Tham vọng thay đổi thói quen ăn uống của người Việt
Chef Dương Hải Anh sau rất nhiều năm làm món Tây và đảm nhận chức vụ bếp trưởng nhà hàng năm sao đã quyết định mở riêng một nhà hàng Việt và chỉ bán những set ăn vừa đủ.
Chị Hải Anh cho biết: “Thói quen ăn uống của nhiều người Việt là “no bụng đói con mắt” gọi rất nhiều. Kết quả bỏ phí cũng nhiều, có người tiết kiệm cố ăn cho hết thì lại hại đến sức khỏe. Tôi muốn làm ra một mô hình quán ăn mà mỗi set ăn chỉ tính vừa đủ lượng calo mỗi người cần nạp, để dần dần góp phần làm thay đổi thói quen ăn uống của người Việt. Làm sao để mỗi người chỉ cần ăn đủ, ăn chất lượng, không cần nhiều và lãng phí”.
Nhiều đồng nghiệp cười vào ý định mơ mộng ấy của chị. Nhiều người đến T-art (quán ăn “vừa đủ” của chef Hải Anh) không hài lòng vì các món ăn “quá bé”, “quá ít”, “nếu mời khách thì như có vẻ bủn xỉn”.
Ngược lại, rất nhiều người quan tâm đến sống xanh và sức khỏe ủng hộ cách làm này. Một-người-rất-thích-ăn (nick) chia sẻ: “Bởi vì hay ăn, tôi hơi bị dư cân. Đến lúc cần phanh lại thì rất khổ sở với câu hỏi “hôm nay ăn gì” cho đừng thừa calo mà vẫn ngon miệng. Khi phát hiện ra T-art tôi hài lòng. Họ giống như một bác sĩ dinh dưỡng của mình. Các món đều vừa đủ: lượng đạm, vitamin, đường... Trong một không gian ấm cúng, mình dường như cũng bình tĩnh hơn, ăn chậm hơn”.
Nakita (khách hàng người Nhật) kể: “Lần nào đến Việt Nam tôi cũng ăn ở T-art. Mọi thứ đều vừa vặn. Món ăn tuyệt ngon vì nghe nói chủ nhà hàng từng là bếp trưởng nhà hàng năm sao. Lượng món ăn ít nhưng chất lượng, chưa kể đan xen nhiều Finger Foood (miếng nhỏ cầm tay) đa dạng khiến người ta được trải nghiệm nhiều cảm giác ẩm thực khác nhau”.
Đến nay, mô hình ẩm thực này của chị Hải Anh đã được 2 năm, giới trẻ trí thức, khách nước ngoài tìm đến ngày một đông. “Ăn ít đi nhưng ngon hơn, tinh tế hơn” trở thành trend của những người theo đuổi lối sống hòa hợp với tự nhiên, thân thiện với môi trường. Lượng khách hàng là người Việt của T-art tăng lên đáng kể là một tín hiệu cho biết, lối ăn uống này đang dần được chấp nhận.
Phạt thì mất khách nên chúng tôi tặng quà
Chủ một quán buffet tại Hà Nội cho biết: Hiện tượng khách lấy thừa, bỏ thừa đồ ăn rất phổ biến. Có hôm chúng tôi gom được hai thùng loại 50 lit đồ ăn thừa. Mặc dù đã nhắc nhở “chỉ lấy đủ đồ ăn” nhưng nhiều người tỏ ra khó chịu và không hợp tác. Họ đưa ra lý do: đồ ăn dở, không hợp khẩu vị thì phải bỏ! Tôi cũng đã khuyến cáo: mỗi món mới khách nên thử một chút trước, nếu vừa miệng hãy lấy thêm để tránh lãng phí, nhưng có một anh đã phản ứng bằng cách ném cả đĩa thức ăn xuống sàn. Có đợt chúng tôi đã thử áp dụng biện pháp phạt nếu lượng thức ăn thừa của một khách vượt quá 300gr. Sau đó nhiều người phản ứng bằng cách lên facebook kêu gọi tẩy chay nhà hàng.
Một quán buffet thực dưỡng ở khu vực Hồ Tây đã áp dụng phương pháp “khuyến khích ăn đủ” bằng cách tặng quà cho khách hàng. Chị Chi Nguyễn (chủ nhà hàng) chia sẻ: Tôi đọc được trong cuốn sách "Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ", một chủ nhà hàng buffet tại Trung Quốc đã không chọn cách tính thêm phí cho thực phẩm dư, mà nâng giá ăn buffet cho mỗi thực khách từ 35 lên 38 tệ. 3 tệ (khoảng 12 ngàn đồng) dư ra này được dùng để tạo ra một số món quà mỹ nghệ dành tặng cho người không để thừa thức ăn. Chúng tôi cũng làm tương tự, quà tặng nhỏ thôi, thường là đồ chơi thủ công nhưng khách hàng tỏ vẻ rất thích, lượng khách tăng đáng kể.
Rất tiếc, vì nhiều lý do, hiện nhà hàng này tạm đóng cửa, chị Chi Nguyễn cho biết sẽ mở lại mô hình này trong năm nay và áp dụng triệt để hơn các phương pháp hạn chế đồ ăn thừa, khuyến khích khách ăn vừa đủ.
Tiệm trà Bốn Mùa ở Hà Nội cũng là một nơi tiên phong trong việc khuyến khích khách hàng mua đủ và không dùng đồ nhựa. Theo đó, những khách hàng mang theo ống hút cá nhân hoặc bình nước tới quán đều nhận được ưu đãi từ 5-10%.
Trong thời gian tới, cửa hàng này hứa hẹn sẽ triển khai dịch vụ cho thuê bình đựng nước để giảm rác thải nhựa. Tức là khách hàng sẽ đặt cọc một khoản tiền để sử dụng bình đựng trà trong trường hợp take-away. Sau đó họ có thể mang trở lại cửa hàng để lấy lại khoản đặt cọc hoặc cứ tái sử dụng để đựng trà trong các lần tiếp theo.
Các KOL vào cuộc
Cuộc chiến chống lãng phí đồ ăn từ một số cửa hàng nhỏ lẻ hiện đã được các KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) hưởng ứng.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) sở hữu trang cá nhân có tới gần 100.000 lượt người theo dõi. Một chia sẻ mới đây về tiết kiệm đồ ăn của anh đã nhận được 16.000 like, gần 4.000 comment và 1.100 lượt share.
Anh viết: “Chào bình minh lo ăn sáng cafe, hơn 10h trưa đã loay xoay nghĩ đi ăn gì, tối về nhậu. Cơ thể chúng ta không cần nhiều thức ăn đến vậy, anh chị ạ! Ngoài việc ăn uống quá nhiều, chúng ta còn có một số “sai lầm” trong ăn uống đi kèm như ăn sáng thì ít mà ăn tối nhậu đêm quá nhiều (thực tế cần làm ngược lại mới tốt cho sức khoẻ), thích xào-rán-quay-nướng thay vì hấp-luộc-kho-nấu canh, sử dụng nhiều nước ngọt đóng chai để “chiều-phỉnh” con trẻ thay vì nước lọc-nước trái cây tươi, dùng thịt quá nhiều thay vì rau củ quả, thích đồ hộp đóng sẵn rất “Tây” như sườn cừu-thịt hun khói-dăm bông-thịt nguội…thay vì những bữa cơm gia đình tự nấu. Những sai lệch đó về lâu dài sẽ làm chúng ta loét dạ dày, phệ bụng, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ và cả tăng mỡ máu, rối loạn chuyển hoá, goute, trẻ em béo phì…”
Ngoài ra, rất nhiều KOL sở hữu lượng fan khổng lồ như nhà văn Phan Ý Yên, MC Phan Anh, nhà hoạt động môi trường Minh Hồng, nhà văn Phạm Ngọc Thạch v.v... đều đã nói đến việc “ăn ít đi, cắt giảm tiêu dùng”. Những vận động này ít nhiều đều đã tạo hiệu ứng.
Hoài Đan (một KOL về sống xanh) chia sẻ: Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (UN), thì 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra trên thế giới mỗi năm đã bị lãng phí. Và con số này tương đương với 1,3 tỉ tấn. Việc lãng phí thực phẩm này gây thiệt hại tới 680 tỷ đô la mỗi năm ở các nước phát triển, và 310 tỷ ở các nước đang phát triển. Số chi phí này bao gồm phí cho việc sản xuất, chế biến, vận chuyển, và xử lý lượng thực phẩm thừa bị biến thành rác.
Trong khi đó, không nói đâu xa, ở nhiều vùng núi của Việt Nam, có những đứa trẻ mỗi ngày chỉ được ăn một bữa no gồm cơm và rau, không có thịt, không có đạm. Nếu đặt hai hình ảnh cạnh nhau, một bên là bữa cơm của người nghèo, một bên là hàng đống thức ăn đổ vào thùng rác, tôi nghĩ nhiều người sẽ thay đổi thói quen “gọi nhiều ăn không hết”.
Theo Tổ chức Nông-Lương Liên Hợp Quốc (FAO), mỗi năm có 1,3 tỉ tấn lương thực bị lãng phí. Khối lượng này tương đương với giá trị sản xuất được của khu vực Châu Phi cận Sahara. Đồng thời, cứ 7 người trên thế giới có 1 người đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày vì đói.
Để hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm, nhiều nhà hàng buffet trên khắp thế giới đã ra quy định đánh trực tiếp vào túi tiền của thực khách đối với lượng thức ăn không dùng hết.
Chẳng hạn nhà hàng Kylin Buffet tại London, Anh vào năm 2012 đã đưa ra quy định tính thêm 32 USD (khoảng hơn 600.000 VND) đối với thực khách nào để thừa thức ăn. Hay nhà hàng Patrizietta ở Losone, Thụy Sĩ vào năm 2014 cũng tính thêm 5 franc (hơn 20.000VND) đối với những thực khách "mắt to hơn bụng". Còn tại một số quán ăn ở Mỹ, nếu số thức ăn bỏ phí đủ mức chịu phạt, khách hàng sẽ phải trả thêm 30% giá trị bữa ăn.
Ở châu Á, Hồng Kông Thái Lan, Singapore... là những nước tích cực áp dụng hình thức thu phí phạt này. (Fanpage Life style green)