Mới đây, trong hàng nghìn câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, có vấn đề nhà giáo quan tâm là, đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục và quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.Thế nhưng ngành giáo dục lại không thể quyết định về tuyển dụng để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cũng như chế độ tiền lương và phụ cấp đảm bảo cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và thu hút được người giỏi. Các giáo viên cũng quan tâm, lãnh đạo Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề liên quan.
Vấn đề được nêu ra trong bối cảnh toàn ngành thực hiện năm thứ 4 đổi mới chương trình GDPT 2018 tuy nhiên chỉ trong 3 năm có hơn 40.000 người bỏ việc, tìm việc làm khác mà lí do chủ yếu là chế độ tiền lương thấp, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Thực trạng đó dẫn đến thiếu giáo viên trầm trọng ở các địa phương.
Giáo viên quan tâm vấn đề, ngành không thể quyết định về tuyển dụng và tiền lương. |
Theo Bộ GD&ĐT, kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022.
"Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất bảng lương ngành giáo dục và đào tạo theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và tính chất mức độ phức tạp của công việc. Trong đó, đã đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề ở mức cao nhất nhằm cải thiện một phần thu nhập của giáo viên", Bộ GD&ĐT trả lời vấn đề giáo viên băn khoăn.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, hiện tại đơn vị đang triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, kỳ vọng, những chính sách về tiền lương, phụ cấp, chính sách về tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng giáo viên sẽ được quy định trong Luật Nhà giáo.