Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng là biểu hiện tổn thương da của một dạng dị ứng. Bệnh có đặc trưng bởi bệnh sử gia đình bị hen, viêm da ở trên 70% trường hợp.

> Viêm mũi dị ứng và những phiền toái

Tỷ lệ mắc bệnh viêm da dị ứng đang tăng lên trên khắp thế giới, chẳng hạn tỷ lệ mắc bệnh ở học sinh Na Uy lên đến 23%.

Viêm da dị ứng ảnh 1

Một độc giả thắc mắc như sau: Em bị bệnh viêm da dị ứng ở mặt cách đây 8 năm rồi. Đầu tiên là do ăn đồ biển bị dị ứng. Sau đó, ra tiệm thuốc tây người ta cho em thuốc bôi có thành phần Corticod, em bôi thấy hết. Sau đó, mỗi lần em ăn bị dị ứng là lấy thuốc ra bôi.

Không hiểu sao bây giờ em không ăn đồ biển mà cũng bị, mà ngưng bôi thuốc là bị rất phụ thuộc thuốc. Em đã điều trị 11 tháng vừa tốn tiền vừa mất thời gian mà không hết. Giờ không biết phải làm sao nữa, em rất tự ti mặc cảm mỗi khi tiếp xúc với mọi người. Mặt em sần nhiều lắm, ngứa nữa, mong bác sĩ chỉ dùm em cách điều trị cho khỏi. Em xin cảm ơn bác sĩ nhiều lắm.

Trước hết, viêm da dị ứng là gì?

Viêm da dị ứng là tình trạng dị ứng biểu hiện trên da, gây viêm da và ngứa, đây là một bệnh mãn tính, kéo dài, hay tái phát trong cuộc sống, bệnh có thể xảy ra ở da bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở vùng mặt và tay – chân, bệnh có xu hướng bùng phát từng đợt theo chu kỳ, sau đó giảm dần.

Vậy vì sao mà bị bệnh?

Về nguyên nhân, viêm da dị ứng là một bệnh phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó vai trò của gen tương tác với yếu tố môi trường là cơ chế bệnh sinh chính của bệnh, các dị nguyên trong không khí như bọ nhà, lông chó, lông mèo, nấm mốc và một số dị nguyên thức ăn được cho là vai trò chủ yếu trong các đợt cấp của bệnh, đôi khi có bội nhiễm do vi khuẩn chủ yếu như là chủng tụ cầu vàng.

Qua trình bày trong thư của vị độc giả này, tình trạng dị ứng chỉ đề cập có ở mặt mà không thấy đề cập vị trí khác, thì ít nghĩ đến nguyên nhân do thức ăn, vì nếu tình trạng dị ứng do thức ăn thì ít biểu hiện chỉ có ở mặt mà còn nhiều vị trí có da, có phần da mỏng tương đương da ở mặt như ở bụng, ngực, lưng, mặt trong đùi, cánh tay...

Viêm da dị ứng ảnh 2

Vì theo cơ chế, sau khi thức ăn đi vào đường tiêu hóa sẽ hấp thu qua ruột non vào máu, nếu xảy ra tình trạng dị ứng sẽ phóng thích Histamine gây tình trạng dị ứng như đã kể trên, ít khi chỉ có biểu hiện ở mặt; ví dụ như tình trạng mày đay do thức ăn là một minh chứng, các sần phù nổi nhiều vị trí trên cơ thể, còn nếu chỉ có dị ứng ở mặt thì phần lớn là từ các chất tiếp xúc trực tiếp như xà phòng, mỹ phẩm, nước hoa, khăn lau mặt, thuốc trị một số bệnh như mụn trứng cá…

Phải điều trị như thế nào?

Về điều trị, hiện tại điều trị viêm da dị ứng còn nhiều khó khăn và cần phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp, tuy nhiên để điều trị bệnh nhanh khỏi trước hết cần phải xác định và loại bỏ nguyên nhân, để tránh tiếp xúc với nó, các thức ăn làm bệnh trầm trọng hơn, cần phải được loại trừ, trong trường hợp bụi nhà là thủ phạm cần lau rửa nhà cửa, ga trải giường, sạch sẽ hàng ngày, cần dùng quạt gió để giảm độ ẩm trong nhà...

Viêm da dị ứng ảnh 3

Tránh các sang chấn tình cảm ảnh hưởng đến viêm da cơ địa. Về điều trị, trước cần điều trị tại chỗ, có thể sử dụng thuốc thoa có thành phần Corticoid thoa 2 lần mỗi ngày trong giai đoạn cấp, sau khi bệnh đã được kiểm soát, có thể bôi cách ngày hoặc hai lần mỗi tuần tại nơi tổn thương để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Tác dụng phụ của Corticoid bôi tại chỗ tùy thuộc vào cường độ tác dụng và thời gian sử dụng thuốc, thường gặp nhất là rạn da, nổi trứng cá, giãn mạch, teo da… nên tránh lạm dụng và thoa kéo dài, nhất là trên mặt, mỗi đợt điều trị không quá 5 ngày. Do bệnh thường có ngứa kèm theo, các loại thuốc kháng Histamin uống một viên ngay khi ngứa.

Theo BS Trần Quốc Long
Bác sĩ gia đình

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG