Ann có thể thoải mái chơi bất cứ nhạc cụ gì dưới nước |
Gần giống giọng ca sĩ thật
Sau một tuần ra mắt, MV Làm sao nói thương anh của Ann đạt tầm 160.000 lượt xem. Đây là một ca sĩ ảo được tạo nên bởi công nghệ hoạt hình 3D và trí tuệ nhân tạo (AI).
Sau đó giọng hát của Ann bị một số khán giả cho rằng giống Thùy Chi. Đơn vị phát triển sản phẩm tỏ ra vui mừng vì Ann được đánh giá ngang ngửa với một giọng hát thực lực đã có vị trí. Đại diện Bobo Đặng nói: “Việc xử lý ca khúc cho Ann rất khác biệt so với ca sĩ thật. Nhóm chọn lọc màu giọng, tái tạo kỹ thuật số và kết hợp kỹ thuật thu âm để tạo ra giọng ưng ý. Để thêm vào cảm xúc, nhóm sử dụng nhiều âm thanh tự nhiên của con người như tiếng thở hoặc tiếng lấy hơi để tạo độ chân thật”.
Có thể thấy sự “mập mờ” trong phát ngôn này dễ khiến độc giả lầm tưởng giọng của Ann được tạo từ con số 0, tức là chỉ thuần bằng công nghệ. Về mặt giọng của chủ thể tạo ra Ann, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Phi Vũ chia sẻ trên truyền thông rằng, anh phải xin mẫu và chọn lọc từ nhiều nguồn khác nhau. Danh tính của những cá nhân này được giữ kín vì thuộc về bí mật công nghệ của đội ngũ sáng tạo.
Như vậy, nguồn gốc giọng của Ann nhiều khả năng được xây dựng theo cung cách đối với Michau và Damsan - hai ca sĩ “siêu thực” từng ra MV và biểu diễn tại Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò Dô cuối năm 2022. Tức là đằng sau những ca sĩ ảo này là những giọng hát thật được xử lý thêm bằng phần mềm Vocaloid cho “hoàn hảo”. Còn sửa thế nào tùy gu. Với Ann, đội ngũ sản xuất lại muốn thêm cả tiếng thở cho giống thật.
Tuy nhiên không loại trừ những mẫu âm mà nhóm tác giả “xin” được lại chính là giọng hát Thùy Chi hoặc một ca sĩ có thật nào đó. Nếu như vậy việc giấu tung tích này có khi lại đỡ cho Ann khỏi phải trả bản quyền?! Người ta đang lo ngại nạn lừa đảo qua điện thoại bằng cách dùng công nghệ AI để giả mạo giọng nói. Trong tương lai hoặc ngay bây giờ, các ca sĩ có nguy cơ bị nhái giọng một cách tinh vi mà chưa có cách nào để phòng tránh hoặc chứng minh mình bị mượn màu giọng.
Thực ra một MV chưa thể nói lên điều gì vì có thể được thực hiện dễ dàng như một đoạn phim hoạt hình, nhất là MV của Ann thậm chí chẳng có nhân vật nào ngoài cô. Nhưng vì chỉ có vài phút cộng với việc được giới thiệu là ca sĩ ảo nên những ca sĩ như Ann sẽ bị soi về độ chân thực, xem giống người đến đâu.
Có thể thấy Ann mặc dù giao diện mượt mà hơn hẳn Michau hay Damsan nhưng mới chỉ có mắt, môi và tóc chuyển động. Còn lại khuôn mặt đơ như silicon. Điều này là đương nhiên, vì muốn điều khiển cả cơ mặt để thể hiện cảm xúc phải có công nghệ mô phỏng hình ảnh CGI thường được Hollywood sử dụng.
Đại diện nhóm sáng tạo Michau và Damsan thừa nhận, hai ca sĩ siêu thực này vẫn chưa tạo được cảm giác chân thật và cũng chưa thể tương tác thực tế với khán giả. Sắp tới điều này sẽ được khắc phục. Tức là khi ca sĩ ảo lên sân khấu, đâu đó sẽ có ca sĩ thật được kết nối qua các cảm biến nào đó để có khả năng giao lưu với khán giả tại chỗ. Đội ngũ này đang cân nhắc đường đi nước bước tiếp theo cho hai ca sĩ ảo. Có thể họ sẽ biến Michau và Damsan thành các thế thân cho các ca sĩ trẻ muốn giới thiệu giọng hát của mình trước công chúng.
Bản thiết kế của Michau và Damsan lấy cảm hứng từ hai nhân vật huyền thoại của Việt Nam |
Phù hợp với văn hóa Việt?
Cách đây 2 năm, nhóm nhạc ảo Eternity (Hàn Quốc) ra mắt MV I’m real (Tôi là thật) cho thấy kỹ thuật còn hết sức hạn chế. Có thể phỏng đoán họ dùng vũ công thật và chỉ chế lại gương mặt. Điều này dẫn đến hiệu ứng tóc rất thật nhưng khuôn mặt thì mờ ảo với cử động đơ cứng. Không hơn gì trò chơi người chơi ghép mặt mình vào các diễn viên trong phim bom tấn một dạo bùng nổ trên mạng xã hội. Nhưng chỉ một năm sau, công nghệ của họ có bước tiến rõ rệt với MV Dain, lượt xem tăng cao hơn, từ 1,3 triệu lên 3,6 triệu.
Ca sĩ ảo có thể mang ngoại hình y hệt các nhân vật hoạt hình theo phong cách hoạt họa Nhật như Hatsune Miku (Nhật) hay Lạc Thiên Y (Trung Quốc). Nghĩa là không cố tình giống người thật nhưng vẫn có lượng người hâm mộ “khủng”, lưu diễn quốc tế và ký những hợp đồng quảng cáo lớn. Thậm chí công ty sở hữu Hatsune Miku còn cho phép ai có nhu cầu đều có thể thoải mái làm đám cưới với sản phẩm của họ.
Ông Nguyễn Tiến Huy, đại diện nhóm phát triển Michau, Damsan nhận xét: “Nghệ sĩ ảo thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều là những thị trường lớn của trò chơi online, truyện tranh, phim hoạt hình hay phong trào cosplay. Nghĩa là một bộ phận lớn khán giả sống trong thế giới tưởng tượng đó quen rồi. Còn ở Việt Nam, viễn cảnh nào cho các ca sĩ ảo vẫn sẽ phải chờ trong vài năm tới, vì còn phụ thuộc vào sự phát triển văn hóa”.
Có thể thấy ở một số nền văn hóa có nhu cầu kết nối với thần tượng ảo lớn hơn. Không phải vô cớ mà các ca sĩ ảo dễ làm mưa gió ở Nhật, Hàn hay Trung. Đây đều là những quốc gia mà nền văn hóa thần tượng rất phát triển, tạo ra hàng loạt ngôi sao mạnh về ngoại hình, vũ đạo. Còn giọng hát đồng đều ở mức mượt mà, dễ nghe đồng nghĩa với dễ nhân bản. Họ phải giữ hình ảnh nghiêm ngặt, vì thậm chí chỉ cần hẹn hò cũng đủ làm người hâm mộ sốc.
Những miêu tả này hoàn toàn phù hợp với một thần tượng ảo. Nhân vật sẽ đáp ứng tuyệt đối những đòi hỏi khắt khe của fan cuồng cũng như công ty quản lý: không bao giờ già, ốm hay quậy phá, làm việc 24/7 thậm chí ở nhiều nơi cùng lúc.
Bản thiết kế của Michau và Damsan lấy cảm hứng từ hai nhân vật huyền thoại của Việt Nam |
Heyonn Mot, đại diện cho Pulse9 (quản lý Eternity), vẽ ra một tương lai tươi sáng khi ca sĩ ảo gia nhập showbiz. Rằng các ca sĩ ảo chính là hình ảnh lung linh của những ca sĩ, vũ công có thật trong đời- những người sẽ cho mượn giọng hát, vũ đạo. Và như thế họ không phải lo bị miệt thị về ngoại hình như các ca sĩ thật đã và đang phải chịu. Thậm chí một ca sĩ trong đời thực có thể cùng lúc điều khiển vài thế thân ảo khác nhau và kiếm lời từ đó. Heyonn Mot nhấn mạnh đây là cơ hội cho những ca sĩ sở hữu giọng hát hay, nhưng vì lý do riêng tư không muốn xuất hiện... Tóm lại bạn vừa thỏa mãn đam mê, kiếm được tiền vừa thoải mái tận hưởng cuộc sống, có lỡ gây xì căng đan cũng không ảnh hưởng gì (!)
Ca sĩ ảo được cái không biết đòi cát-xê, nhưng để tổ chức cho họ một buổi diễn, đòi hỏi nhiều nguồn lực. Chẳng hạn để chuẩn bị một chương trình kéo dài hai tiếng của Lạc Thiên Y, cần một đội ngũ khoảng 200 người từ Trung Quốc và Nhật Bản làm việc trong nửa năm. Bên cạnh công nghệ, tài chính cũng là một thách thức đối với các ca sĩ ảo tại Việt Nam để có thể đi được chặng đường dài.