Thời nay, lắm chuyện nan giải trên bộ quá, nên nhiều nơi đưa sông nước lên bờ. Một công ty xe buýt công cộng ở tỉnh Hồ Nam – Trung Quốc bị nhiều hành khách phàn nàn: tài xế thường xuyên phanh gấp và phóng nhanh. Công ty yêu cầu mỗi xe buýt phải có một chậu nước cạnh ghế lái, buộc lên trần xe. Tài xế phải lái cẩn thận để nước không văng hay đổ vào người mình. Thau nước phải còn nguyên khi tài xế hết ca làm việc.
Tại Việt Nam, người ta chế thuyền thủy khí đi được ở ao hồ, đầm lầy và trên cạn. Đây được coi là phương tiện đặc chủng đối phó úng ngập tại các thành phố lớn. Người Hà Nội có thể nghĩ đến việc đi chợ, đưa đón con cái bình thường mà không cần phải tích trữ rau thịt trong tủ lạnh hàng tuần hay thuê người bế trẻ qua vùng nước.
Người Sài Gòn, Cần Thơ cũng mơ mua được chiếc xuồng ấy để vượt triều cường. Cái cảnh đứng chôn chân giữa đường tắc nghẽn ba giờ đồng hồ, trên trời mưa tuôn, dưới chân nước triều dâng ngang người sẽ không còn tái diễn.
Tắc đường bộ thì lao xuồng xuống sông Sài Gòn, xuống kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, xuống sông Hậu, xuống kinh xáng Xà No, nhân tiện đi chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền trước khi về nhà? Không lo về đầu tư. Cứ mưa nửa giờ đã ngập và triều cường liên tục thế này, dịch vụ chuyên chở người và hàng qua vùng ngập đảm bảo đắt khách, chẳng mấy chốc mà thu hồi vốn.
Ở thành phố Thanh Hóa, cảnh sát giao thông thời gian qua đã dùng lưới cá bắt đối tượng đua xe. Có người chê rằng cách làm thủ công, rằng hình ảnh xấu… nhưng có sao đâu nhỉ, nếu có hiệu quả!
Sẽ buồn cười khi nghĩ đến một cô gái ăn mặc thời trang đứng làm duyên bên chiếc xuồng (cũng thời trang), trên phố. Hay một anh cảnh sát giao thông với chiếc lưới khoác vai. Nhưng trên hết là sự ngậm ngùi trước những đổi thay, về xã hội, về biến đổi khí hậu và về chính con người với lối sống và văn hóa.