Chỉ từ tháng 10/2014 đến 1/2015, một nhóm buôn người đã thực hiện 61 vụ vận chuyển, đưa tổng cộng 157 dân nhập cư trái phép từ Bỉ đến Anh, tiền công 6.000 euro/người. Người nhập cư trái phép lên xe tải ở bến đậu dọc được cao tốc của Bỉ hoặc trong cảng biển, khu công nghiệp. Nhóm buôn lậu gồm nhiều quốc tịch, Iraq, Thổ, Bulgary, Syria, Albani.
Báo chí đưa những thông tin như thế càng làm nước Anh trở nên hấp dẫn. Anh là Mỹ của EU. Trong quá trình tham gia thực hiện điều tra xã hội học quy mô nhỏ cùng một nhà xuất bản trong nước, tôi có cơ hội quen nhiều du học sinh Việt tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ và ở lại Pháp làm việc. Vài năm gần đây, không ít gia đình gốc Việt có trình độ cao trong xã hội Pháp cũng tìm đường sang Anh. Tại sao?
Một tấm thiệp chúc mừng ở EU ví người có việc mới như mèo sắp bắt được cá.
Nhiều người cũng hỏi Thúy (tiến sĩ, từng làm việc cho một trường đại học tại Pháp) câu này khi vợ chồng có việc làm ổn định cả chục năm nay ở Pháp, bỗng quyết định chuyển sang Anh từ hè 2015 “Điều quan trọng nhất vẫn phải là có sẵn việc làm ở đó. Công ty chồng tôi đang làm việc tại Pháp mới mở thêm chi nhánh tại Anh.
Giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn, ở Pháp hai đầu lương chi tiêu khá thoải mái trong khi sang Anh chủ yếu trông vào lương chồng, giá sinh hoạt lại đắt đỏ vì đồng Bảng mạnh hơn đồng Euro. Đứa con 8 tuổi phải rời xa bạn bè, trường lớp, mấy tháng đầu chưa thông thạo tiếng Anh đã nói rằng bố mẹ thật ngốc khi rời Pháp. Nhưng sang Anh cũng chính vì tương lai của con cả đấy”.
Gia đình Hợp vừa từ Paris sang London được hơn một năm, gia đình Nga du học Mỹ 4 năm, sang Pháp làm việc 5 năm và quyết định sống tại Anh gần 2 năm nay, cùng đồng tình với Thúy “Paris vẫn tôn thờ tiếng Pháp một cách đặc biệt. Các du học sinh, nghiên cứu sinh ở lại làm việc mười năm, hai mươi năm cũng không thể nói tiếng Pháp chuẩn như người Pháp, làm quản lý và giảng dạy càng thấy rõ sự phân biệt này. Trước 10 tuổi, cơ miệng của trẻ còn dẻo, có thể học phát âm ngôn ngữ mới chuẩn như giọng điệu dân bản xứ. Hơn thế, con cái học ở Anh, nói chuẩn tiếng Anh sau này có cơ hội rộng hơn khi ra thế giới tìm việc làm và định cư”.
Anh ở châu Âu lâu nay vẫn riêng một góc trời: luật không chặt chẽ như Pháp nên dễ lách hơn, giới chủ thoải mái sa thải nhân công còn người làm công (kể cả lao động bất hợp pháp) cũng dễ tìm việc làm hơn phần còn lại của EU. Lao động chân tay càng lách luật dễ, nhiều nhà hàng còn treo biển chỉ nhận tiền mặt chứ không trả thẻ... tạo ra một thị trường lao động linh hoạt, năng động nhất châu Âu.
Rời khỏi EU, người Anh sẽ thoải mái tự quyết hơn. Cũng không cần phải sẻ chia gánh nặng về người tị nạn. Đỡ tủi hờn hơn khi cứ phải lùi dần ra ngoại ô, để lại London phồn hoa cho đối tượng nhận trợ cấp xã hội sống trong các căn chung cư rộng giá thuê ưu đãi như cho và giới tài phiệt nước ngoài đổ về mua đất xây nhà đẩy giá bất động sản lên quá tầm với người bản xứ.
Nhưng người bỏ phiếu rời EU nhất thời quên rằng việc làm bây giờ mới chính là điều khao khát nhất ở châu Âu, làm nên sức hấp dẫn của nước Anh lúc này. Chỉ qua một cuối tuần phân rã, biết bao người tuần này phải đối diện ngay nguy cơ mất việc, nhiều liên kết kinh doanh lớn rạn vỡ. Chờ xem EU nổi giận ra sao.
Trên facebook một người bạn Việt của tôi ở Scotland, nơi tỷ lệ bỏ phiếu ở lại EU cao hơn, đang kêu gọi công dân Anh gốc Việt hãy chung tay ký yêu cầu chính phủ cho bỏ phiếu lại để nước Anh không rời bỏ EU. Ở nơi sương khói mờ nhân ảnh ấy, đã thấy tình cảm người gốc Việt với EU rất đậm đà.