Cuối năm ngoái ở Đại hội TDTT toàn quốc, cua rơ trẻ Nguyễn Thị Thà đã bị chấn thương nặng phải giải nghệ, và ngay đầu năm nay, thành viên đội mô tô bảo vệ Lìn Mã Sáng tử nạn tại giải nữ quốc tế Bình Dương.
Thảm kịch không trừ ai
Còn nhớ khi đang tranh tài ở nội dung 80km đường trường cá nhân tính giờ tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, đến dốc Cun (Hòa Bình) một hiểm địa thực sự với thời tiết liên tục có diễn biễn bất thường, đường trơn trượt Thà đã bất ngờ mất kiểm soát, mất tốc độ rồi bị ngã. Do va chạm quá mạnh, Thà rơi vào hôn mê. Sau khi sơ cứu Thà được đưa thẳng lên Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cấp cứu rồi chuyển gấp về Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội do tình trạng quá nặng với 4 chiếc xương sườn bị gãy, dập thận. Dù được phẫu thuật ngay trong đêm, thoát chết song Thà phải vĩnh viễn rời xa đường đua.
Xem ra, Thà vẫn may mắn nếu so với thành viên đội đua mô tô bảo vệ Lìn Mã Sáng tử nạn tại giải nữ quốc tế Bình Dương đang diễn ra. Nó không xảy ra trên đường đua quyết liệt với muôn kiểu hiểm nguy phát sinh mà lại đến khi cả đoàn đua đang di chuyển vào vị trí xuất phát, với tốc độ chỉ khoảng 40 km/h. Trong lúc đoàn xe phía trước phanh giảm tốc độ để nhường đường cho một đoàn xe phân khối lớn trên đường đi “phượt” vượt qua, ông Lìn Mã Sáng trong một phút thiếu quan sát đã để xe mình đâm vào đuôi xe phía trước và ngã ra đường. Đúng lúc đó, một chiếc xe của đoàn “phượt” phóng với tốc độ rất cao không kịp xử lý tình huống, cán thẳng qua người ông Sáng. Do chấn thương quá nặng ông Sáng tử vong trên đường đi cấp cứu.
Toàn bộ quá trình xảy ra tai nạn, được cho là đã được ghi lại bởi camera hành trình gắn trên mũ bảo hiểm của một tay lái đoàn xe “phượt”, sau đó được tung lên mạng đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi về ý thức tham gia giao thông của các bên. Rất nhiều ý kiến chỉ trích nhiều thành viên đoàn “phượt” đã phóng quá nhanh, quá nguy hiểm, vi phạm nhiều điều khoản trong luật giao thông đường bộ dẫn đến không làm chủ tốc độ và không xử lý kịp tình huống khi có sự cố bất ngờ xảy ra. Trong khi đó, cư dân mạng cũng đặt dấu hỏi về việc thành viên đoàn mô tô bảo vệ đoàn không trang bị bảo hộ đầy đủ giúp giảm thiểu nguy cơ thương vong khi có tai nạn xảy ra.
Khâu yếu nhất của TTVN
Không chỉ với gia đình mà cả làng xe đạp Việt Nam vẫn không nguôi nỗi đau từ trường hợp tử nạn của cua rơ Đỗ Xuân Tâm, dù 12 năm đã trôi qua. Khi ấy, tại giải đấu tiền SEA Games 2003, cũng chính tại Hòa Bình, tuyển thủ TPHCM mới tròn 21 tuổi đã gục xuống không xa trước vạch đích, rơi vào hôn mê sâu, rồi qua đời trên đường đưa về bệnh viện Hòa Bình cấp cứu. Nỗi đau càng nhân lên bởi nếu như được sơ cứu kịp thời hơn, xe cấp cứu sẵn sàng hơn, điều kiện y tế hiện đại hơn, rất có thể Tâm đã may mắn hơn.
Còn nhớ, tại lễ tang của Tâm, người đứng đầu ngành thể thao trước ống kính truyền hình đã thừa nhận y học vẫn là khâu yếu nhất của TTVN, và cam kết thay đổi để không xảy ra trường hợp đau thương nào như thế. Chỉ có điều, hơn 1 thập kỷ qua, y học vẫn là khâu kém nhất, và các cua rơ, rồi kể cả các thành phần liên quan, vẫn phải đối mặt với muôn vàn sự rủi ro, nguy cơ trên đường đua.
Tại các giải đấu, dường như BTC mới chỉ quan tâm đến an ninh, an toàn trên đường đua, mà bỏ qua khâu đảm bảo an toàn cả trước và sau cuộc đua. Sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan cũng rất hời hợt. Và sự tập trung chỉ dồn cả vào các cua rơ, chứ không mấy chú ý đến các thành phần khác.
Hơn 1 thập kỷ qua, y học vẫn là khâu kém nhất, và các cua rơ, rồi kể cả các thành phần liên quan, vẫn phải đối mặt với muôn vàn sự rủi ro, nguy cơ trên đường đua.