Bảo vệ Áo dài, cần thêm căn cứ pháp lý

TP - Suốt một tuần qua, câu chuyện Áo dài Việt Nam bị một thương hiệu thời trang Trung Quốc “nhận vơ” đã tạo ra cả một làn sóng bảo vệ “quốc phục” trên mạng xã hội. Khi một luật sư đặt vấn đề đem chuyện bản quyền ra kiện mới phát hiện hóa ra chúng ta đang rất thiếu căn cứ pháp lý.
Bảo vệ Áo dài, cần thêm căn cứ pháp lý ảnh 1

NTK Anh Thư treo logo khẳng định bản quyền Áo dài Việt Nam

Áo dài liên tục làm nóng mạng xã hội

Trước đó, vào tháng 10, từ khóa “Áo dài” đã đứng đầu trong Google search vì Kacey Musgraves- một ngôi sao từng 6 lần được vinh danh tại Grammy mặc áo dài thiếu quần. Nhiều người Việt đòi tẩy chay Kacey Musgraves, cho rằng cô làm “nhục quốc thể”. Diễn viên Ngô Thanh Vân, người lên tiếng phản ứng mạnh mẽ nhất thì ngay sau đó lại bị bóc phốt vì từng mặc áo dài trong trạng thái phản cảm không kém.

Một tháng sau đó, câu chuyện “nhận vơ” áo dài được người dân phát hiện khi xem Tuần lễ thời trang xuân hè mang tên “Hướng dương nhi sinh” diễn ra tại Bắc Kinh lấy chủ đề “Nhất đới” (Một dải) nhằm gợi nhắc lại sự kiện Trịnh Hòa thông tây dương vào thời nhà Minh, tạo nên con đường tơ lụa trên biển đầu tiên nối liền Trung Quốc với các quốc gia Nam Á. Tập đoàn thời trang NE.TIGER đã tích hợp tất cả trang phục truyền thống của các quốc gia Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia để tạo nên các trang phục trong triển lãm.

Thực ra, bộ sưu tập này được làm xong từ năm 2018, ngày 25/11/2018 nó đã xuất hiện trên Tuần báo thời trang quốc tế (bản tiếng Trung).

“Là thương hiệu thời trang cao cấp liên tục khai mạc Tuần thời trang quốc tế Trung Quốc, lần này nhãn hàng thời trang NE.TIGER với ý tưởng lấy nguyên mẫu con tàu Trịnh Hòa của nhà Minh xuống Tây Dương, tái hiện lại những phong tục và văn hóa của mười mấy quốc gia khác nhau dọc tuyến đi của con đường tơ lụa trên biển từ 613 năm trước.

Với chủ đề “Một vành đai”, các nhà thiết kế của Ne.Tiger đã dành hơn 1 tháng tại các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Miến Điện, Campuchia... đem tất cả những kho tàng văn hóa và nghệ thuật quý giá đã trải qua hơn 100 năm nhào nặn, tinh chế vào những hình vẽ, những biểu tượng, cùng các yếu tố thiết kế khác cùng hòa nhập, để khiến cho văn hóa lịch sử của các quốc gia này cùng hòa hợp với nhau và một lần nữa lại tiếp tục thăng hoa” (Dịch giả Nguyễn Lệ Chi trích dịch).

Tuy nhiên, thông tin khiến cư dân mạng bức xúc lại nằm ở bản tiếng Anh của bài giới thiệu về bộ sưu tập này. Theo đó, trên trang China Daily đề cập đến loạt thiết kế này với tiêu đề: Chinese style delights China S/S Fashion Week (tạm dịch: Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân - Hè). Trong bài viết ở bản tiếng Anh, không hề có phần giới thiệu về việc tích hợp kho tàng văn hóa của các nước Nam Á.

Chưa có căn cứ pháp lý để khẳng định bản quyền Áo dài

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng kể câu chuyện, đây không phải lần đầu Áo dài Việt Nam bị “nhận vơ”. Năm 2008, khi tham quan Bảo tàng Kimono tại Nhật, Sỹ Hoàng từng thấy “nguyên bản một bộ áo dài lụa màu xanh ngọc, nón lá và đôi guốc mộc, phía dưới là bảng ghi chú thích hàng chữ: Trang phục hiện đại Trung Quốc”.

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư (đại diện thương hiệu Áo dài Ngân An) chia sẻ: Tiền thân của áo dài Việt Nam chính là áo tứ thân có từ khoảng thế kỷ 17. Sở dĩ gọi là áo tứ thân vì thời này khung vải dệt chỉ từ 35-40cm nên thân sau thì được khâu ghép vào, thân trước thì tách riêng nên mới có tên gọi như vậy.

Đến thế kỷ thứ 19, áo dài được ghép 2 khổ vải thân trước lại cho kín đáo hơn và có thêm một thân phụ nằm ở phía bên phải gọi là áo năm thân.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, hoạ sỹ Cát Tường (1912-1946) đã cải tiến ra chiếc áo dài Lemur nổi tiếng với vai raglan. Trải qua bao tháng năm chiếc áo dài dần được hoàn thiện trở nên vô cùng gần gũi với mỗi người dân Việt Nam”.

Chị Anh Thư cũng khẳng định, bao nhiêu năm nay khi đi diễn ở nước ngoài, cứ nhìn thấy áo dài là khách quốc tế họ nói Việt Nam. Giải thích về thắc mắc áo dài ảnh hưởng phần ngực từ sườn xám Trung Quốc, chị Thư khẳng định: “Không liên quan. Nếu làm nghề ai cũng sẽ hiểu áo dài và sườn xám khác hoàn toàn từ kỹ thuật cắt may”.

Tuy nhiên, khi câu chuyện bản quyền Áo dài được đặt lên bàn cân pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hoàng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Hiện chúng ta chưa chính thức công nhận Áo dài là quốc phục nên khó khẳng định quyền sở hữu. Căn cứ mà chúng ta có hiện chỉ có thể vin vào việc UNESCO công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể, thêm nữa có thể bổ sung Từ điển Oxford định nghĩa “Áo dài là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài”. Chừng đó chưa đủ sức nặng pháp lý nếu nói riêng về câu chuyện bản quyền.

Bảo vệ Áo dài, cần thêm căn cứ pháp lý ảnh 2

Áo dài nón lá trên sàn diễn của Ne.Tiger

MỚI - NÓNG