Đã có giai đoạn, cái nhà vệ sinh của các đội bóng ở V-League trở thành câu chuyện lớn trên các mặt báo thể thao. Hầu hết nhà vệ sinh các đội bóng đều hoặc trong tình trạng xuống cấp, không thể sử dụng, hoặc bẩn thỉu, hôi hám đến nỗi ít ai dám bước chân vào.
Hồi năm 2014, trong đợt kiểm tra đánh giá cơ sở vật chất các CLB chuyên nghiệp chuẩn bị cho mùa giải mới, BTC Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã phải yêu cầu CLB Ninh Bình xây mới hệ thống nhà vệ sinh ở các khán đài. Vào năm 2003, sân vận động Ninh Bình từng được nâng cấp để làm dự bị cho SEA Games 22 với sức chứa 22.000 chỗ ngồi. Đây cũng là một trong những sân bóng có quy mô lớn ở V-League. Tuy nhiên, nói đến việc đi vệ sinh ở sân Ninh Bình thì khán giả phải…nín thở.
Vấn đề có lẽ không phải tài chính. Dưới thời GĐĐH Trần Tiến Đại, đội bóng của ông bầu Hoàng Mạnh Trường được ví như trạm “trung chuyển” cầu thủ ở miền Bắc, với hàng loạt bản hợp đồng bạc tỷ. Số tiền Ninh Bình ném vào thị trường chuyển nhượng mỗi mùa giải có thể lên tới hàng chục tỉ đồng.
Khoản tiền sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh không đáng bao nhiêu so với những khoản chi này. Ninh Bình không phải ví dụ duy nhất. Như kể trên, nhiều đội bóng ở V-League cũng trong tình trạng nhà vệ sinh luôn bẩn thỉu, hôi hám đến độ khách đến một lần, ắt không nghĩ tới chuyện trở lại lần hai. Giữa trận lỡ có “nhu cầu”, đặc biệt CĐV nữ, thì tình thế thật
nan giải.
Tương tự, mặt sân bóng nhiều đội bóng ở V-League luôn trong tình trạng chất lượng thấp, ảnh hưởng xấu tới chất lượng chuyên môn trận đấu. Hồi năm 2015, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và cả VPF đã phải “đứng lên, ngồi xuống” vì mặt sân được ví ngang với “sới chọi trâu” của Hải Phòng. Giải qua được 4 vòng, VPF phải đánh công văn yêu cầu đội bóng phố Cảng gấp gấp cải thiện chất lượng mặt cỏ sân bóng cùng các điều kiện khác theo đúng quy định của AFC.
Theo một quan chức VPF, mặt sân là chuyện lớn bởi liên quan trực tiếp đến trận đấu bóng đá, nhưng những chuyện nhỏ như nhà vệ sinh lại phản ánh sinh động hơn tư duy chuyên nghiệp của các CLB bóng đá tại Việt Nam.
“Đội thắng, người ta có thể thưởng vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ, nhưng bỏ ra dăm chục triệu sửa nhà vệ sinh thì không làm. Vấn đề là các CLB không có ý thức, sửa nhà vệ sinh thì được việc gì. Người ta nghĩ đá bóng đơn giản là ra sân để đá, còn khán giả cũng chỉ tới xem trận bóng xong rồi về. Trong khi bóng đá chuyên nghiệp phải chuyên nghiệp từ cái nhỏ nhất mới có thể thu hút được CĐV tới sân”-vị này cho biết.
Chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội cũng thừa nhận quan điểm này khi chia sẻ về các thay đổi mới đây của đội bóng thủ đô, từ làm vệ sinh khán đài, tạo mới mặt cỏ sân bóng, sửa sang nhà vệ sinh tới “tân trang” sân vận động.
Theo ông Nguyễn Quốc Hội, sân vận động phải trở thành không gian văn hóa, giải trí phục vụ người hâm mộ, thay vì chỉ đơn thuần là nơi diễn ra các trận bóng đá. Bên cạnh đó, đội cũng tăng các hoạt động cộng đồng, nhằm xây dựng được lực lượng CĐV “ruột”, những người thực sự yêu mến đội bóng.
“Nếu chúng ta không thay đổi để bắt kịp sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp các nước, V-League sẽ bị tụt lại phía sau. Không có CĐV, bóng đá khó lòng phát triển được. Chúng tôi vừa qua cũng phải tranh cãi lên xuống trong nội bộ rồi mới đưa ra các kế hoạch mới nói trên. Dĩ nhiên lúc đầu sẽ có những việc chưa thực sự hoàn hảo, nên chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, ủng hộ”-ông Nguyễn Quốc Hội nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Hội, để cải tổ V-League thì thực sự phải bắt đầu tư tuy duy trong cách làm, và “chỉnh” từ những việc nhỏ nhất, như cái nhà vệ sinh.