Hội TTT Đắk Lắk về vùng sâu khám bệnh cho đồng bào nghèo. Ảnh : PV |
Trước đây Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã hiệp thương, thống nhất với Bộ y tế và trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội Thầy thuốc trẻ (TTT) Việt Nam, dự kiến ra mắt nhân ngày Thầy thuốc VN 27/2/2008. Tuy nhiên cho tới nay việc này vẫn chưa thành hiện thực.
Trong khi đó, giữa năm 2008 UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định công nhận kết quả Đại hội Hội TTT Đắk Lắk lần thứ I, nhiệm kỳ 2008-2013.
Hiện nay, tổ chức Hội non trẻ này đã quy tụ được 118 hội viên chính thức và số hội viên sẽ tăng nhanh bởi nhiều chi hội trực thuộc ở các huyện, trường đang được hình thành thêm, khép kín mạng lưới Hội TTT trên toàn tỉnh.
Năm 1997, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ ra mắt tại BV Đa Khoa tỉnh Đắk Lắk với gần 100 hội viên. Qua 10 năm hoạt động, CLB đã tổ chức khám, phát thuốc, chữa bệnh miễn phí cho hàng chục ngàn đồng bào hầu hết ở các xã nghèo, vùng sâu vùng xa, vận động các nhà hảo tâm, các công ty Dược, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai hỗ trợ hàng trăm cơ số thuốc trị giá trên 1 tỷ đồng, góp phần cùng Ngành Y tế làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Chủ nhiệm từ ngày đầu của CLB, cử nhân Trần Phước Anh bây giờ là phó Bí thư Đảng ủy bệnh viện, phó phòng Hành chính quản trị cùng Ban giám đốc BV hầu hết từng là cán bộ Đoàn nên hiểu rất rõ ý nghĩa hành động của các TTT đối với nhân dân, với uy tín BV; Hiểu rõ những khó khăn thường vấp phải trên đường hoạt động thiện nguyện vào ngày nghỉ, không có sự hỗ trợ từ ngân sách nên rất nhiệt tình trong việc động viên giúp đỡ, tạo điều kiện cho các TTT yên tâm và thuận lợi hoạt động .
Phó Chủ nhiệm CLB từ năm 1997, hiện là Chủ tịch Hội TTT tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ chuyên khoa II Tim mạch Ngô Văn Hùng vẫn độc thân nên ngoài công tác chuyên môn, anh dành nhiều công sức cho hoạt động của Hội.
Thời CLB mới thành lập, những chuyến đi khám chữa bệnh vùng sâu đều vô cùng gian khổ. Mùa mưa, nhiều đợt xe chở đoàn đi mắc lầy giữa rừng, các TTT không ngần ngại vác thuốc men dụng cụ lội sình hàng chục cây số, cả ngày liên tục khám bệnh phát thuốc tư vấn dinh dưỡng vệ sinh cho đồng bào, ăn uống đơn giản qua quýt, đêm về mệt nhoài chỉ cần trải bạt ngả lưng trên nền đất nện trong các lớp học cũng ngủ ngon lành.
Sự thiếu thốn được cam chịu hồn nhiên theo cách của đồng bào bản địa thường khiến các TTT se lòng xúc động, thấy như mình còn mắc nợ nhiều quá với buôn làng.
Có những chuyến về vùng sâu cùng đồng nghiệp BV Chợ Rẫy, các TTT đã phát hiện người bị tật bệnh về tim chưa từng uống thuốc, người bị cuốc bổ vào chân không được chữa trị thành hoại tử, người bị mắc bệnh giun chỉ chân to xù như chân voi v.v... và nhanh chóng giúp họ hoàn thành các thủ tục đi điều trị.
Lễ tôn vinh TTT tiêu biểu năm 2008 lần thứ I tổ chức tại Hà Nội, Đắk Lắk có 3 bác sĩ được vinh danh là Hoàng Ngọc Anh Tuấn phó trưởng khoa nhi, Bs Phan Hòa Anh khoa Ngoại và Bs Lê Ka Thủy khoa Thăm dò chức năng, đều thuộc BVĐK tỉnh.
Theo tiêu chuẩn vừa làm tốt công tác phục vụ cộng đồng vừa có đề tài nghiên cứu khoa học, trong lần tôn vinh TTT toàn quốc lần thứ II vào dịp 19/5/2009 sắp tới, 2 đề cử của Đắk Lắk đều thuộc về 2 phó Chủ tịch Hội TTT: Bs Hoàng Ngọc Anh Tuấn tiếp tục có mặt, cùng thạc sĩ thẩm mỹ Phan Thành Trinh trưởng đại diện Traphaco tại Đắk Lắk- người luôn đi đầu trong việc “tạo nguồn” cho Hội TTT chưa có tí “vốn” nào làm việc thiện nguyện.
Đều là những trí thức hết lòng yêu nghề, 100% Hội viên TTT được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Trong số đó, có không ít bác sĩ vừa giỏi việc, vừa say mê hoạt động phong trào như Lê Đình Nhân bác sĩ Nội trú Nhi đầu tiên của tỉnh, H’En Niê nữ bác sĩ chuyên khoa II hiếm hoi của đồng bào Ê đê, Nay Thúy nữ bác sĩ người dân tộc Jơ Rai. Có lần được Hội TTT biệt phái theo Tỉnh Đoàn về huyện Krông Buk , Bs Nay Thúy chẩn đoán cả nhóm chiến sĩ Mùa Hè Xanh đang bị dịch cúm, đã đưa về điều trị kịp thời tại BV Đại học Tây Nguyên .
Bác sĩ Nguyễn Phi Tiến giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, người vừa nhận lời làm Chủ tịch Danh dự cho Hội TTT cho biết trong khả năng của mình, ông sẽ tạo cơ chế thuận lợi cho tổ chức Hội ngày càng phát triển sâu rộng, bởi vì mỗi thầy thuốc trẻ khi tự nguyện về nơi khó khăn để phục vụ đồng bào vô điều kiện, sẽ thêm hiểu ý nghĩa của hai từ cao quý “ Lương y”.