Trốn truy nã vẫn được kết nạp Đảng
Liên quan tới vụ Nguyễn Quang Huy - Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong bị bắt khẩn cấp vì trốn truy nã 26 năm, trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Văn Long – Bí thư Đảng ủy phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cho biết, Huy sống tại địa phương từ nhỏ.
Theo ông Long, suốt hàng chục năm qua, trong hồ sơ Nguyễn Quang Huy sinh sống, học tập sau đó được bổ nhiệm làm việc tại các cơ quan tố tụng tại địa phương. Cụ thể, những năm 90 thế kỷ trước, Huy học ngành tư pháp 5 năm tại thành phố Hòa Bình. Sau đó, Huy được Sở Tư pháp Hòa Bình tuyển dụng và làm việc tại TAND huyện Yên Thủy và Cao Phong đến giờ.
Ngày 28/11, cảnh sát đọc lệnh bắt giữ khẩn cấp Nguyễn Quang Huy, Đảng ủy xã và chính quyền địa phương rất bất ngờ và lúc này mới biết thông tin Huy trốn truy nã vì trộm dầu tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Trả lời câu hỏi, vì sao kẻ trốn truy nã vẫn được kết nạp Đảng, xác nhận hồ sơ lý lịch, ông Long cho hay, vụ án xảy ra theo thông báo của công an tỉnh vào năm 1993, thời điểm này là xã Thái Bình.
“Qua kiểm tra hồ sơ, Đảng ủy xã không xác định được người thẩm định hồ sơ, lý lịch cho Nguyễn Quang Huy. Hồ sơ cũng không thể hiện thông báo phát lệnh truy nã của công an tỉnh. Tôi có hỏi cán bộ công an địa phương nhưng cũng không có thông tin gì liên quan Nguyễn Quang Huy trốn truy nã, vi phạm pháp luật”, ông Long nói.
Cũng theo ông Đinh Văn Long, sau khi xảy ra vụ án xã Thái Bình lên phường, ranh giới địa chính có thay đổi. Thời điểm đó, bố Nguyễn Quang Huy là cán bộ địa phương, từng giữ chức Phó chủ tịch phường.
TAND tỉnh không biết nhân viên là đối tượng trốn truy nã
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng Tổ chức TAND tỉnh Hòa Bình thông tin ngày 2/12, đơn vị mới nhận được thông báo của Công an tỉnh bắt giữ Nguyễn Quang Huy vì trộm dầu Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Huy bị liên quan vụ án “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, theo Điều 303 Bộ luật Hình sự.
Theo thông báo của cơ quan công an, Huy bị truy tố năm 1992, và vụ án được xét xử năm 1993. Vụ án này đã xét xử nhiều bị can, còn Nguyễn Quang Huy bỏ trốn và bị cảnh sát truy nã.
Ông Tùng từ chối trả lời về trình tự tố tụng vụ án nhưng khẳng định đơn vị không biết việc cảnh sát truy nã Nguyễn Quang Huy vì tòa không theo dõi lệnh truy nã này.
Người đứng đầu Phòng Tổ chức – TAND tỉnh Hòa Bình cho biết, năm 2000 Sở Tư pháp tỉnh tuyển dụng anh Nguyễn Quang Huy vào làm việc. Hồ sơ cán bộ, công chức thuộc diện Sở quản lý do Sở Tư pháp Hòa Bình thẩm định và làm hồ sơ gốc của cán bộ. Khi anh Huy được phân công công tác ở tòa án, TAND tỉnh tiếp nhận hồ sơ từ Sở Tư pháp bàn giao.
Khi được phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ vụ án, đại diện TAND tỉnh Hòa Bình từ chối vì cho rằng không thuộc thẩm quyền.
“Hiện việc bắt giữ Nguyễn Quang Huy để điều tra về việc trốn truy nã vẫn đang được cảnh sát làm rõ nên vẫn chưa rõ ràng. Tôi cũng không có thẩm quyền cung cấp hồ sơ vụ án”, ông Tùng nói.
Về vụ việc này, chị P (vợ Nguyễn Quang Huy) tỏ ra “sốc, bất ngờ” khi chồng mình bị cảnh sát bắt. Tại nhà riêng ở phường Thái Bình (TP Hòa Bình), chị P chia sẻ khi nhận được thông tin chồng bị bắt vì trốn truy nã, cả gia đình chị rất sốc, không hiểu vì sao?
Theo chị, anh Huy sống tại địa phương từ nhỏ, chưa từng bỏ trốn hoặc đi đâu cư trú ngoài TP Hòa Bình do đó việc trốn truy nã là không thể. Nói về việc chồng liên quan vụ trộm dầu năm 1993, chị P nói, không thể có chuyện vi phạm pháp luật mà chồng chị được kết nạp Đảng, được tuyển dụng làm việc tại cơ quan tố tụng tại địa phương trong thời gian dài.