80 năm thành lập Đội Cứu quốc quân 1 (23/2/1941- 23/2/2021)

Vang mãi bài ca chiến khu cách mạng

Di tích lịch sử Bắc SơnẢnh: Duy Chiến
Di tích lịch sử Bắc SơnẢnh: Duy Chiến
TP - Ra giêng, khi cành đào còn thắm đỏ trên thung xa, chúng tôi ngược con đường 1B từ thành phố Lạng Sơn về với căn cứ địa Bắc Sơn. Nơi đây, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đang nô nức tổ chức kỷ niệm 80 năm ra đời Đội cứu quốc quân 1, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kỳ 1: Khuổi Nọi sắt son lời thề
Từ thị trấn huyện Bắc Sơn đến xã Vũ Lễ (thuộc huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) chừng 33 km. Ngược dòng Khuổi Nọi về hướng thượng nguồn khoảng 2 km là đến trung tâm của khu di tích Khuổi Nọi – địa bàn hoạt động quan trọng của du kích Bắc Sơn.
Di tích Khuổi Nọi ngày nay là một khu đất rộng tương đối bằng phẳng giữa rừng Tam Tấu, xung quanh bao bọc bởi núi cao và ngút ngàn rừng cây. Đây là căn cứ hoạt động bí mật của du kích Bắc Sơn. Tuy ở gần quốc lộ nhưng lại rất kín đáo, khi có sự cố có thể rút lui an toàn theo nhiều hướng khác nhau: theo hướng Nam qua rừng vượt sang xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, hoặc theo hướng Đông đến các xã Tân Thành, Tân Hương, huyện Bắc Sơn…
Vang mãi bài ca chiến khu cách mạng ảnh 1 Ươm trồng truyền thống tại Khu di tích Đội Cứu quốc quân Ảnh: Thọ Hào
Ông Dương Đình Bích, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vũ Lễ giới thiệu: Sau khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ít lâu, thực dân Pháp câu kết với phát xít Nhật quay trở lại khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng Bắc Sơn. Thực hiện chủ trương của Ban chỉ huy khởi nghĩa, lực lượng vũ trang đã rút lui vào rừng để bảo toàn lực lượng, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng tiến tới thành lập căn cứ địa cách mạng. Khuổi Nọi trở thành một trong những căn cứ hoạt động của Đội Du kích Bắc Sơn. Tại đây, ngày 14/2/1941, trên đường đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã thay mặt Trung ương Đảng phổ biến cho toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Bắc Sơn về quyết định của Trung ương đổi tên Đội Du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (Cứu quốc quân 1). 
“Ngày 23/2/1941, tại khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, Đội Cứu quốc quân 1 gồm 32 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng. Từ đó, Khuổi Nọi đã đi vào lịch sử vẻ vang của đất nước, là nơi khai sinh ra lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng. Đồng thời trở thành trung tâm huấn luyện, trang bị kiến thức về quân sự cho lớp cán bộ quân sự đầu tiên của nhiều tỉnh, thành; nơi phát hành bản tin “Du kích” làm tài liệu tuyên truyền cho cán bộ ở các địa phương”, ông Bích cho biết.

Khởi nghĩa Bắc Sơn mãi mãi được ghi vào lịch sử Cách mạng nước ta như một tấm gương về Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng của nhân dân Việt Nam”. 
Ông Dương Xuân Huyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Trong tiếng gió reo mừng xuân mới, bên tai chúng tôi vẫn như còn văng vẳng lời thề danh dự do đồng chí Lương Văn Tri đọc dưới lá cờ đỏ sao vàng năm xưa: “Một, không phản Đảng/Hai, tuyệt đối trung thành với Đảng/Ba, kiên quyết chiến đấu trả thù cho các đồng chí đã hy sinh/Bốn, không hàng giặc/Năm, không hại dân”.
Bi tráng 
Trước khí thế hoạt động mạnh mẽ của Cứu quốc quân, thực dân Pháp cay cú và thẳng tay đàn áp, khủng bố. Tháng 7/1941, Pháp huy động 4.000 quân cùng thám báo, cường hào, lính dõng mở cuộc tấn công vào khu căn cứ Bắc Sơn.
Ông Dương Xuân Nguyệt, năm nay 99 tuổi, dân tộc Tày, cán bộ tiền khởi nghĩa trú tại thôn Khua Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, một nhân chứng lịch sử kể lại: Bọn địch tiến hành bắt bớ thân nhân của các chiến sĩ Cứu Quốc quân, tung tin bịa đặt, dồn dân vào khu tập trung làm Cứu Quốc quân mất chỗ dựa. Cùng đó, chúng liên tục tổ chức các đợt tấn công vào vùng trung tâm của Đội Cứu Quốc, một số cơ sở quần chúng bị phá vỡ làm cho Cứu Quốc quân ngày càng gặp nhiều khó khăn. Tháng 8/1941, 6 chiến sĩ Cứu Quốc quân 1 bị địch bắt, chém bêu đầu thị chúng. Bốn đồng chí còn lại rút xuống Võ Nhai cùng bộ phận Cứu Quốc quân ở đây đấu tranh chống địch khủng bố. 
Để bảo toàn lực lượng, Ban Chỉ huy quyết định rút đại bộ phận của Đội cứu quốc quân lên Cao Bằng và vùng biên giới Việt Trung, chỉ để lại 1 tiểu đội làm nhiệm vụ giữ vững cơ sở quần chúng.
Ngày 22/8/1941, trong khi rút quân khỏi Khuổi Nọi, trên đường đi đến làng Khau Pàn, xã Bằng Đức, châu Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, Cứu quốc quân bị địch phục kích, tổn thất nặng. Đồng chí Phùng Chí Kiên, một cán bộ cốt cán của Cứu quốc quân hy sinh. Đồng chí Lương Văn Tri bị thương, bị địch bắt, giam ở nhà tù tỉnh Cao Bằng sau đó hy sinh vào ngày 29/9/1941.
Ông Nguyệt xúc động nói: “Tinh thần căm thù giặc, lòng quyết tâm trả thù lên cao, đây chính là độ chín để củng cố lại lực lượng đấu tranh vũ trang của Đảng. Lúc đó đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng cùng ban lãnh đạo cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai chủ trương khôi phục hoạt động của lực lượng Cứu Quốc quân để duy trì, cổ vũ phong trào cách mạng. Vào sáng 15/9/1941, tại khu rừng Khuôn Mánh, thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân 2, với 36 cán bộ, đội viên. Trung đội do đồng chí Chu Văn Tấn làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Cao Đàm là chính trị chỉ đạo viên, đồng chí Trần Văn Phấn là chỉ huy phó. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao cờ Tổ quốc và nhiệm vụ cho Trung đội phải đấu tranh chống địch khủng bố, trừ gian, diệt phản động đầu sỏ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ căn cứ địa, củng cố và phát triển các đội tự vệ, duy trì tiếng súng đấu tranh võ trang để cổ vũ phong trào cách mạng của cả nước”.
Về Bắc Sơn dịp đầu xuân, ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn tâm sự: “Tôi vinh dự được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên quê hương cách mạng Bắc Sơn. Tôi thường được các bậc cao niên kể cho nghe những câu chuyện chiến đấu năm xưa với giặc Pháp cũng như khí phách kiên cường, sự hy sinh dũng cảm của các thành viên Đội Cứu quốc quân. Người dân quê tôi đều lấy ngày 27/9, khởi nghĩa Bắc Sơn làm ngày hội chung. Ngày này, nhà nào cũng làm mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà và những Anh hùng liệt sỹ của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn”. (còn nữa)
MỚI - NÓNG