Văn chương thời số hóa

Văn chương thời số hóa
Một cú nhấp chuột có thể đưa ta đến với Viện hàn lâm Thụy Điển và đọc diễn từ Nobel của các nhà văn. Một cú nhấp chuột khác cho ta khám phá gia tài khổng lồ của kịch tác gia William Shakespeare và tha hồ vùi đầu vào nghiền ngẫm.
Văn chương thời số hóa ảnh 1

Chân dung các nhà văn trên website của Vũ Hồng

Văn chương thời số hóa đưa đến cho người đọc cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm với hương vị khác nhau và hoàn toàn không phụ thuộc vào biên giới hành chính, địa lý. Giới nhà văn Việt Nam thì sao?

"Thôi, em chả! Ai muốn thì cứ!”

Thái độ của không ít các nhà văn Việt Nam ta hiện nay là vậy. Số hóa cái gì thì cái, riêng văn chương thì không.

Có người còn mạnh miệng bảo: "Hay ho gì thứ nét niếc vớ vẩn. Tớ viết bằng tay vẫn hay chán". Rõ là lý luận kiểu... ngụy biện. Internet chỉ là phương tiện để con người làm việc chứ có ảnh hưởng gì đến quá trình sáng tạo của nhà văn.

Có nhà văn còn cương quyết đến thẳng thừng: "Thôi, dính đến internet chỉ có thui chột sáng tạo. Thấy người ta viết nhiều quá đâm ra ngợp. Mình lại nhụt chí anh hùng".

Lại cũng là một kiểu lý sự... cùn. Một số nhà văn thì cương quyết không dùng e-mail.

Một số khác thì chỉ tìm được hứng khi viết tay chứ không phải dùng máy tính. Thực ra, thái độ cự tuyệt máy móc và số hóa không phải xấu nhưng vấn đề ở đây chính là sự bảo thủ.

Gió “số” đã thổi đến!

Ngược lại với sự cự tuyệt, một số nhà văn hồ hởi với mối quan hệ nhà văn và công nghệ thông tin. Đi tiên phong có lẽ là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với http://nguyenhuythiep.free.fr/.

Ngôi nhà số của ông "tướng về hưu" này được trình bày bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh giới thiệu các tác phẩm đã và sắp xuất bản, các bộ phim dựa trên tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp và các nhận định về ông.

Đây là website mang tính cá nhân đúng nghĩa nên chỉ thuần túy thông tin về bản thân chủ nhân mà thôi.

Đầu năm 2006, độc giả biết đến lối tiếp thị văn chương đầy năng động và rất "số" của cây bút trẻ Trần Thu Trang. Cô bạn đã lập website www.sachcuatrang.com để tiếp thị cho hai quyển sách Nhật ký tình yêu TioPhải lấy người như anh của mình.

Hẳn nhiên, tài năng văn chương của Trang còn là điều đáng bàn nhưng quyết tâm "bán văn chuyên nghiệp" của cô hẳn gợi nhiều suy nghĩ cho các bậc tiền bối. Tuy vậy, giống như Nguyễn Huy Thiệp, đây vẫn là một site cá nhân và còn nặng tính thương mại.

Từ xứ dừa, nhà văn Vũ Hồng mở quán văn chương bên sông Hàm Luông với địa chỉ www.vuhong.com. Giao diện ngôi nhà văn chương số của Vũ Hồng bắt mắt và nội dung phong phú.

Từ thông tin theo kiểu trà dư tửu hậu đến những bài phê bình nghiêm túc chỉn chu. Đặc biệt, chủ quán văn chương bên sông Hàm Luông này còn "chơi đẹp" với anh em văn nghệ sĩ khi giới thiệu những tác phẩm mới xuất bản của họ để độc giả tìm đọc.

Vũ Hồng cũng theo dõi thời cuộc thật sát khi từng bài phỏng vấn có liên quan đến những đối tượng văn chương thời sự đều được cập nhật đầy đủ.

Những nhà văn của đồng bằng sông Cửu Long lại có "một cõi đi về" tại www.vannghesongcuulong.org. Hiện tại website có số lượng tác phẩm khá đồ sộ gồm 2.665 tác phẩm văn học, 311 tác phẩm nghệ thuật, 320 tư liệu các loại với 741 tác giả.

Nhưng diễn đàn của website này hơi bị hiu hắt về phần tranh luận. Nhìn toàn cảnh, website vẫn giống một tờ báo trực tuyến hơn là một ngôi nhà văn chương số.

Hội Nhà văn Việt Nam đóng đô trong không gian số tại địa chỉ www.litcorifund.org.vn nhưng không hiểu sao dù rất cố gắng nhưng trong nhiều ngày liên tục, tôi vẫn không thể vào được. Có lẽ, ngôi nhà chung này đang... cáo chung!

Trang www.evan.com.vn của Báo Vnexpress cũng được văn giới ghé thăm. Nhưng đây lại là một tờ báo.

Box Văn học và Tác phẩm văn học của www.ttvnol.com thu hút hàng ngàn bạn trẻ yêu văn chương. Tại nơi này, những cây bút trẻ có triển vọng được phát hiện.

Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng "làm tổ" trên ngôi nhà số này với hàng ngàn bài thơ.  Box Văn học và Tác phẩm văn học của  www.ttvnol.com là địa chỉ được các bạn trẻ yêu văn chương lui tới tìm kiếm những quyển sách và các vấn đề mình quan tâm.

Cuộc sống số đang làm thay đổi thế giới. Hẳn là chính Shakespear cũng không ngờ rằng sau ông mấy trăm năm có hậu sinh đem tác phẩm của ông vào ngôi nhà số lưu lại hậu thế.

Những người sáng tác ở Việt Nam vẫn mong có một diễn đàn với "đất đai thoải mái" dành cho mình hơn là dung lượng hạn hẹp với số lượng vài chục tờ của báo in.

Sự tranh luận dân chủ về quyền và trách nhiệm của của văn nghệ sĩ cũng là vấn đề đáng lưu ý. Hiện nay, họ vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng và nơi để  cất lên tiếng nói đích thực của mình.

Bản thân mỗi nhà văn sẽ tạo cho mình một kênh tự lọc thông tin. Họ sẽ có đủ bản lĩnh để đón gió lành và bỏ gió độc.

Theo Thanh niên

Hội Nhà văn Hà Nội chơi đẹp

Sổ tay dịch giả văn học là cuốn sách do Chi hội PEN - Hoa Kỳ xuất bản lần đầu vào năm 1981, đến 1999 đã phát hành ấn bản thứ tư. Dịch giả Trịnh Lữ, được phép của Chi hội PEN - Hoa Kỳ, đã dịch cuốn sách này và tặng Hội Nhà văn Hà Nội.

Sổ tay trình bày một cách cô đọng ý nghĩa việc dịch văn học, vai trò của dịch giả. Sách cũng giúp dịch giả cách xử trí khi giao tiếp với tác giả, với nhà xuất bản (NXB) gốc và NXB sẽ ấn hành bản dịch...

Đặc biệt còn có mẫu hợp đồng của dịch giả với NXB, những gợi ý về từng điều khoản trong hợp đồng.

Sổ tay cũng đăng tuyên ngôn của Hội Văn bút quốc tế PEN về trách nhiệm và quyền lợi của dịch giả, nhiều thông tin khác về nguồn tài liệu, các chương trình đào tạo và trung tâm nghiên cứu dịch thuật trên thế giới.

Hội Nhà văn Hà Nội đã nhân bản tặng phẩm này để tặng các dịch giả cùng các nhà văn quan tâm đến việc dịch văn học.

Những dịch giả ở xa, cũng như các NXB và các công ty liên kết xuất bản, nếu quan tâm, có thể liên lạc qua địa chỉ tufs03@yahoo.com hoặc thaiha@hn.vnn.vn, sẽ được Hội gửi tặng ấn phẩm điện tử của cuốn sách này.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".