Vào đời bằng xây dựng ước mơ

Vào đời bằng xây dựng ước mơ
Có lẽ, tuổi trẻ dựa nhiều vào ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ để có đích phấn đấu, vì ước mơ giúp nỗ lực học tập và làm việc. Uớc mơ là điều chưa thấy hiện thực, nhưng trong trường hợp này, chúng ta dùng cái chưa thực tế ấy để dẫn đường cho chúng ta đi.
Vào đời bằng xây dựng ước mơ ảnh 1

Mình xây dựng một ước mơ đẹp, một ước mơ cao cả dẫn đường cho mình siêng học, cư xử tốt với bạn bè, với cha mẹ, anh em, và xây dựng cho mình nhân cách. Vì vậy mà ta thấy rằng vào đời bằng việc xây dựng ước mơ là rất cần thiết. Ước mơ có một sức mạnh vô hình và đặc biệt. Không chỉ tuổi trẻ mà tất cả mọi người đều nên có ước mơ.

Phải hiểu rằng mình cần có ước mơ để kích hoạt các ý tưởng, nuôi dưỡng niềm hy vọng, cảm xúc, để tạo ra năng lượng cho mình sống, làm việc, học tập, nghiên cứu và đi tới. Dẫu cho ước mơ chưa thể thực hiện nhưng nó vẫn có giá trị để mỗi người tiếp tục đi trên cuộc sống của mình. Dường như xây dựng sự nghiệp là thực hiện những điều cần phải có để chờ đón giấc mơ. Giấc mơ thật sự giá trị cho mọi người, nhất là tuổi trẻ. Và đừng bao giờ chấm dứt giấc mơ trong đầu óc.

Kinh nghiệm đời thường cũng cho thấy, điều cơ bản giúp một người vững bước đi vào đời cũng là xây dựng cho mình một ước mơ, một lý tưởng. Nhưng lưu ý đừng nên xây dựng ước mơ, lý tưởng theo con đường “Ta đây!”. Đó là con đường chết hoặc sẽ gây ra nhiều đau khổ. Xét cho cùng, một con người sống ích kỷ sẽ rất buồn cười và đáng thương, nhất là tuổi trẻ thì càng không được phép cho mình sống ích kỷ, chỉ nghĩ những điều cho bản thân. Ít nhất, bạn cũng phải nghĩ cho gia đình mình.

Một người có phong cách, có nhân cách, có phẩm chất tâm hồn cao đẹp, khi quyết tâm xây dựng, phát triển tối đa kiến thức trong cuộc sống của mình, sẽ khác xa với những người có bản chất ích kỷ, hẹp hòi cũng quyết tâm xây dựng, phát triển tối đa kiến thức của họ. Tầm vóc của một con người thể hiện ở lòng yêu thương nhân quần, biết nghĩ tới xã hội.

Thế nhưng, hầu như người ta chỉ phát triển điều đó khi đã đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, chuyên môn hay đã thấm thía những nỗi đau của cuộc đời. Còn khi trẻ, người ta chỉ tập trung vào chuyện cá nhân của mình. Mà thông thường, người cực đoan đa phần sống ích kỷ. Ngược lại, người không cực đoan thì rất biết thông cảm với đồng loại và có ước mơ đẹp cho cộng đồng…

Sách “Người Việt Nam, Hồn Việt Nam” của tác giả Duy Tuệ, được phối hợp ấn hành năm 2012 bởi NXB Văn Hóa Thông Tin và Công ty CP Đầu tư Giáo dục Minh Triết.

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú hơn tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG