'V-League sẽ thành giải giao hữu'
> Hải Phòng tìm cách xoa dịu cầu thủ K.Khánh Hòa
> U22 tranh V.League - quyết định gây tranh cãi
Đưa đội U22 quốc gia vào thi đấu cùng quy định không có đội xuống hạng khiến nhiều chuyên gia lo ngại V-League mùa tới sẽ không có tính cạnh tranh.
V-League mùa tới bị đặt câu hỏi về tính cạnh tranh. Ảnh: TK |
VPF vừa có một loạt phương án tổ chức mùa giải 2013 gây sốc, khiến các chuyên gia trong nước đồng loạt phản đối. Trong những thay đổi mà VPF vừa đề xuất, đáng chú ý là việc U22 Việt Nam sẽ tham chiến tại V-League và mùa giải 2013 không có đội xuống hạng ở cả V-League lẫn hạng Nhất. Hiện tại, những quyết sách mới của VPF được cho là sẽ giúp công ty này điều hành mùa giải 2013 tốt hơn, nhưng liệu với giải pháp tình thế này có gây ra những rắc rối.
Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết, ban đầu VPF định đôn đội Đồng Tháp lên để cho đủ 12 đội, nhưng cuối cùng đã chọn phương án đội U22 cũng là một công đôi việc để chuẩn bị cho SEA Games 27. Sau một năm chinh chiến tại V-League, VPF hy vọng U22 Việt Nam sẽ có thêm rất nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh để sẵn sàng cho cuộc chinh phục tấm HC vàng SEA Games.
Cũng có chung ý kiến, Phó tổng giám đốc VPF Phạm Phú Hòa cho rằng, quyết định bổ sung đội U22 Việt Nam là để đủ số lượng chẵn các đội tham gia V-League 2013 sau khi hai đội bóng Navibank Sài Gòn, CLB Hà Nội bỏ giải còn Khánh Hòa chuyển giao cho Hải Phòng. Quan trọng nhất là U22 Việt Nam có thêm cơ hội cọ xát.
U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Văn Phúc, vừa chơi rất thành công tại BTV Cup. Đây đều là những cầu thủ trẻ tài năng ở các CLB V-League cũng như hạng Nhất. Chính vì thế, một câu hỏi đặt ra là nếu sử dụng đội U22 cả một mùa giải, thì các CLB có đồng ý chịu nhả quân hay không.
Tiếp đến, kinh phí cũng là vấn đề nan giải. Nuôi một đội bóng, sẽ khiến VPF tốn một khoản kinh phí không nhỏ, thậm chí là vài chục tỷ cho việc trả lương, thưởng và các hoạt động khác. Đó là chưa kể VPF còn đang có kế hoạch thuê HLV ngoại cho đội U22 Việt Nam.
Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ là một trong những người phản đối dữ dội nhất kế hoạch của VPF. “Nuôi cả năm thế thì kinh phí lấy đâu ra. Chắc chắn ngân sách nhà nước thì không có rồi, còn nếu VPF tự bỏ tiền ra thì đó cũng là tiền của các CLB. Đó là chưa kể các CLB khó mà nhả quân cho đội tuyển vì đa số các cầu thủ ở U22 đều đang là trụ cột ở các CLB. Thêm nữa, liệu các cầu thủ này sẽ đá như nào khi đối đầu với đội bóng của mình”, bầu Đệ nói.
Bản thân HLV đội U22 Hoàng Văn Phúc cũng khá quan ngại về những thay đổi ở mùa giải mới: “Tôi ủng hộ việc U22 được tập huấn và thi đấu dài hơn. Tuy nhiên, việc đưa hẳn đội dự V-League cần phải được xem xét kỹ. Các cầu thủ tốt nhất của U22 hiện nay đều thuộc biên chế các đội bóng V-League hoặc hạng nhất nên các đội khó nhả quân. Mà nếu có nhả thì các cầu thủ cũng sẽ khó đá hết mình khi gặp lại CLB cũ”.
Dù VPF khẳng định các CLB đều sẽ ủng hộ hết mình, nhưng ngay cả ở BTV Cup vừa qua, những CLB như SLNA hay Đà Nẵng đều xin cho các cầu thủ của mình ở lại vì lo sợ chấn thương. Ở một giải đấu kéo dài và có tính cạnh tranh như V-League, việc chấn thương là khó tránh khỏi, chắc chắn sẽ có những rắc rối giữa VPF và các CLB nếu điều đó xảy ra.
“Đội U22 quốc gia sẽ được ăn, ở, tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Mỹ Đình. Chúng tôi đã chuẩn bị đủ kinh phí cần thiết để lo cho đội U22 tham dự mùa giải, trong đó gồm cả tiền trả lương cho HLV ngoại”, ông Phạm Ngọc Viễn cho biết.
Một thành viên của VPF nói thêm việc đưa đội U22 tham dự giải vô địch quốc gia mới mẻ với bóng đá Việt Nam, nhưng ở các nước trong khu vực đều đã làm từ lâu. Chỉ có điều, U22 của Malaysia và Singapore dự giải vô địch quốc gia của họ, là tập hợp những nhân tố do chính LĐBĐ Malaysia, Singapore đầu tư công sức tạo nên từ lứa U, chứ không phải nhặt lên từ các CLB như ở Việt Nam.
Đề xuất thứ hai là ở mùa giải 2013, cả V-League và hạng Nhất sẽ không có đội phải xuống hạng. Như vậy, khó tránh tình trạng một số đội sẽ trở thành ngân hàng điểm ngay từ đầu. Nếu một giải đấu không có đội nào phải xuống hạng thì rất khó tạo ra sự cạnh tranh. Điều đó là chắc chắn sẽ xảy ra. Thậm chí nhiều người còn lo ngại V-League sẽ trở thành giải giao hữu.
Các chuyên gia trong nước cũng hầu như không tán thành kế hoạch của VPF. “Việc không có đội xuống hạng thì ngoài 3 đội có huy chương, vị trí các đội còn lại đều như nhau hết. Đó là chưa kể, các đội sẽ chẳng cần phải có ngoại binh, bán hết sạch ngôi sao”, HLV Nguyễn Thành Vinh quan ngại.
VPF hy vọng vào mức tiền thưởng cho ngôi vô địch lên tới 10 tỷ đồng sẽ là động lực cho các đội, nhưng thực tế đa số các đội ở V-League chỉ đặt mục tiêu trụ hạng.
Lợi ích tích cực từ việc biến V-League thành giải thi đấu với tinh thần giao hữu là các cầu thủ U22 có lẽ sẽ giảm được nguy cơ chấn thương.
Theo Thế Kiên
Vnexpress