những gì về anh tôi thì không sai lạc, dù chẳng bao giờ đầy đủ.

Nó đến với tôi cũng như đường đi của viên đạn lạc. Từ một đầu kia đất nước, nó bay lên. Chập chờn. Ẩn hiện. Lúc vút lên, khi sà xuống, lúc bị gió đánh bạt ra biển, khi bị nắng nung tan loãng cao không, lúc bị trập trùng mây xô vào nơi rừng núi, khi theo bụi quẩn quanh giữa đô thành, nơi đầy những hơi người hôi hám.

5. Rồi một ngày, viên đạn của sự thật ám vào tôi, một thằng bé con không biết gì về chiến tranh, càng không biết gì về cái chết, càng không biết gì về sự chia ly và gánh nặng của mất mát, càng không biết gì về sự hao tán của cái thêm vào...

Một sáng, có một chị áo trắng, đứng xa xa nhìn tôi. Chị nhìn như xuyên qua tôi, chẳng nói gì. Tôi nhìn chị trong nắng, chị như là nắng kết thành. Ánh mắt chị như đường đi viên đạn, xuyên thẳng người tôi. Tôi thấy choáng váng ngất ngây. Một thanh âm gì không nghe được bằng tai lùng bùng trong óc.

Mãi sau tôi mới biết đó là chị cả của chúng tôi. Chị Duyên. Duyên – Phước. Ngoài này cha tôi còn thêm mấy anh em chúng tôi. Trong những cái tên có âm Hoài, Phương... Trên đất nước này, đã có biết bao duyên phước chia lìa. Để rồi thêm bao nhiêu hoài vọng về những phương trời... Cái khủng khiếp của chiến tranh chưa phải là đất đai bị chia cắt mà là lòng người bị cách ngăn.

6. Anh tôi, sinh ra năm 1954. Đúng năm ấy, cha tôi khoác túi đi tập kết. Tôi hình dung trong túi chẳng có gì đáng giá nhưng có mấy tấm ảnh chụp vội. Mà chưa chắc đã phải. Những tấm ảnh này đến với cha, mãi sau cái thời hạn hai năm bị mãi mãi kéo dài. Anh tôi, có lẽ chỉ biết mặt cha qua ảnh, khi người còn trẻ. Cha tôi, chỉ biết mặt anh qua ảnh, khi người đã chết.

Anh tôi, năm 1975 đã nuôi mộng vào học văn khoa Sài Gòn, rồi anh còn muốn đi học nước ngoài. Anh tôi, đã tự xây dựng một tủ sách gia đình... Tất cả đã chấm dứt vào một ngày tháng 4-1975. Một viên đạn lạc.

Tôi ra đời, ở đầu này đất nước. Tôi cũng tuổi Ngọ như anh, nhưng anh không biết tôi khi anh còn sống. Tôi biết có anh khi anh đã chết. Anh chết vì một viên đạn lạc. Còn tôi thì phải sống với phần hồn dính đạn từ cái chết của anh.

7. Tôi sống tiếp anh.

Ngẩng đầu, bóng dáng những viên đạn vẫn bay nhưng nỗi đau đã dịu.

Truyện ngắn của Lê Anh Hoài

Viên đạn lạc

Sinh năm 1966, Lê Anh Hoài không biết nhiều về chiến tranh, nhưng mất mát và chia cắt đến với nhà văn này qua chính gia đình anh.

Anh nói, đây không chỉ là truyện ngắn, đây là tự truyện.

Chiến tranh đã qua đi rất lâu, đất nước thống nhất, hồi sinh mạnh mẽ. Nhưng có những điều không thể quên vẫn nằm đâu đó trong các gia đình, trong mỗi người.

Lê Anh Hoài tốt nghiệp Học viện An ninh năm 1988, làm báo, viết văn. Anh còn theo đuổi hội họa, nghệ thuật trình diễn (performance art) nghệ thuật sắp đặt (installation art) - những môn nghệ thuật của ngày hôm nay.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG