Văn Cao - Sơn Tùng và bức tranh Người vẽ cờ Tổ quốc

TP - Nhạc sĩ Văn Cao và nhà văn Sơn Tùng kết bạn với nhau từ thập niên năm mươi của thế kỷ trước. Và một trong những dấu ấn của tình bạn ấy được lưu lại bằng câu chuyện ý nghĩa: Thông qua một cuốn sách đang được nhà văn Sơn Tùng ấp ủ viết, nhạc sĩ Văn Cao – tác giả Quốc ca - đã vẽ bức tranh về “Người vẽ cờ Tổ quốc”.

Nói với tác giả Quốc ca về Quốc kỳ

Cuối năm ngoái, sau lễ kỷ niệm 70 năm Tiền Phong ra số báo đầu tiên (16/11/1953-16/11/2023), tôi đến nhà để thắp hương cho cố nhà văn Sơn Tùng, nguyên phóng viên báo Tiền Phong. Nói chuyện với tôi, anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng bùi ngùi ôn lại những kỷ niệm về ba anh, về những người bạn của ông. “Ba tôi rất thân với bác Văn Cao, người nhạc sĩ lớn vừa kỷ niệm 100 năm ngày sinh (15/11/1923-15/11/2023) hôm qua. Năm 1955, khi ba tôi học trường Đại học Nhân dân tại Hà Nội, ông quen rồi thân với nhạc sĩ Văn Cao. Sau này, nhiều tác phẩm của ba tôi do nhạc sĩ Văn Cao vẽ minh họa, như các cuốn “Trần Phú”, “Nguyễn Hữu Tiến”, “Búp sen xanh”…”, anh Định nói.

Cuốn “Nguyễn Hữu Tiến” mà anh Định vừa nhắc tới ghi dấu rõ nét tình bạn giữa nhạc sĩ Văn Cao và nhà văn Sơn Tùng. Anh Định kể, năm 1972, sau thời gian dài điều điều trị thương tật, nhà văn Sơn Tùng được xuất viện về nhà, nhạc sĩ Văn Cao thường xuyên đến thăm. Một lần, nhà văn Sơn Tùng hỏi nhạc sĩ Văn Cao: “Trong “Tiến Quân ca”, khi viết Đoàn quân Việt Nam đi/Chung lòng cứu quốc/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước… Đoàn quân Việt Nam đi/Sao vàng phấp phới/Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…, anh đã thấy cờ đỏ sao vàng bao giờ chưa?” Nhạc sĩ Văn Cao trả lời: “Lúc đó mình tưởng tượng chứ chưa hề nghe nói về cờ đỏ sao vàng”. “Vậy lần đầu tiên anh được thấy lá cờ đỏ sao vàng khi nào?” Nhạc sĩ Văn Cao đáp: “Ngày 17/8/1945, tôi đến dự cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn. Bất ngờ từ bao lơn của Nhà hát bung ra một lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn. Tiếng hát “Tiến Quân ca” vang lên. Khi đó tôi đã khóc! Lần đầu tiên mình được khóc với niềm hạnh phúc lớn”.

Anh Định cho biết: “Hôm đó, ba tôi hỏi nhạc sĩ Văn Cao chuyện trên là bởi bấy nay ông đang sưu tầm tư liệu để viết cuốn sách về nhà cách mạng (NCM) Nguyễn Hữu Tiến, người vẽ lá cờ đỏ sao vàng, sau được chọn là Quốc kỳ Việt Nam. Còn nhạc sĩ Văn Cao là tác giả “Tiến Quân ca”, là Quốc ca Việt Nam. Lúc đó, nhà văn Sơn Tùng bật mí với nhạc sĩ Văn Cao là nhiều năm nay, ông luôn muốn biết người vẽ Quốc kỳ là ai? Nhà văn nói cần thẩm định thêm một số thông tin nữa, lúc đó sẽ đưa nhạc sĩ Văn Cao về quê hương người đã vẽ cờ Tổ quốc. Nghe vậy, nhạc sĩ Văn Cao rất mừng.

Tôi biết, năm 1981, cuốn “Nguyễn Hữu Tiến” của nhà văn Sơn Tùng được Nhà Xuất bản Thanh Niên xuất bản, trang bìa do nhạc sĩ Văn Cao vẽ minh họa. Còn chuyện anh Định vừa nói trên, tôi chưa từng nghe. Anh Định bèn tìm trên giá sách cuốn “Hoa râm bụt” đưa tôi xem rồi nói: “Cuốn sách này xuất bản năm 2004, gồm những câu chuyện ngắn của ba tôi, trong đó có bài “Tác giả Quốc ca gặp tác giả Quốc kỳ” mà anh quan tâm. Anh đọc, có gì cần hỏi thêm mà tôi biết sẽ bổ sung sau”.

Tìm thông tin về người vẽ cờ Tổ quốc

Đọc bài viết “Tác giả Quốc ca gặp tác giả Quốc kỳ”, tôi mới hiểu việc tìm người vẽ cờ Tổ quốc là một quá trình dài của nhà văn Sơn Tùng. Nhưng bài này nhà văn viết khá ngắn gọn, đôi chỗ khái quát nên có những điều tôi muốn biết thêm. Do vậy, nhờ sự giải thích và bổ sung của anh Định (qua việc anh được chứng kiến hoặc được nhà văn Sơn Tùng kể lại), kết hợp với việc tra cứu thêm trong cuốn “Nguyễn Hữu Tiến”, tôi đã rõ những điều mình muốn biết.

Khoảng năm 1965, nhà văn Sơn Tùng bắt đầu tìm hiểu về người vẽ cờ Tổ quốc, nhưng chưa có nhiều thông tin. Năm 1967, khi đang công tác tại báo Tiền Phong, phóng viên Sơn Tùng được điều động vào miền Nam để làm tờ “Thanh niên Giải Phóng”.

Năm 1968, ông mắc bệnh, vào điều trị tại bệnh viện “Bà Thúy Ba” trong rừng Đông Nam Bộ. Tại đây, tình cờ Sơn Tùng ở cùng phòng với ông Năm Thái, một lão thành Cách mạng từng tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Ông Năm Thái kể cho nhà văn Sơn Tùng, thời Nam Kỳ khởi nghĩa ông được giao việc in bằng đá li-tô lá cờ đỏ sao vàng, truyền đơn và báo “Tiến lên” để phục vụ cho cuộc khởi nghĩa. Người phụ trách cơ quan ấn loát là một thường vụ Xứ ủy Nam kỳ, người trước đó được giao nhiệm vụ vẽ mẫu lá cờ Cách mạng để dùng cho cuộc khởi nghĩa sắp tới. Ông đã vẽ lá cờ với ngôi sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ, được Xứ ủy Nam kỳ chấp thuận.

Văn Cao - Sơn Tùng và bức tranh Người vẽ cờ Tổ quốc ảnh 1

Bức tranh “Người vẽ cờ Tổ quốc” được treo tại “Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến” tại tổ dân phố Lũng Xuyên, phường Yên Bắc Ảnh: Trần Ích.

Người vẽ lá cờ trên là người miền Bắc, một yếu nhân của Đảng. Sau khi bị bắt và đày ra Côn Đảo, ông đã vượt ngục, chuyển về hoạt động bí mật tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với tên gọi Hai Bắc kỳ.

Tại những nơi hoạt động, ông thường mở lớp dạy chữ cho mọi người, vẽ truyền thần cho người già nên còn được gọi là thầy giáo Hoài, ông Hai Họa sĩ. Sau khi lá cờ đỏ sao vàng được Xứ ủy Nam kỳ chấp thuận, ông Hai Họa sĩ đã vẽ mẫu vào phiến đá, in cờ để chuyển cho các cơ sở bí mật.

Ngày 30/7/1940, ông bị Thực dân Pháp bắt tại cơ sở in. Sau đó, ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã diễn ra với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa đã thất bại, bị đàn áp đẫm máu. Ngày 28/8/1941, ông Hai Bắc kỳ cùng một số lãnh đạo của Đảng bị địch xử bắn tại Hóc Môn (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Kể đến đây, ông Năm Thái đọc cho nhà văn Sơn Tùng chép bài thơ “Vĩnh biệt” của ông Hai Bắc kỳ gửi lại cho đồng đội trước lúc ra trường bắn, trong đó nêu rõ hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng: “Vĩnh biệt hôm nay có mấy lời/Nhắn cùng đồng chí khắp nơi nơi/Tinh thần để lại cho non nước/Thù hận ghi sâu giữa đất trời/Án chém Hà Nam đã rũ sạch/Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi/Anh em đi trọn con đường nhé/Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”.

Văn Cao - Sơn Tùng và bức tranh Người vẽ cờ Tổ quốc ảnh 2

Tác phẩm Nguyễn Hữu Tiến của nhà văn Sơn Tùng, nhạc sĩ Văn Cao minh họa trang bìa.

Từ những thông tin của câu chuyện trên, năm 1976, nhà văn Sơn Tùng lần tìm từng điểm, từng sự kiện trong các kho lưu trữ Quốc gia, Văn khố Đà Lạt, tư liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng để tìm hiểu về người đã vẽ lá cờ Tổ quốc. Sau khi ghép nối các bí danh như Hai Bắc kỳ, Hai Họa sĩ, thầy giáo Hoài… nhà văn Sơn Tùng thấy đây là một người: NCM Nguyễn Hữu Tiến. Nhà văn cũng có bản sao chân dung NCM Nguyễn Hữu Tiến do mật thám Pháp chụp. Đặc biệt, nhà văn được đọc công văn số 4685-S (ngày 2/8/1940) của P. Aknauk, Chánh mật thám Đông Dương, gửi các quan chức cao cấp như Thống đốc Nam Kỳ, Tổng thanh tra Liêm phóng Đông Dương, các chánh mật thám Hà Nội, Huế, Phnom Pênh (Campuchia), Viêng Chăn (Lào) … về tin tức liên quan đến NCM Nguyễn Hữu Tiến.

Trong bài “Tác giả Quốc ca gặp tác giả Quốc kỳ”, nhà văn Sơn Tùng trích dẫn công văn 4685-S với nội dung: “Tin tức đặc biệt của Sở Mật thám Sài Gòn cho biết hoạt động của cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai (tức cô Dung), Nguyễn Hữu Tiến (tức giáo Hoài, tức Trương Xuân Chinh)…

Tối 30/7/1940, các nhân viên để lại rình đã thấy Nguyễn Thị Minh Khai đi cùng một người nữa, lại gần túp lều tranh đó. Hai người đó đều bị bắt sau cuộc đuổi bắt vất vả và phải đối phó gay go với người đàn ông (người đi cùng Nguyễn Thị Minh Khai). Dẫn về Sở Mật thám, người đó định cắn lưỡi tự tử. Sau khi tra xét lại lai lịch thì biết rằng đó là người tù khổ sai Trương Xuân Chinh, tức Nguyễn Hữu Tiến, tức giáo Hoài, bị Toà Thượng thẩm Hà Nội xử ngày 6/6/1932 kết án tù 20 năm khổ sai, 20 năm quản thúc về “mưu đồ xúi dân chúng đứng dậy chống lại nhà chức trách”. Hắn tham gia việc cải tổ Đảng Cộng sản Đông Dương. Hắn vượt ngục tại Côn Đảo hồi tháng Giêng năm 1935, bị bắt thì đến tháng tư năm sau hắn lại vượt ngục lần nữa…”.

Công văn 4685-S cũng báo cáo thông tin quan trọng: “Đính theo đây bản kê khai các tài liệu và vật dụng thu được ở nơi đó: Trong số đó có một lô giấy nền, bàn lăn mực, một số khá lớn giấy trắng, nhiều bản cờ, truyền đơn bằng tiếng Pháp, tiếng An Nam và tiếng Tàu đã rải ở Nam Kỳ…”.

Văn Cao - Sơn Tùng và bức tranh Người vẽ cờ Tổ quốc ảnh 3

(Từ trái sang) Nhà văn Sơn Tùng (thứ 2), nhạc sĩ Văn Cao (thứ 3) trong lần về huyện Duy Tiên để tìm hiểu về NCM Nguyễn Hữu Tiến. Ảnh: GIA ĐÌNH NHÀ VĂN SƠN TÙNG CUNG CẤP

Bức tranh “Người vẽ cờ Tổ quốc” được giao lại cho gia đình NCM Nguyễn Hữu Tiến. Năm 1993, tỉnh Hà Nam đã xây dựng công trình mang tên “Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến” được làm trên nền ngôi nhà cũ của gia đình ông, nay thuộc tổ dân phố Lũng Xuyên (phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, Hà Nam). Bức tranh “Người vẽ cờ Tổ quốc’ được treo tại đây đến nay.

Đến đây, phần việc nữa mà nhà văn Sơn Tùng cần làm là tìm về quê NCM Nguyễn Hữu Tiến. Trong bài “Tác giả Quốc ca gặp tác giả Quốc kỳ”, nhà văn Sơn Tùng cho biết ông đã tìm được em ruột của NCM Nguyễn Hữu Tiến là ông Nguyễn Hữu Uẩn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, đang là Vụ trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương.

Nhà văn đã nhờ ông Uẩn giúp đỡ về quê ông tại làng Lũng Xuyên (xã Yên Khê, Duy Tiên, Hà Nam) để tìm hiểu về NCM Nguyễn Hữu Tiến. Sau hơn chục lần đến đây, nhà văn đã thu thập được nhiều thông tin cần thiết từ những người thân, bạn chiến đấu, học trò của NCM Nguyễn Hữu Tiến.

Từ những thông tin này, nhà văn Sơn Tùng đối chiếu với những tư liệu đã tìm được trước đó và thấy trùng khớp. Bên cạnh đó, nhà văn Sơn Tùng còn thu thập được một bài thơ của NCM Nguyễn Hữu Tiến, trong đó có đoạn ông giải thích ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh: “… Hỡi ai máu đỏ da vàng/Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc/Nền cờ thắm máu đào vì nước/Sao vàng tươi da của giống nòi/Đứng mau lên hồn nước gọi ta rồi/Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh/Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh…”.

Bức tranh “Người vẽ cờ Tổ quốc”

Sau khi thấy tư liệu đã ổn, nhà văn Sơn Tùng thuật đầy đủ câu chuyện trên với nhạc sĩ Văn Cao. Trong “Tác giả Quốc ca gặp tác giả Quốc kỳ”, nhà văn Sơn Tùng đã mô tả chuyện này:

“Bây giờ tôi mới thuật lại đầy đủ với anh Văn Cao. Anh nghe xong, lúc đó đã 23 giờ đêm. Anh dốc chén rượu cuối cùng, ôm lấy tôi: Đúng là tác giả Quốc kỳ. Tưởng kiến kỳ nhân. Cảm ơn Sơn Tùng đã cho mình được gặp tác giả Quốc kỳ! Hãy dẫn mình về quê ông, mình cần, rất cần được phát sáng trong trực cảm.

Anh chị Văn Cao cùng vợ chồng tôi về quê ông Nguyễn Hữu Tiến. Ngày trở về Hà Nội, anh Văn Cao ngồi trên xe, ghé vào tai tôi: Không tính ngày hôm nay, trong hai ngày nữa, vào lúc 9 giờ, anh sang tôi, đừng gõ cửa, vào thẳng phòng vẽ của tôi.

Nhà cách mạng (NCM) Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941) sinh tại làng Lũng Xuyên (Yên Khê, Duy Tiên, Hà Nam), nay là tổ dân phố Lũng Xuyên (phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, Hà Nam). Đầu năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, NCM Nguyễn Hữu Tiến trở thành đảng viên thế hệ đầu của Đảng. Năm 1931, NCM Nguyễn Hữu Tiến bị địch bắt tại Hà Nội, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo. Năm 1935, NCM Nguyễn Hữu Tiến vượt ngục, vào miền Nam hoạt động, là thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1940, NCM Nguyễn Hữu Tiến bị địch bắt; ngày 28/8/1941 bị địch thi hành án tử hình tại Hóc Môn.

Đúng hẹn, tôi bước vào phòng. Một Nguyễn Hữu Tiến hiển hiện trên giá vẽ Văn Cao! Tôi reo lên: A… đúng rồi! Đúng ông Nguyễn Hữu Tiến tác giả Quốc kỳ rồi!

Anh Văn Cao làm một hơi cạn chén. Tôi đưa tấm ảnh ông Nguyễn Hữu Tiến lưu trữ của Sở Mật thám. Anh cầm tấm ảnh, mắt ngời sáng nhìn sang giá vẽ gật đầu, nói nhỏ nhẹ: Chúng ta cùng một tâm tưởng!”.

Anh Bùi Sơn Định cho biết, nhà văn Sơn Tùng kể lại là bức tranh “Người vẽ cờ Tổ quốc” được nhạc sĩ Văn Cao vẽ năm 1979. Tháng 5/1979, nhà văn Sơn Tùng hoàn thành bản thảo cuối cùng cuốn “Nguyễn Hữu Tiến”, chuyển cho nhạc sĩ Văn Cao đọc để vẽ bìa cuốn sách. Năm 1981, cuốn “Nguyễn Hữu Tiến” được xuất bản.

Văn Cao - Sơn Tùng và bức tranh Người vẽ cờ Tổ quốc ảnh 4

Nhạc sĩ Văn Cao (phải) và nhà văn Sơn Tùng Ảnh: GIA ĐÌNH NHÀ VĂN SƠN TÙNG CUNG CẤP.

Để biết thêm chuyện về bức tranh trên, tôi đã hỏi họa sĩ Văn Thao, con trưởng nhạc sĩ Văn Cao.

Họa sĩ Văn Thao cho biết sau chuyến đi với nhà văn Sơn Tùng tới xã Yên Khê và huyện Duy Tiên, quê hương của NCM Nguyễn Hữu Tiến trở về, nhạc sĩ Văn Cao rất vui. Chiều hôm đó, họa sĩ Văn Thao thấy cha chuẩn bị giá vẽ, bút và sơn dầu. Đến tối, nhạc sĩ Văn Cao phác thảo bố cục đen trắng hình định vẽ lên một mảnh giấy nhỏ.

“Thấy tôi đứng xem, cha tôi nói: Quan trọng là bố cục hình và mảng miếng trong một bức tranh, còn tông màu thì bố đã hình dung trong đầu rồi nên khi thực hiện ta chủ động được trong việc sử dụng màu, sắc độ. Như vậy màu mới trong, tranh để lâu không bị xuống mầu”, họa sĩ Văn Thao cho biết. Rồi ông kể thêm, sau khi vẽ xong, nhạc sĩ Văn Cao đã tặng cho địa phương và gia đình NCM Nguyễn Hữu Tiến bức tranh này. Nhà văn Sơn Tùng đã viết thư báo việc này cho huyện Duy Tiên để họ chuyển tranh về.

Trong bài “Tác giả Quốc ca gặp tác giả Quốc kỳ”, nhà văn Sơn Tùng mô tả: Sau sự việc trên, lễ tưởng niệm NCM Nguyễn Hữu Tiến được long trọng tổ chức tại huyện Duy Tiên, với sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, các cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện Duy Tiên, đại diện các xã trong huyện cùng gia đình NCM Nguyễn Hữu Tiến. Hôm đó, tấm chân dung NCM Nguyễn Hữu Tiến vẽ bằng sơn dầu của nhạc sĩ Văn Cao được đặt lên bàn thờ nghi ngút khói hương. Cả hội trường xúc động khi thấy vợ NCM Nguyễn Hữu Tiến và người con gái gần năm chục tuổi của ông tham gia lễ tưởng niệm. Kết thúc buổi lễ, từ phía ban thờ, vợ NCM Nguyễn Hữu Tiến ôm choàng lấy nhạc sĩ Văn Cao cùng nhà văn Sơn Tùng, khóc và nói: “Nhờ có hai ông, tôi được gặp lại nhà tôi đã ly biệt hơn bốn chục năm trời”.