Vì sao Quảng Ninh muốn trả đội bóng cho tỉnh?

0:00 / 0:00
0:00
Các cầu thủ Quảng Ninh phải thi đấu trong cảnh nợ lương nhiều tháng. Ảnh: Anh Tú
Các cầu thủ Quảng Ninh phải thi đấu trong cảnh nợ lương nhiều tháng. Ảnh: Anh Tú
TP - Ngày 23/8, Chủ tịch CLB Bóng đá Quảng Ninh cho biết đã làm đơn xin trả lại đội bóng cho tỉnh sau khi không có kinh phí để trả lương, thưởng, phí “lót tay” cho các cầu thủ.

Trước đó các cầu thủ Quảng Ninh như Phạm Nguyên Sa, Huy Hùng, Hải Huy… đồng loạt đăng tải lên trang cá nhân đơn gửi lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở VH-TT&DL tỉnh, đội bóng cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), phản ảnh bị nợ đọng lương, tiền “lót tay” nhiều tháng. Cầu thủ Hoa Hùng nói rằng, anh đang bị CLB nợ lương các tháng 4, 5, 6, và 40% tiền “lót tay” năm 2019, 100% của năm 2020 và nửa mùa giải 2021. Huy Hùng nói anh mong muốn được thanh toán số tiền còn thiếu. “Ngày 31/8, nếu số tiền trên chưa được giải quyết, tôi sẽ thuê luật sư và kiện CLB Than Quảng Ninh. Bên cạnh đó, tôi sẽ gửi giấy tờ liên quan đến Ban Kỷ luật VFF, AFC và nếu cần là cả FIFA để giải quyết sự việc”, đơn Huy Hùng viết. Anh cũng mong người hâm mộ Quảng Ninh lượng thứ cho việc này.

Tiền vệ Hải Huy nói rằng, anh đang bị CLB nợ lương nhiều tháng, do gia đình có tàu đánh cá ngoài biển, anh phụ giúp công việc kinh doanh. “Không được đá bóng thì bán hàng kiếm thêm vậy”, Hải Huy rao bán hải sản trên trang cá nhân.

Chủ tịch CLB Bóng đá Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng hôm qua xác nhận, CLB đang nợ cầu thủ 60-70 tỷ đồng tiền lương, tiền “lót tay”… Theo ông Hùng, thời gian qua, đội bóng gặp khó khăn, tỉnh nhiều lần họp hứa hẹn tháo gỡ nhưng chưa giải quyết. Ông Hùng đã 3 lần gửi đơn trả đội bóng lại cho tỉnh, và công ty của ông cũng dừng tài trợ cho đội vì không làm ăn được.

Ai bảo vệ các cầu thủ?

Ngày 21/8, Thường trực VFF, đứng đầu là Chủ tịch Lê Khánh Hải, và BCH VFF thông qua chủ trương dừng giải bóng đá VĐQG LS V-League 2021. Lý do VFF đưa ra là dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng trên toàn quốc. Theo kế hoạch trước đó được chính BCH VFF thông qua, V-League có thể trở lại vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, nhiều đội bóng kêu gặp khó khăn kinh tế nếu kéo dài thời gian hoãn giải đấu và muốn dừng giải. Trong số này có 3 đội đang ở cuối bảng gồm Hải Phòng, Sài Gòn FC và SLNA. Gay gắt nhất là Hải Phòng, đội vừa thay Chủ tịch Trần Mạnh Hùng bằng CĐV Văn Trần Hoàn.

Thực tế khi V-League tạm dừng, nhiều đội bóng đã lên kế hoạch cắt giảm lương cầu thủ. Hải Phòng là đội cắt mạnh nhất với việc giảm 70% lương cầu thủ, bắt đầu áp dụng từ tháng 8. Quyết định dừng giải của VFF sẽ tạo điều kiện cho các CLB lấy làm cơ sở để tiếp tục thanh lý hợp đồng, cắt giảm lương cầu thủ. Nhiều cầu thủ đang rất hoang mang bởi phải đứng trước nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng tới cuộc sống. Trong khi, đó khi ra quyết định dừng giải, VFF không đưa ra phương án hay chủ trương nào để bảo vệ quyền lợi cầu thủ, những người chịu tác động đầu tiên từ quyết định của VFF. Tính tổng các giải đấu, số lượng cầu thủ khoảng 1.000 người. Ngoài nỗi lo tài chính, việc duy trì thể lực, phong độ khi phải nghỉ dài hạn cũng là một vấn đề lớn đặt ra đối với các CLB.

Theo kế hoạch, 14h30 hôm nay (24/8), VPF sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với các đội bóng để bàn phương án giải quyết những hệ lụy có thể xảy ra khi V-League phải dừng giữa chừng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.