Vì sao yết hầu sưng đau khi trời lạnh?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Nếu chẳng may ngoại tà xâm nhập sẽ xảy ra “chiến sự vùng hầu họng”, khiến vùng yết hầu bị sốt, sưng, đau, nhất là những hôm trời lạnh...

Theo bác sĩ Duy Anh (Phòng khám Bệnh viện E, Hà Nội), yết hầu là cửa ngõ của phế, vị - là nơi có nhiều đường kinh mạch đi nuôi dưỡng cơ thể, cũng là vị trí quan trọng ngăn không cho tà khí xâm nhập cơ thể. Nếu chẳng may ngoại tà xâm nhập sẽ xảy ra “chiến sự vùng hầu họng”, khiến vùng yết hầu bị sốt, sưng, đau, nhất là những hôm trời lạnh.

 Những thể bệnh của yết hầu

BS Duy Anh cho biết, đau yết hầu gây ốm khi trời trở lạnh thì Tây y gọi là bị viêm nhiễm vùng ngã ba hầu họng, cũng là bệnh thông thường, dễ mắc quanh năm. Nhẹ thì gây đau họng, viêm họng cấp. Nặng thì viêm nhiễm, có mủ…

Lúc mới mắc chỉ bị ngứa họng, hay khạc nhổ, có kèm sốt và tiết nhiều đờm dãi. Nếu không được chữa trị sẽ tăng nặng khiến vùng hầu họng đau nghẹn, họng sưng đỏ, lưỡi gà đỏ, lưỡi đỏ hoặc hồng nhợt, nuốt nước bọt cũng đau, ăn uống khó khăn. Người hút thuốc lá mùa lạnh rất hay mắc vì dễ mẫn cảm và hay bị kích thích sinh bệnh.

Vì sao yết hầu sưng đau khi trời lạnh? ảnh 1

Với đông y, Thầy thuốc ưu tú, BS Ðông y Trần Văn Bản (Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam) cho rằng khi vùng yết hầu xảy ra “chiến sự”, nếu chính khí khỏe thì tà khí lui, bệnh đỡ dần và khỏi. Nhưng nếu chính khí suy giảm, hoặc không được chữa trị kịp thời thì vùng hầu – họng sẽ bị tăng sưng đau, đỏ, loét... và gọi chung là bị ốm.

Yết hầu sưng đau đông y chia nhiều thể như ngoại cảm phong hàn, đàm hỏa, tỳ hư can uất… (yết hầu thũng thống). Đông y chia đau yết hầu ra nhiều thể, một số thể do lạnh như sau:

Ở thể cảm nhiễm ngoại tà: Do phong hàn, hàn tà hoặc dịch độc thời khí; hoặc âm hư, hoả vượng kéo dài và nói quá nhiều; hoặc do ăn quá cay nóng, hoặc ăn nóng lạnh đột ngột, uống nhiều rượu cao độ... làm ảnh hưởng tới yết hầu.

Ở thể ngoại cảm phong hàn: Bệnh nhân sẽ bị ngạt mũi, nói nặng tiếng, không ra mồ hôi nhưng cơ thể hay ớn lạnh, sợ gió,cổ họng sưng, nuốt đau vướng, sốt - đau đầu, sốt, nhức mỏi cơ thể, chán ăn; mạch phù hoãn.

Thể ngoại cảm phải dịch độc thời khí: Chứng đau yết hầu do dịch độc thời khí sẽ khiến nhiều người cùng nơi, cùng chỗ lây lan lẫn nhau. Bệnh nhân ngứa họng, đau, khô rát, sưng đỏ, nuốt khó ăn hay nghẹn, thích uống nước lạnh, sốt cao, khát nước, mạch sác.

Ở thể đàm hỏa, bệnh nhân sẽ thấy yết hầu sưng, đau, nuốt nước bọt đau, người ậm ạch khó chịu, lợm giọng buồn nôn, ăn uống đau nghẹn khó nuốt, ngại nói, nặng thì khò khè, khó thở, tâm phiền, mạch hoạt sác.

Ở thể Kinh dương minh tích nhiệt khiến bệnh nhân sốt nhưng đặc biệt là không sợ lạnh mà lại sợ nóng. Vùng hầu họng sưng đỏ, đau, nóng như bị đốt. Khắp người mệt mỏi, háo khát, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, mạch hồng đại…

Thận âm hư cảm nhiễm ngoại tà: Cổ họng khô, sưng đau, thường xuyên cảm giác nóng rát ở yết hầu, nuốt nước bọt khó khăn, đau, người phiền muộn, háo khát, ăn uống nghẹn khó nuốt, lưng đau, ù tai, đại tiện táo, tiểu tiện vàng sẻn. Rêu lưỡi vàng; chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Vì sao yết hầu sưng đau khi trời lạnh? ảnh 2

Phòng và điều trị yết hầu “ốm”

Theo ông Trần Văn Bản, Đông y có nhiều bài thuốc, tùy thể mà dùng nhưng đều phải trực tiếp để kê đơn, bốc thuốc. Nhưng có một số thuốc nhai ngậm có thể sử dụng như sau:

Với ngoại cảm phong hàn: Dùng xạ can lá hoặc củ tươi vừa 1 miếng + sinh khương 1 miếng, nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 4- 5 lần.

Ngoại cảm phải dịch độc thời khí: Dùng xạ can 3 miếng, hoắc hương 3 lá, sinh khương 1 miếng, nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 4 - 5 lần.

Kinh dương minh tích nhiệt: Dùng lá húng chanh 3 lá, sơn đậu căn 3 miếng, nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 5 - 6 lần.

Đàm hoả: Ô mai nhục, cam thảo vừa 1 miếng nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 5-6 lần.

Bác sĩ Duy Anh cho rằng, các chứng viêm nhiễm hầu họng ở mức độ nhẹ có thể dùng các loại nước súc miệng bán trong các nhà thuốc, hoặc thuốc ngậm như Mekotricin, bổ phế… (có chất sát khuẩn). Nhưng khi đã viêm sưng, tấy đỏ, có mủ thì cần đi khám bác sĩ để được điều trị bằng kháng sinh, tránh biến chứng nặng.

Để phòng ngừa, đơn giản nhất là hàng ngày dùng nước muối ấm súc miệng, hoặc các loại nước sát khuẩn súc họng như T & B, Listerrin… Sáng sớm và những ngày trời lạnh ra đường cần quấn khăn, đeo khẩu trang… bảo vệ vùng cổ và yết hầu để không bị ốm.

Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG