Văn hóa, Thể thao và Du lịch tự tin vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
Để hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, năm 2024 Bộ và toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã và đang khẩn trương “tăng tốc để về đích”, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Văn hóa, Thể thao và Du lịch tự tin vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025.

Để hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, năm 2024 Bộ và toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã và đang khẩn trương “tăng tốc để về đích”, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Một trong những điểm nhấn nổi bật, có tính chất bao trùm đó là Bộ đã không ngừng quan tâm phát triển nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, quản trị, xây dựng thể chế phát triển và tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Mỗi năm, Bộ đều chọn chủ đề công tác phù hợp với lộ trình và bước đi đã được xác lập từ đầu nhiệm kỳ. Với chủ đề công tác năm 2024: “Tăng tốc, sáng tạo, về đích” và phương châm: “3 Quyết tâm, 4 Chủ động, 5 Hiệu quả”, Bộ đã huy động sức mạnh tổng hợp, quán triệt tư duy phát triển mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua kiến tạo cơ chế; đánh giá sự phát triển của VHTTDL theo hướng tăng định lượng, giảm định tính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung hướng về địa phương, cùng với địa phương, đồng hành cùng địa phương tìm cách tháo gỡ về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cùng địa phương.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiệm vụ này tiếp tục đẩy mạnh theo hướng ngày càng thực chất hơn, gắn với xây dựng con người văn hóa, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; gia đình văn hóa là nơi để góp phần hình thành con người văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi chủ thể, mỗi người dân thông qua thực hành văn hóa hằng ngày. Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, điển hình về gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được phát triển mạnh mẽ trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Văn hóa, Thể thao và Du lịch tự tin vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ảnh 2

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo tổng kết về hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024.

Điểm nhấn đậm nét trong năm 2024 chính là sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa. Có thể nói, các lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và du lịch văn hóa… chưa bao giờ lại phát triển với tần suất, quy mô, số lượng, chất lượng đa dạng, phong phú, hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, huy động được nhiều giới, nhiều tổ chức tham gia như hiện nay. Theo thống kê các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp gần 4,4% vào GDP của đất nước.

Công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa có nhiều khởi sắc theo hướng gắn phát triển di sản với chuyển đổi số. Các dự án số hóa các di tích văn hóa, như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long… tạo nhiều không gian phát triển mới, kết nối để tỏa sáng. Di sản văn hóa đã từng bước trở thành nguồn lực góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. Năm 2024, chúng ta có 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh: “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế của Việt Nam” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và “Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đối ngoại văn hóa tiếp tục có những bước chuyển mạnh mẽ từ “giao lưu” sang “hợp tác”. Năm 2024, Bộ đã tiến hành đàm phán và ký kết 11 văn kiện hợp tác quốc tế, trong đó có 2 thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ và 9 thỏa thuận quốc tế cấp Bộ. Văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục hiện diện đa dạng và sâu sắc hơn trong các diễn đàn song phương và đa phương. Bộ đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước tổ chức các Tuần, ngày, lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam tại các nước và các nước tại Việt Nam như: Tuần Văn hóa Việt Nam tại Nga, Lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc; Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ… đẹp, giàu bản sắc văn hóa, yêu chuộng hòa bình, thủy chung và mến khách. Đồng thời, góp phần xúc tiến du lịch, đầu tư, thương mại, đưa Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Thể thao Việt Nam năm 2024 có nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/1/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo đà cho thể thao phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Thể thao quần chúng năm qua phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình mới được triển khai, tiếp tục tạo đà và nền tảng cho thể thao thành tích cao; đồng thời nâng tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao giúp cho dân cường, nước thịnh. Thể thao thành tích cao ngày càng được chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất đến chất lượng đào đạo, tập luyện và thi đấu.

Du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ đã chủ động đồng hành cùng với các địa phương tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển du lịch hướng tới “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm có quy mô quốc gia, quốc tế với điểm nhấn lần đầu tiên tổ chức xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” và đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism tại Hội an.

Các sự kiện đã để lại tiếng vang rất lớn trong giới doanh nghiệp và những nhà làm điện ảnh của Hoa Kỳ, cũng như nhiều bạn bè trên thế giới về tiềm năng du lịch và điện ảnh của Việt Nam. Cùng với đó, Bộ đã chủ động đồng hành cùng với các địa phương tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, cùng với địa phương triển khai và phát triển nhiều mô hình du lịch thông minh, sáng tạo, bền vững. Giải thưởng Du lịch thế giớiđã tôn vinh Việt Nam ở ba hạng mục: “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính giao với những con số rất ấn tượng: Gần 110 triệu lượt khách nội địa; gần 17,5 triệu lượt khách quốc tế với tổng thu ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, đóng góp thực chất cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy, ngành VHTTDL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức với những điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về thể chế, khoảng trống pháp luật cần phải tiếp tục được quan tâm tháo gỡ. Đó là mâu thuẫn giữa nhận thức, và mong muốn của xã hội với chức năng, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL; mâu thuẫn giữa mục tiêu cần hướng đến và nguồn lực được phân bổ cho mục tiêu này còn khó khăn, hạn chế về cơ chế; nhân lực chất lượng cao cho ngành Văn hóa đang còn thiếu, đặc biệt là những chuyên gia đầu ngành trong quản lý, nghiên cứu sâu về văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, ngành VHTTDL cũng đang thiếu cơ chế để phân tích dự báo phát triển ngành, nhất là công tác thống kê. Đồng thời, những tác động mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang tạo nên thách thức cho sự phát triển của văn hóa. Chính vì vậy, để khắc phục, giải quyết những vấn đề trên đòi hỏi phải có lộ trình với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tăng tốc và bứt phá.

Có thể nói, năm 2024, toàn ngành VHTTDL đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương; được các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, ủng hộ. Những thành quả của năm 2024, cùng với những kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2025 tới nay đã tạo tiền đề, bệ đỡ quan trọng để toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bước sang năm 2025, năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của Đảng và của Ngành VHTTDL như: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025); 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4//1975 - 30/4/2025); 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025); 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025); 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 80 năm truyền thống Ngành Văn hóa… Đặc biệt, một năm được dự báo tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến đổi bất định, bất thường, khó dự báo; cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng về địa chính trị, vị thế kinh tế, quân sự, văn hóa và làm chủ thế giới về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Bộ và ngành VHTTDL sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Năm Giáp Thìn 2024 đang dần đi qua để chuẩn bị đón chào Xuân Ất Tỵ 2025 với biết bao kỳ vọng về sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Bộ và Ngành VHTTDL. Với phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính; sự chung tay của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Bộ và ngành VHTTDL sẽ chuẩn bị tốt nhất về thể chế, nguồn lực, nhân lực, tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” và tầm nhìn chiến lược để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

MỚI - NÓNG
Vợ Duy Mạnh bị chê ăn mặc
Vợ Duy Mạnh bị chê ăn mặc
TPO - Bức ảnh vợ cầu thủ Duy Mạnh chụp cùng hot Facebooker Cô gái Lào - Maysaa tạo tranh luận vì cách phối đồ của Quỳnh Anh. Nhiều người chê vợ đội trưởng tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam ăn mặc xuề xòa.