Sáng 6/3, tại Tp Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã tổ chức lễ ra mắt nhà tài trợ chính cho giải bóng đá VĐQG, V-League 2018. Theo đó, Công ty Nutifood trở thành nhà tài trợ chính của V-League, với hợp đồng có thời hạn 1 năm.
Sau 3 năm gắn bó với V-League, Toyota vừa qua đã rút lui. Việc thuyết phục được Nutifood đồng hành cùng giải VĐQG được đánh giá là một thành công của ban lãnh đạo VPF nhiệm kỳ 3. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF Trần Anh Tú cho biết, hợp đồng có thời hạn 1 năm do Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chỉ trao quyền tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia cho VPF tới năm 2018.
Tâm điểm quan tâm tại lễ công bố nhà tài trợ chính V-League hôm qua dù vậy lại liên quan tới việc tranh chấp bản quyền V-League giữa VPF và công ty Next Media, đối tác sản xuất V-League của VPF theo 2 hợp đồng, số 07/2015/VPF-NM và số 0211/HĐ/2016/VPF-NM. VPF cho biết thời gian qua, Next Media đã không thực hiện điều khoản cung cấp thông tin các khoản doanh thu thương mại từ các hợp đồng quảng cáo, tài trợ cùng chứng từ kèm theo để có thể hạch toán, phân chia lợi nhuận.
Với lý do trên, ngày 12/2, VPF đã gửi công văn thông báo huỷ hợp đồng với Next Media. Không chấp nhận, Next Media đã gửi công văn tới một loạt cơ quan chính phủ, đơn vị liên quan để phản đối. Công văn của Next Media nói, ở mùa giải 2018 họ đã hợp đồng và thoả thuận với VTV, VTVcab, Công ty truyền thông Green Lotus (Tp Hồ Chí Minh) để triển khai các hoạt động sản xuất, truyền hình, thương mại.
Trả lời PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF Trần Anh Tú cho biết, sau khi HĐQT khoá 3 nhận nhiệm vụ, VPF đã rà soát lại các hợp đồng đang có hiệu lực, trong đó có 2 hợp đồng ký với công ty Next Media.
“Chúng tôi thấy 2 hợp đồng này có một số bất cập về mặt pháp lý và quyền lợi của VPF cũng như các giải VPF đang điều hành. Chúng tôi có làm việc với Next Media về các vấn đề liên quan nhưng phía họ không thể hiện thiện chí hợp tác-ông Trần Anh Tú nói-HĐQT VPF vì vậy đã thanh lý hai hợp đồng với Next Media, đồng thời giao cho ông đàm phán hợp đồng mới. Tuy nhiên, Next Media hiện vẫn chưa đồng ý với các đề nghị của VPF. Cũng theo ông Trần Anh Tú, trong bóng đá chuyên nghiệp, vé và bản quyền truyền hình là nguồn thu chính. Bóng đá Việt Nam muốn phát triển cần giải quyết tốt hai khâu này. “Chúng tôi cho rằng về lâu dài, V-League cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp, trong đó bản quyền truyền hình là vấn đề quan trọng, cần được làm tốt ngay từ đầu”-ông Trần Anh Tú cho biết.
Một lãnh đạo VPF khác nói, hợp đồng của VFF uỷ quyền cho VPF quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam gồm V-League chỉ tới năm 2018. Tuy nhiên, Ban Giám đốc nhiệm kỳ 2 của VPF lại ký hợp đồng sản xuất V-League với Next Media tới năm 2022. “Có thể nói nhiệm kỳ cũ của VPF đã ký cái mà chúng tôi không chắc chắn có nắm trong tay. Giá trị hợp đồng lớn nhưng cũng không thông qua HĐQT, không đấu thầu”-lãnh đạo VPF trên cho biết.
Hôm qua, PV Tiền Phong đã liên hệ với nguyên TGĐ VPF Cao Văn Chóng để tìm hiểu thông tin nhưng ông Chóng cáo bận. Trong khi đó do tranh chấp giữa đôi bên, VTV hiện chưa thể lên kế hoạch tường thuật V-League 2018. Nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng ban Sản xuất các chương trình thể thao đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết: “Chúng tôi không thể tường thuật khi bên nào cũng nhận có bản quyền. VTV đã gửi công văn tới VPF và Next Media để đề nghị làm việc với nhau, yêu cầu làm rõ tình hình. Chúng tôi luôn ủng hộ V-League nhưng mọi việc cần thực hiện đúng quy định”.
Đại diện một kênh truyền hình nói, chi phí sản xuất V-League cả mùa giải lên tới 20 tỷ đồng. Do nguồn thu chưa đủ bù đắp chi phí nên trọng tâm của kênh này không phải V-League. Mặc dù vậy, vị này cũng cho rằng về lâu dài, V-League cần làm tốt vấn đề bản quyền nếu muốn phát triển.