Sau 10 vòng đấu đầu tiên, đã có tổng cộng 291 bàn thắng (chưa tính trận Newcastle và Stoke City đá muộn). Con số này đạt tỷ lệ 2,97 bàn thắng/trận. Cụ thể hơn, sau 97 trận đã diễn ra, mới chỉ có 8 trận kết thúc với tỷ số hòa 0-0. Xét trên toàn châu Âu với những giải đấu danh tiếng khác, Premier League cũng đang là giải đấu có tỷ lệ bàn thắng cao nhất. Ở Bundesliga, sau 10 vòng đầu tiên, tỷ lệ là 2,82 bàn/trận, ở Ligue 1 là 2,59 bàn/trận, ở Liga là 2,5 bàn/trận trong khi ở Serie A là 2,41 bàn/trận.
Với những con số ấn tượng như thế, người ta buộc phải tiến hành phân tích tại sao những bàn thắng lại đến dễ dàng với sân chơi Premier League như thế.
Tấn công, tấn công và tấn công
Gần đây, HLV Arsene Wneger đã nói về việc có nhiều đội bóng đã áp dụng tư tưởng tấn công ở mùa giải năm nay. Ông có lý do để nhận xét như thế. Thay vì tấn công biên truyền thống, những đội bóng đã bắt đầu tấn công trung lộ nhiều hơn. Điều đó buộc toàn bộ đội bóng phải chơi dâng cao với số đông nên để lộ những khoảng trống ở phía sau rất lớn. Điều này khiến cho họ dễ bị thủng lưới sau những pha phản công của đối thủ.
Những đội bóng mới lên hạng cũng không ngần ngại áp dụng chiến thuật này ngay cả trên sân khách. Ở trận đấu với Liverpool, ngay sau khi bị dẫn bàn, HLV Paul Lambert lập tức đưa thêm một tiền đạo nữa vào sân và họ có bàn gỡ hòa. Trong khi đó, Queen Park Rangers và Swansea cũng không ngần ngại chơi với tư tưởng này khi mạo hiểm chơi đôi công khi cần thiết. Có thể nói, thật khó để tìm ra một đội bóng chơi với tư tưởng phòng ngự hơn là tấn công sau 10 vòng đầu tiên ở Premier League.
Chính sách xoay vòng?
M.U đã sử dụng 9 cầu thủ khác nhau đá ở 4 vị trí phòng ngự mùa này. Terry cũng đã thường xuyên phải đổi đối tác ở trung tâm hàng thủ Chelsea. Những điều này cũng đang diễn ra ở Arsenal, Liverpool, Tottenham và một số đội bóng khác. Với một hàng thủ thiếu ổn định, họ cũng là những đội bóng phải nhận số bàn thua tương đối lớn.
Man City và Newcastle là những đội bóng hiếm hoi có được sự nhất quán và ít xoay tua ở hàng thủ nhất. Đương nhiên, họ cũng là những hàng hậu vệ chắc chắn nhất. Trong khi Man City mới nhận 8 bàn thua thì Newcastle cũng chỉ mới nhận 6 bàn.
Thủ yếu đi, công mạnh lên
Cuối tuần qua là một tuần điển hình cho việc hàng thủ của các đội bóng sa sút nghiêm trọng. Hàng thủ của Chelsea bị thủng lưới tới 5 bàn trước Arsenal, Moussa Dembele thoải mái sút tung lưới của Wigan trong bàn thắng thứ 2 của Fulham và Christopher Samba của Blackburn chẳng gặp khó khăn nào để ghi bàn thắng thứ 3 vào lưới của Norwich.
Premier League không có những cỗ máy ghi bàn như Lionel Messi và Cristiano Ronaldo nhưng bù lại họ lại có những chân sút luôn biết mang tới những cơn mưa bàn thắng cho người hâm mộ. Luis Suarez hay Aguero là những phát hiện mới trong khi Robin van Persie đã ghi tới 28 bàn trong 27 trận ở Premier League gần đây. Những cầu thủ bị nghi ngờ về phong độ cũng như tinh thần thi đấu trong mùa Hè vừa qua lại liên tiếp nổ súng. Đó là trường hợp của những Dzeko, Adebayor, Balotelli hay Ba.
Tính đến thời điểm này, đã có 15 trận đấu kết thúc với trên 4 bàn thắng trở lên. Arsenal thủng lưới tới 8 bàn trước M.U, đội sau đó đã thua 6 bàn trước Man City. Queens Park Rangers để thủng lưới tới 6 bàn trước Fulham trong khi Tottenham đã thua 1-5 ngay ở sân nhà trước Man City. Phải chăng đang có một sự “mong manh dễ vỡ”, hay nói nôm na là sự “ngây thơ” ngay cả trong những đội bóng được coi là “đại gia” của Premier League?
Theo Thể Thao Văn Hóa