Về nơi tìm thấy “Quốc bảo”

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giá mỗi ký sâm Ngọc Linh cả trăm triệu đồng, cũng đúng thôi, bởi nó là hạng dược liệu tốt nhất cho sức khoẻ con người. Tuy vậy, hiếm ai biết câu chuyện có thầy thuốc ở mãi Hưng Yên vào tận Tây Nguyên để tìm “Quốc bảo” trên núi Ngọc Linh. Thầy thuốc ấy giờ đã ngoài 80, may mắn tôi được cùng ông trở lại nơi đầu tiên tìm thấy sâm Ngọc Linh.

Tìm thuốc cho bộ đội

Núi Ngọc Linh được mệnh danh là “nóc nhà” Tây Nguyên mang vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng, trải dài từ Kon Tum sang Quảng Nam. Người ta còn biết đến nơi đây như một ngọn núi linh thiêng bao đời, bởi có tốp người tìm sâm, tìm trầm một đi không trở lại, rồi người đi rừng lòng vòng đều quay lại chỗ cũ.

Từ trung tâm huyện Tu Mơ Rông, đi thêm hơn 60 cây số nữa mới tới chân núi Ngọc Linh ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Đường đi giờ đã được Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum bê tông hoá nhưng ô tô vẫn phải dừng cả chục lần, do máy nóng gồng mình vượt dốc.

Sau chuyến đi vất vả, dược sĩ Đào Kim Long râu tóc bạc phơ đứng nhìn mê mẩn cánh rừng nguyên sinh rồi tủm tỉm cười. Ông xuất thân từ một gia đình dòng dõi về nghề làm thuốc ở xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Mọi người dành sự tôn trọng đặc biệt cho dược sĩ, một nhà khoa học, một thầy thuốc ưu tú đã ngoài 80 khi dành cả đời để nghiên cứu khoa học, cống hiến cho nền y học nước nhà.

Về nơi tìm thấy “Quốc bảo”  ảnh 1

Đại diện Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum tặng sâm giống cho người dân Xơ Đăng

Dược sỹ nhớ lại, giữa năm 1972 diễn ra một hội nghị về cây thuốc, với kiến thức có được, chàng thanh niên nhận định trên đỉnh núi Ngọc Linh cao từ 800 đến 2.800 mét sẽ có sâm. Tìm ra một loại dược liệu tốt là vô cùng quan trọng, bởi bộ đội còn ngày đêm kháng chiến. Từ đây một đoàn 3 người được thành lập, kế hoạch hết mùa mưa sẽ vào rừng.

“Ngày đó để vào nơi đây phải lội mấy ngày rừng, không dám ló mặt ra vì sợ địch thả bom. Thời tiết lạnh ngắt, vắt bám đầy chân. Đi mấy tháng trời, tưởng không có kết quả gì, bỗng trong lúc mọi người đang mỏi mệt cậu học trò gọi hỏi thầy ơi đây là cây gì. Quay lại, tôi lấy con dao găm ra cạy lên nhấm nháp một ít, trực giác tôi biết ngay đây là một loài sâm tốt. Mới phát hiện ra thì gọi là cây thuốc giấu, mãi sau này mới có tên sâm Ngọc Linh”, dược sỹ Đào Kim Long nhớ lại.

Về nơi tìm thấy “Quốc bảo”  ảnh 2

Dược sỹ Đào Kim Long

Vậy là mấy thầy trò dược sỹ dựng trại ở lại trên đỉnh Ngọc Linh bắt tay vào việc nghiên cứu. Sau bao ngày nhìn ngắm, tìm tòi, thầy thuốc trẻ phát hiện loài sâm này ưa mọc từ trên cao xuống theo dòng nước. Sâm thích nhiệt độ nóng lạnh vừa phải, phát triển dưới tán rừng mục lá với độ che phủ 80%. Vậy là cứ men theo suối nước nhóm đã tìm thấy cả “rừng” sâm Ngọc Linh. Dược sỹ nói: “Mấy tháng trời ăn ngủ rừng, khi đói, mệt chỉ nhấm ít củ giấu là hồi ngay. Còn nếu bị thương thì giã ra đắp lên cực tốt. Vui lắm, bởi đã có một loại thuốc quý cho bộ đội. Để đảm bảo bí mật lúc gửi ra ngoài Bắc, sâm được ghi là K5 bởi sợ kẻ gian lấy mất”.

Theo dược sỹ, qua những cuộc khảo sát gần đây cho thấy, sâm Ngọc Linh đã có hơn 100 hoạt chất, chứ không chỉ dừng lại ở con số 52 nữa. Sâm Ngọc Linh tốt như vậy là nhờ rừng, linh khí, nguồn nước suối của dãy núi. Bởi vậy, để tránh nhầm lẫn, dược sỹ quả quyết: “Sâm Ngọc Linh là của núi Ngọc Linh, còn mang đi nơi khác trồng có thể giống sâm này vẫn sống nhưng không phải sâm Ngọc Linh”.

“Các nước khó tính nhất cũng công nhận sự đặc biệt của sâm Ngọc Linh. Tôi rất mong các doanh nghiệp phát triển sâm Ngọc Linh để bảo vệ sức khỏe cho người dân và cộng đồng”.

Dược sỹ Đào Kim Long

Có rừng là có sâm

Tu Mơ Rông đã nổi tiếng gần xa nhờ sâm Ngọc Linh. Thiên nhiên yêu thương và ban tặng cho người dân đồng bào Xơ Đăng thật thà, chất phác nơi đây loài thảo dược quý. Nhiều thanh niên nhờ sâm Ngọc Linh đã mua được ô tô, làm nhà cửa khang trang.

A Luật (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), 34 tuổi, hơn chục năm trước khi mới tốt nghiệp Đại học Kinh tế thanh niên này đã túc tắc đăng bán sâm Ngọc Linh lên mạng xã hội facebook. Nhờ duyên buôn bán cùng kiến thức học được mà lượng khách biết đến A Luật ngày càng nhiều. “Nhờ sâm Ngọc Linh mà cuộc sống của mình và người dân khấm khá lên. Bây giờ nhiều nhà sắm ô tô đời mới lắm”, anh A Luật khoe.

Ông Trần Hoàn- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh chia sẻ, bản thân biết đến sâm Ngọc Linh vào những năm 90 từ các tài liệu về hành trình phát hiện, nghiên cứu, công bố của các nhà khoa học. Vị Chủ tịch trẻ bộc bạch: “Thời điểm ấy sâm Ngọc Linh đang bên bờ tuyệt chủng. Lo lắm, nên cứ nghe ở đâu bà con đi rừng kiếm được sâm, chúng tôi lại tới mua mang về ươm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, cây phát triển rồi lấy hạt nhân giống tiếp”.

Nguồn gen quý

GS.TS Nguyễn Minh Đức- Trưởng Khoa Dược, Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ, bản thân biết cây sâm khá sớm khi còn là sinh viên. Theo GS.TS, khi đến vườn sâm của Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum, bản thân rất thích nguồn giống bởi có quy mô rất lớn (hơn 1.000 ha- PV). Đây là tiến bộ mà giáo sư rất mừng, bởi “Quốc bảo” phải có sản phẩm, chất lượng đến tay người tiêu dùng. Nguồn sâm phong phú sẽ cung cấp đủ nhu cầu cho thị trường. Bởi vậy, giáo sư mong muốn đây sẽ là mô hình nhân ra nhiều nơi, gìn giữ và bảo vệ nguồn gen quý.

Với ông Hoàn, giờ đây các nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng công ty nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm chiết xuất từ sâm Ngọc Linh, như nước giải khát, thực phẩm chức năng, trà, dược mỹ phẩm… Đây cũng chính là cách thiết thực nhất để công ty góp phần đưa “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”. Cũng vì vậy mỗi năm công ty sản xuất ra hàng triệu cây giống để mở rộng diện tích và cung cấp cho người dân trong vùng, hộ nghèo sẽ được cho giống miễn phí.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.