Theo đánh giá của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, trong đó một phần xuất phát từ việc các bên chưa hiểu đúng, hiểu đủ về quan hệ pháp lý giữa các chứng từ và hợp đồng dịch vụ logistics, dẫn đến rủi ro, thiệt hại cho các bên.
Vậy, lưu ý nào cho các bên khi giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ logistics, nhất là liên quan đến trách nhiệm làm thủ tục hải quan, kiểm tra vận đơn, chứng từ…Những phân tích, lưu ý của Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt T rời M ới, T rọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (V IAC ) trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
PV: Trước tiên xin cảm ơn Luật sư Bùi Văn Thành đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa ông, ông có thể cho biết thông thường trong một hợp đồng ủy thác thủ tục hải quan, các công ty logistics sẽ nhận cung cấp dịch vụ gì cho khách hàng ạ?
Luật sư Bùi Văn Thành trả lời:
Ủy thác thủ tục hải quan là một trong những dịch vụ Logistics. Trong hợp đồng ủy thác thủ tục hải quan, bên cung cấp dịch vụ nhận thực hiện dịch vụ theo chỉ dẫn, ủy thác của khách hàng, thay mặt khách hàng thực hiện toàn bộ hoặc một phần các công việc liên quan đến thủ tục hải quan, như dịch vụ khai thuế hải quan trọn gói, dịch vụ khai báo hải quan xuất nhập khẩu hàng lẻ đóng ghép hoặc hàng nguyên, dịch vụ xin cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo các loại mẫu, dịch vụ vận chuyển hàng hoá, dịch vụ hải quan kiểm tra chuyên ngành, dịch vụ khử trùng hàng hoá xuất khẩu, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, xin giấy phép nhập khẩu cho những loại hàng phải cấp phép, kê khai và nộp thuế, lệ phí, chi phí thông quan thay cho đơn vị nhập khẩu, xuất khẩu…Bên cung cấp dịch vụ có thể nhận ủy thác thủ tục hải quan cho tất cả các loại hình thức xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, như kinh doanh đầu tư, gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, xuất nhập khẩu tại chỗ, tạm nhập tái xuất, thương mại...
PV: Vậy khi giao kết thực hiện hợp đồng ủy thác thủ tục hải quan, các công ty logistics cần phải lưu ý những vấn đề gì để có thể hạn chế được tranh chấp phát sinh thưa ông?
Luật sư Bùi Văn Thành trả lời:
Do đối tượng của loại hợp đồng này là bên cung cấp dịch vụ thực hiện dịch vụ theo chỉ dẫn của khách hàng, nên bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan cần hiểu rõ, chính xác, đầy đủ chỉ dẫn của khách hàng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì bên cung cấp dịch vụ có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng; Khi xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được một phần hoặc toàn bộ những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng để xin chỉ dẫn; Trường hợp không có thoả thuận về thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ với khách hàng thì phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn hợp lý. Hơn nữa, khi thực hiện dịch vụ, bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan phải tuân thủ các quy định của pháp luật và tập quán vận tải. Về quyền, bên cung cấp dịch vụ được hưởng thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác do khách hàng trả.
Cũng do đối tượng của loại dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan, trong đó có phần dịch vụ vận chuyển hàng hóa, nên bên cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây: a) Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền; b) Tổn thất phát sinh do bên cung cấp dịch vụ làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền; c) Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá; d) Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan có tổ chức dịch vụ vận chuyển hàng hoá; đ) Bên cung cấp dịch vụ không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày bên cung cấp dịch vụ giao hàng cho người nhận; e) Sau khi bị khiếu nại, bên cung cấp dịch vụ không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng. Bên cung cấp dịch vụ cũng không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ sai địa điểm không do lỗi của mình.
Về giới hạn trách nhiệm, toàn bộ trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan không vượt quá giới hạn trách nhiệm đối với tổn thất toàn bộ hàng hoá. Nhưng không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu người có quyền và lợi ích liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm là do bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan cố ý hành động hoặc không hành động để gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ hoặc đã hành động hoặc không hành động một cách mạo hiểm và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn xảy ra.
Về quyền cầm giữ và định đoạt hàng hoá, bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan có quyền cầm giữ một số lượng hàng hoá nhất định và các chứng từ liên quan đến số lượng hàng hoá đó để đòi tiền nợ đã đến hạn của khách hàng nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho khách hàng. Sau thời hạn bốn mươi lăm ngày kể từ ngày thông báo cầm giữ hàng hoá hoặc chứng từ liên quan đến hàng hoá, nếu khách hàng không trả tiền nợ thì bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan có quyền định đoạt hàng hoá hoặc chứng từ đó theo quy định của pháp luật; trong trường hợp hàng hoá có dấu hiệu bị hư hỏng thì bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan có quyền định đoạt hàng hoá ngay khi có bất kỳ khoản nợ đến hạn nào của khách hàng. Trước khi định đoạt hàng hoá, bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan phải thông báo ngay cho khách hàng biết về việc định đoạt hàng hoá đó. Mọi chi phí cầm giữ, định đoạt hàng hoá do khách hàng chịu. Bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan được sử dụng số tiền thu được từ việc định đoạt hàng hoá để thanh toán các khoản mà khách hàng nợ mình và các chi phí có liên quan; nếu số tiền thu được từ việc định đoạt vượt quá giá trị các khoản nợ thì số tiền vượt quá phải được trả lại cho khách hàng. Kể từ thời điểm đó, bên cung cấp dịch vụ ủy thác thủ tục hải quan không phải chịu trách nhiệm đối với hàng hoá hoặc chứng từ đã được định đoạt.
PV: Còn về phía doanh nghiệp thuê dịch vụ, họ sẽ cần lưu ý điều gì, thưa ông?
Luật sư Bùi Văn Thành trả lời:
Khách hàng có nghĩa vụ sau: (1) Cung cấp đầy đủ chỉ dẫn cho bên cung cấp dịch vụ; (2) Thông tin chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời về hàng hoá, đóng gói, ghi ký mã hiệu hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá, trừ trường hợp có thỏa thuận để bên cung cấp dịch vụ đảm nhận công việc này; (3) Bồi thường thiệt hại, trả các chi phí hợp lý phát sinh cho bên cung cấp dịch vụ nếu bên đó đã thực hiện đúng chỉ dẫn của mình hoặc trong trường hợp do lỗi của mình gây ra; (4) Thanh toán cho bên cung cấp dịch vụ mọi khoản tiền đã đến hạn thanh toán.
Khách hàng cũng cần lưu ý hiểu rõ các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, quy định pháp luật về giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, về quyền cầm giữ và định đoạt hàng hoá thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.
Xin cảm ơn Ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!