Đêm xuống. Vẫn một mình ta lang thang trên phố. Những chiếc lá bàng úa tàn cuối cùng đang nháo nhác đua nhau lìa cành. Liễu hồ Hoàn Kiếm oằn mình run rẩy hất những giọt mưa đêm đông cố bám lại trên chiếc lá mềm yếu. Cái lạnh của đêm giao thừa vừa qua. Cái lạnh của cô đơn vẫn đeo đẳng. Ước ao một vòng tay để âu yếm cho bớt quạnh hiu, một vòng tay vuốt ve sưởi ấm lòng ta. Chỉ còn một tuần nữa là ngày của tình yêu. Ôi Hà Nội những đêm mùa đông. Hỡi ơi Thánh Tình yêu của ta!
Không chịu nổi cái tĩnh mịch đến thờ ơ của đêm đông, thế nhưng ta vẫn chưa muốn đưa bước chân mỏi mệt về nơi bốn bức tường và ánh đèn vàng chờ đợi, ta thả mình trên chiếc ghế đá bên hồ, lấn áp sự tĩnh lặng của đêm bằng những ca khúc Hà Nội. Mùi hoa sữa chỉ còn là những kỷ niệm xưa, để lại ta giờ đây chỉ là một dại khờ, một tôi.
Ta đã suy tư bao ngày để đủ dũng cảm vào một ngày kia, ngày ông Công ông Táo về trời, ta làm cha mẹ hoảng loạn. Ta đã mất đi một tình yêu còn lại, đã nói sự thật với họ: "Cha mẹ ơi, cha mẹ có yêu con không"? "Sao con lại hỏi vậy"? "Con là bóng là gay, là đồng tính luyến ái, con yêu đàn ông".
Cả bầu trời đêm ập xuống đầu họ, ta là đứa con duy nhất của họ, là cậu ấm được nuông chiều, chăm sóc, hướng nghiệp để rồi dễ dàng có tấm bằng đại học đầu tiên ở tuổi 22, và hành trang cuộc sống hôm nay với ba tấm bằng, một công việc cho thu nhập cao. Ta đã lao vào học hành, sự nghiệp, công việc để cố lấn át những ham muốn yêu đương. Thế nhưng ta đã yêu, yêu say đắm, si tình, thất bại nhưng vẫn thèm yêu.
Ngày ra đi của ông Công ông Táo, ngày cha mẹ mở cửa tự do cho ta bằng lời khuyên: Con liệu tìm hiểu cô nào để xây dựng một gia đình con nhé. Tưởng như được giải thoát khỏi vòng tay nuông chiều của cha mẹ đáng kính, ta có thể nhẩy lên vui sướng: Ôi thế là ta có tự do! Thế nhưng một nỗi buồn trĩu nặng bóp nghẹn tim. Ta phải đối đầu với một thử thách viễn tưởng mới. Xây dựng gia đình. Lấy vợ. Đẻ con.
Ta đâu ngờ cái đêm đó Táo quân đã thăng thiên mang theo hết cả hạnh phúc gia đình. Ta đã đẩy các đấng sinh thành đến sự xấu hổ, ô uế? Ta đã mất đi một người cha, một người bạn vẫn chơi cờ tướng, cờ vua, vẫn chia sẻ những tác phẩm văn học cổ kim, những bản sonade du dương. Ông nói: "Cha đã mất con thật rồi".
Ta không lường được cái đêm đó đã đẩy người đàn bà tưởng như từng hạnh phúc nhất trần gian xuống bùn bẩn của tội lỗi. Nước mắt bà chảy dài, nhòe nhoẹt gò má, tàn phai phấn hồng. Bà nhìn vào những tàn tro vàng mã vừa hóa nằm ẹp trên sân nhà vì mưa bụi. Bà thổn thức: "Mẹ có tội với trời, mẹ van con hãy suy nghĩ lại". Cha uống rượu một mình, hết chén này đến chén khác mà không chạm cốc với ta. Mắt ông đỏ ửng. Ông cũng nghĩ mình có tội với trời?
Ôi trời ơi, ta có tội gì, họ có tội gì? Ta muốn gào thét thật to và chạy biến khỏi nơi đây. Ta không khóc ra nước mắt, hai bàn tay đan vào nhau, nhìn đăm đăm vào đĩa bánh chưng vuông vức cắt sáu phần. Liệu ta còn đủ nghị lực để ăn ngau ngáu hai phần bánh kia? Ta chuyển hướng nhìn vào đĩa thịt gà đầy ắp với hai cái đùi to trắc thịt nạc đen. Những chiếc đùi gà mẹ luôn dành cho ta. Văng vẳng trong tai câu bông đùa của mẹ: "Con ăn đùi đi mai sau chạy khỏe". Chạy đi đâu đây mẹ ơi? Hai bắp đùi của ta giật giật tù túng như hai chân gà bị trói trặt trước khi bị làm thịt.
Im lặng. Hết rồi những bàn bạc rôm rả về chương trình đêm giao thừa, chuyến thăm viếng, lời chúc tụng đầu năm, những ngày trẩy hội bên cha bên mẹ. Cha mẹ ta là những người có học vấn, là cán bộ lãnh đạo của các công ty. Họ luôn được bạn bè, đồng nghiệp khen ngợi là hạnh phúc, có con trai hào hoa, phong nhã, nhẹ nhàng. Họ luôn nhận được những bình luận về ta: "Con ông bà đẹp trai, có tài, công việc khá giả, thiếu gì người yêu, lấy đâu chả được vợ". Ôi sao tình yêu lại phụ thuộc quá nhiều vào cái tài, cái đẹp và giàu có?
Rồi sự im lặng cũng bị phá tan bởi giọng nhẹ nhàng nhưng quyết đoán của mẹ: "Ngày mai, con đưa mẹ đến nhà thầy Thủy để giải hạn". Giải hạn cho mẹ hay giải hạn cho con? Mẹ vẫn tin vào lời khuyên của thầy phong thủy, tin vào số phận của mỗi con người. Mẹ thành tâm nơi cửa Phật. Cha ta chưa bao giờ thắp một nén nhang trên đền chùa. Ông chỉ ngắm nhìn kiến trúc đền chùa, những pho tượng, những bức phong khắc tiếng Hán, ông khá am hiểu chữ Hán Nôm. Ông bâng quơ như đã quên chuyện vừa qua: "Ngày mai sẽ đi Nhật Tân mua đào, quất Tết".
Ba dòng suy nghĩ là ba phương trời xa cách. Giải hạn là suy nghĩ của mẹ. Coi như chưa có chuyện gì đặc biệt xảy ra là quyết định của cha. Trong ta vẫn là câu nói của chính mình: "Con là gay, đồng tính luyến ái, con yêu đàn ông". Tim ta đau nhói. Đầu óc cuồng quay, lạc hướng.
Trước ta là một con quỷ dữ, nhe những chiếc răng dài nhọn, phả cái câu ác độc của ta vào mặt cha mẹ. Một không gian u ám, hoang dã của rừng rú. Họ cắm đầu lao thẳng vào gai góc, những bàn chân bật máu của họ không chịu chờ nhau. Họ đang chạy chốn. Bất ngờ hiện ra trước mặt họ một thác nước uy hung. Không ngần ngại, họ lao xuống vực sâu cùng dòng thác đổ để lại theo sau là câu gào xé trời: "Cha mẹ ơi, con yêu cha mẹ, hãy đợi con với".
Ta không thể ăn trong cái không khí tất niên nghẹt thở, ta xin phép họ đi ra ngoài. Họ không ngăn cản. Thế là ta lang thang suốt đêm, hết ngõ này đến phố kia. Mỗi phố là những kỷ niệm, mỗi ngõ để lại những vết chân ta qua. Kia rồi quán cà phê liêu xiêu bên góc phố Quang Trung, những bàn tay nắm quện nhau, những giai điệu của bài hát "Người tình trăm năm" bập bùng trong nhạc đệm cây đàn guitar của chị chơi đàn. Những giọt nước mắt ta từng đẫm vai áo chị, những tiếng khóc nấc đã dịu đi trong vòng tay chị khi "người tình trăm năm" phản bội tình yêu của ta.
Những tiếng tí tách của hạt dưa Tết bên ly cocktail đặc biệt chị pha riêng cho "các dì, các mợ" sau Tết. Ta tạt qua những điểm nóng, nơi những kẻ cô đơn, thèm được yêu, được đụng chạm vào nhau đã đến. Những nhà vệ sinh công cộng nam mà bao tối cuối tuần nhiều người "bóng kín, bóng lộ, bóng già, bóng trẻ" bị cái dục vọng lôi cuốn vào để ngắm hàng người cùng giới. Những ánh mắt nhìn nhau, những cái hôn vội vã, chếnh choáng yêu đương bên cây chín gốc ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Thỏa mãn. Lo sợ.
Đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng nhất của một năm, ta nằm co ro trong chăn, giả vờ như ốm. Ta cố lắng nghe những bụi mưa. Mùa đông đã vĩnh viễn ở lại trong ta vì cây cầu mùa thu thực sự gẫy tan. Xuân đã bỏ lại ta. Ta mường tượng ngoài kia là những làn pháo hoa bay lên trong tiếng reo hò, khen ngợi, những vòng tay ôm eo, những mái đầu ngả vào nhau và cả biết bao nụ hôn nóng bỏng thăng cùng pháo hoa. Chúc mừng năm mới, nhiều tình yêu và hạnh phúc.
Ta lại tìm đến biết bao những mảnh đời khô quạnh như ta nằm đây, đang ôm chăn, ôm gối, ôm thú bông chờ cái những phút chót của năm qua đi. Ta nghĩ đến những kẻ không tình yêu cố vui khi những bông pháo bay lên. Sau phút giao thừa họ lại đi tìm chính mình trong các quán bar, lắc lư trong các âm thanh nhạc sàn, cạn sạch các ly rượu mạnh, lấp liếm cái cô đơn để rồi khi ánh đèn bar bừng sáng mời khách ra về, họ giấu mình trong những chiếc áo mùa đông, lách mình ra ngoài cửa, không biết đi đâu, về đâu.
Những ánh mắt ngơ ngác nhìn nhau. Đi tiếp hay về? Đi đâu khi các quán đã im ắng thu mình sau các khung cửa? Về đâu khi chỉ có cái lạnh lẽo và thờ ơ của căn phòng đang chờ họ? Cái Tết đã lầm lũi ra đi. Sao đi chậm thế Tết ơi! Cái Tết buồn nhất trong cuộc đời ta. Ta hoảng hốt khi một mùa Valentine, mùa Tình yêu đang ngấp ngó.
Hỡi ơi thánh Tình yêu! Đã có lúc ta yêu thánh hơn ai hết vì thánh từng ở bên ta. Ta từng hạnh phúc biết nhường nào khi yêu anh ấy. Một ngày kia anh ấy đã bỏ ta để đi theo cái quy luật của cuộc sống. Sức ép của nghề nghiệp, gia đình, của những ánh mắt cộng đồng đã mạnh hơn tình yêu ta dành cho anh, và mạnh hơn cả tình yêu với bao hứa hẹn anh đã trao cho ta. Anh đi lấy vợ.
"Chúng ta phải chia tay, đây sẽ là Valentine cuối cùng của chúng ta. Cuối xuân là hai gia đình sẽ tổ chức đám cưới rồi". Quyết định của anh hay của cha mẹ anh? Thật phũ phàng. Người ơi, người đã đẩy ta ra xa đại dương mênh mông. Ta đã mơ một con tàu tình yêu vượt sóng cùng anh nhưng giờ đây chỉ còn mình ta lênh đênh với con thuyền không bến.
Đôi khi ta thấy căm ghét đàn bà, ta lại giận dữ với số phận trớ trêu. "Bóng", ai đã nghĩ ra và đặt tên cho những kẻ như ta? Thật quyến rũ khi đó là những bóng hoa với đủ cánh, nhụy để khoe sắc. Thật đẹp với bảy sắc cầu vồng, nhưng cũng thật mảnh mai dễ vỡ như những bóng xà phòng. Thật thanh cao nhưng cũng rất u ám như những bóng mây. Thật ghê sợ, nhưng đầy sức tưởng tượng như những bóng ma. Thật buồn và đen tối nhưng vô cùng mênh mông, huyền bí như những bóng đêm. Thật tủi hờn khi ta sao mãi vẫn chỉ là cái bóng của người đời. Bóng của một thằng đàn ông “thực thụ” để lầm lũi, sống, làm việc, yêu, giận hờn, nhẫn nhục. Ước sao ta chỉ là bóng của chính ta. Bóng là ta, ta là bóng, là "nhân". Không lộ, không chìm, không phải né tránh những cài nhìn miệt thị, soi mói của người đời.
Ta đã mất đi một cái Tết đầm ấm của những lời chúc tụng, một cái Tết nở hoa cùng những phong bao lì xì đỏ chói. Phải chăng mẹ đã đúng khi tin là đấng thiêng liêng đã định cho mỗi con người một số phận? Rồi cái Valentine cuối đó cũng qua đi. Người đã tránh mặt ta trước khi lên cưới vợ. Ta biết người đã khóc và cả ta nữa, để lại sau ta một mùa Valentine trống trải. Lầm lũi bước đi cùng màn đêm, ta chưa muốn về với căn phòng nhỏ bé với một thế giới chỉ của riêng ta.
Bài hát cuối cùng trong nhạc phẩm "Hà Nội và tôi" kết thúc, bài "Một dại khờ, một tôi" như nhắc ta: Nào đi thôi. Một đôi tình nhân nắm tay nhau khi dừng, khi bước như muốn cản đường ta. Ta vẫn ương bướng với ám ảnh cần một tình yêu để sống và để yêu. Ta nhoẻn miệng cười cay đắng: Chào Thánh tình yêu.
Theo Hùng