Hoa Sữa không chỉ là một thời
Những năm tháng trẻ trai với hàng chục năm ngồi trên ghế Nhạc viện Hà Nội, những kỷ niệm ùa về trong câu chuyện giữa nhạc sĩ Vũ Quang Trung với phóng viên. Anh nói: “Tôi học nhạc từ bố tôi, nhạc sĩ Vũ Thanh. Bố tôi là dân Hà Nội, mê âm nhạc nên lên rừng đi kháng chiến, sau ông về công tác 40 năm ở Đài tiếng nói Việt Nam. Bố tôi dạy: Một bản nhạc hay phải có sự cân phương, viết nhạc cũng tuân theo quy luật âm dương, để tạo ra sự hài hòa và sự phát triển cho cuộc đời này như tạo hóa sinh ra vạn vật vậy”.
Học trung cấp sáng tác rồi đại học sáng tác, Vũ Quang Trung không bao giờ quên bài học của cha, đi tìm những giai điệu đẹp và những ca từ sâu lắng, viết những tác phẩm để lại dư âm và cái đẹp trong lòng người. “Chúng tôi là một đám thanh niên đầy mơ mộng, Ban nhạc Hoa Sữa có tôi, Ngọc Châu, Lương Minh, Ngọc Hưng, Viết Thân, Đức Trịnh… đi học về, chúng tôi tụ tập tại nhà bạn bè, ăn bánh mỳ, ăn quẩy, đàn hát với nhau, đưa ra những ca khúc mới”. Họ góp ý cho nhau về cấu trúc tác phẩm, khen nhau bằng câu: “Tôi thích bài này của ông!”.
Ban nhạc Hoa Sữa là ban nhạc đầu tiên và có lẽ là duy nhất của sinh viên Khoa Lý luận sáng tác chỉ huy (thường gọi vui là Khoa Lý Sáng Chỉ) của nhạc Viện Hà Nội gồm các sinh viên là nhạc sĩ tương lai nhưng lại tham gia rất nhiều liên hoan âm nhạc trong và ngoài nước với tư cách một ban nhạc độc lập. Cách phối khí chuyên nghiệp, mới mẻ, chỉn chu và sự chia sẻ của ban nhạc đã nâng đỡ rất nhiều ca sĩ và tác phẩm mới.
Vũ Quang Trung kể: “Tôi được đặt viết ca khúc cho cuộc thi hoa hậu, đó là bài “Vòng tay bè bạn”, với những câu: Có đàn chim tung bay về khắp ngả. Có miền đất muôn hoa sắc cỏ lạ. Có tình yêu không gì sánh được. Có những lời ca từ khắp phương trời. Có tình bạn khắp năm châu bốn bể. Có loài hoa muôn sắc muôn màu. Muôn sắc hương”.
Sợ làm lãnh đạo
Tôi quen biết nhạc sĩ Vũ Quang Trung từ năm 1995, vì tôi có nhiều người bạn đang học và giảng dạy ở Trường Văn hóa nghệ thuật quân đội, nơi anh Trung làm việc. Bạn tôi, nhạc sĩ Xuân Thủy nói: “Anh Vũ Quang Trung là một trong những nhạc sĩ viết ca khúc hay và hiện đại nhất của Hà Nội lúc này”. Tôi ghé trường chơi, tất nhiên có ghé thăm nhạc sĩ đang rất nổi ấy. Tôi biết nhạc sĩ là Phó trưởng khoa. Da anh trắng, dáng người nhanh nhẹn, cởi mở và hiền.
Thời điểm đó, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đang đi học ở Mỹ. Dường như, Vũ Quang Trung có một khát vọng rất lớn đó là được đi du học ở nước ngoài, tìm hiểu xem thế giới đang sáng tác, sản xuất âm nhạc như thế nào. Khác với Trần Mạnh Tuấn là nghệ sĩ tự do, anh Trung là giảng viên một trường nghệ thuật của quân đội nên việc xuất ngoại là không dễ dàng gì vào những năm 1990. Lòng anh như có lửa đốt vậy. Sau đó không lâu, tôi được tin anh xin nghỉ việc quản lý và rời Việt Nam đi học về sản xuất âm nhạc tại Úc. Vũ Quang Trung rời Hà Nội để lại cảm giác buồn man mác trong chúng tôi, vì anh là một người anh thân thiết và một nhạc sĩ viết rất nhiều ca khúc được Trần Thu Hà, Ngọc Anh, Mỹ Linh luôn đón đợi.
Gặp lại anh sau nhiều năm, tôi được anh tâm sự: “Một thời gian làm quản lý tôi thấy mình không hợp lắm. Ngẫm cho cùng, mình vẫn là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ, phù hợp với công việc đi đó đây, niềm đam mê của mình vẫn là sáng tác”.
Rời Việt Nam những năm 2000, và hiện anh định cư ở Mỹ. Tại Mỹ, phần lớn các nghệ sĩ không sống bằng âm nhạc, nhưng với Vũ Quang Trung, có lẽ không có âm nhạc thì cuộc đời anh cũng không còn ý nghĩa. Anh đã xây dựng một trường âm nhạc mà học sinh được cấp chứng chỉ toàn bang, với quy mô 200 học viên và hàng chục giảng viên Mỹ. Nhờ có “phụ tá” là cô vợ Việt xinh đẹp tháo vát và luôn biết chia sẻ công việc lẫn đam mê của chồng, Vũ Quang Trung vẫn duy trì một cuộc sống nơi xa xứ trong một không gian tràn đầy âm nhạc.
Vươn tới sự hoàn hảo
Trở về Việt Nam sau nhiều năm, tôi thấy tác giả của những ca khúc “Khi anh yêu em”, “Đôi mắt”, “Chiều Hà Nội”, “Bến bờ”… đang miệt mài trong phòng thu âm của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho những album mới.
Anh Trung bật mí: “Lần này tôi về Việt Nam để in hai cuốn sách nhạc. Một cuốn là tập hợp các tác phẩm của bố tôi, nhạc sĩ Vũ Thanh, cuốn còn lại là những tác phẩm của tôi. Hai cha con cùng sáng tác, nhưng ở hai thời điểm khác nhau, hai phong cách khác nhau nên không in cùng một cuốn sách được”. Nhạc sĩ tiến hành thu âm một số tác phẩm nhạc xưa và một số tác phẩm hiện đại với phong cách rất đa dạng, pha lẫn nhạc lãng mạn, cổ điển, jazz và pop.
Nhạc sĩ Vũ Quang Trung nhận xét không ít nghệ sĩ trẻ hiện đang ảnh hưởng nhạc K-Pop khá nặng. “Tôi không quan niệm là nghệ sĩ Việt Nam thì chỉ sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc Việt Nam. Một nghệ sĩ hoàn toàn có thể dựa vào các chất liệu từ các nền văn hóa khác, song công việc sáng tác không phải là sự sao chép bắt chước theo thời trang mà công việc sáng tác phải tạo ra các giá trị mới và được người nghe cũng như các đồng nghiệp khác thừa nhận” - nhạc sĩ nói.
Hàng chục năm nghiên cứu âm nhạc Mỹ, anh Trung nhận xét: “Bạn thấy nhạc Mỹ hay, rất nhiều nước học hỏi, vậy bao giờ bạn tự hỏi vì sao nhạc Mỹ hay như thế? Câu trả lời đó là nền âm nhạc Mỹ luôn sáng tạo, luôn vươn đến sự hài hòa, hoàn hảo”.
Nhạc sĩ Vũ Quang Trung sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật. Bố là nhạc sĩ Vũ Thanh, mẹ là ca sĩ Phương Nhung (đều đã công tác tại Đài TNVN). Anh học piano từ nhỏ. Anh tốt nghiệp bậc đại học Khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội năm 1994. Anh là một trong những người thành lập ra ban nhạc Hoa Sữa. Tác phẩm: Ca khúc: Khi anh yêu em, Lời ru mắt em, Chiều Hà Nội, Trường Sa những người lính trẻ... Khí nhạc: Tam tấu cho bộ gõ, Tứ tấu cho đàn dây, hai concerto cho piano và dàn nhạc... Hiện nhạc sĩ Vũ Quang Trung định cư tại Mỹ.