Ủy thác đầu tư chứng khoán – Lưu ý nào cho các bên

0:00 / 0:00
0:00
Uỷ thác đầu tư chứng khoán mang lại lợi nhuận an toàn, ổn định và tăng trưởng cho bên ủy thác đầu tư, bởi nguồn vốn được quản lý bởi những nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. 

Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn một số rủi ro đối với bên ủy thác đầu tư, nhất là khi bên ủy thác không trực tiếp kiểm soát được nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp và cho bên nhận ủy thác. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với LS Nguyễn Tiến Lập – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự.

Xin chào LS Nguyễn Tiến Lập!

PV: Thưa Ông, từ thực tiễn nghiên cứu, Ông đánh giá như thế nào về thực trạng hoạt động ủy thác đầu tư chứng khoán trên thị trường hiện nay?

Tôi không có các số liệu thống kê và thông tin cụ thể nên khó có thể đưa ra các đánh giá toàn cảnh. Tuy nhiên, ít nhất tôi biết rằng thị trường chứng khoán trong thời gian 10 năm trở lại đây và nhất là khoảng 5 năm vừa qua đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Về phương diện chính sách vĩ mô, Nhà nước coi đó là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, nhất là khi việc cấp tín dụng, quản trị rủi ro và nợ xấu của các ngân hàng thương mại bị siết chặt. Bởi có sự khuyến khích và tạo điều kiện từ góc độ chính sách và pháp luật, các bên có chức năng nhận uỷ thác đầu tư đã tăng cường quảng bá dịch vụ này, đặc biệt là các công ty chứng khoán và công ty tài chính và quỹ đầu tư.

Từ đó, như tôi biết có hàng triệu các nhà đầu tư nhỏ lẻ, là người dân bình thường đã chuyển các khoản tiền nhàn rỗi hay tiết kiệm của mình cho các công ty nói trên để đầu tư chứng khoán thông qua các hợp đồng uỷ thác đầu tư. Câu hỏi là tại sao họ làm như vậy mà không trực tiếp tự đầu tư hay gửi tiết kiệm vào ngân hàng, mặc dù lãi suất tiền gửi tương đối cao? Rất đơn giản bởi lãi suất kỳ vọng mà không phải cam kết pháp lý của bên nhận uỷ thác rất cao, từ 10 đến thậm chí 30% năm hoặc hơn nữa, ở mức mà có lẽ không có kinh doanh thông thường nào đạt được.

Với sự hấp dẫn của lợi nhuận cao và sự tín nhiệm của người dân đối với các công ty, doanh nghiệp có chức năng được Nhà nước công nhận, thị trường đầu tư qua uỷ thác đã tăng trưởng rất nhanh chóng, mang lại các lợi ích lớn cho các doanh nghiệp ghi danh trên sàn chứng khoán cũng như các chủ sở hữu, nhà đầu tư cổ phiếu.

Tuy nhiên, tất cả hào quang đó chỉ là sự tăng trưởng kinh doanh dựa trên trạng thái tâm lý hưng phấn nhất thời của con người mà không xuất phát từ năng lực và điều kiện thực tế của nền kinh tế. Do đó, nó chứa đựng nhiều rủi ro.

Ủy thác đầu tư chứng khoán – Lưu ý nào cho các bên ảnh 1

PV: Như ông vừa chia sẻ, hoạt động ủy thác đầu tư này cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Vậy, rủi ro đó là gì, Ông có thể giúp chúng tôi làm rõ?

Trước hết là rủi ro về kinh tế. Lãi suất đầu tư được chào mời trong các giao dịch uỷ thác quá cao như vậy là phi thực tế, bởi đã là đầu tư thì việc sinh lời phải đến từ cái gốc là kết quả kinh doanh. Kết quả kinh doanh còn phải trừ đi hàng loạt chi phí, bao gồm cả tiền hoa hồng cho bên nhận uỷ thác. Vậy thì các khoản lời thật trả cho nhà đầu tư sẽ còn lại bao nhiêu, chưa nói tới thiệt hại từ các thương vụ lỗ hay không sinh lời. Cho nên, đối với một thị trường mang nặng tính đầu cơ như vậy, việc thất bại tức không thu hồi được vốn mà chưa nói tới lãi suất đầu tư hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí tôi biết nhiều trường hợp, vốn đầu tư đã không được sử dụng để đầu tư chứng khoán như cam kết mà để trang trải sự thiếu hụt vốn lưu động của chúng doanh nghiệp nhận uỷ thác.

Còn rủi ro về pháp lý cũng không kém phần quan trọng. Thứ nhất, đó là sự nhầm lẫn giữa lãi suất kỳ vọng và lãi suất cam kết. Các hợp đồng sẽ được soạn để về thực chất bên nhận uỷ thác không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu đầu tư không sinh lời hay sinh lời dưới mức thoả thuận. Thứ hai, nhà đầu tư hầu như không có quyền gì để kiểm soát các quá trình sử dụng vốn và đầu tư trên thực tế của bên nhận uỷ thác. Và thứ ba, trong trường hợp mục đích uỷ thác đầu tư không đạt được hay thậm chí thua lỗ, mất vốn, nhà đầu tư có rất ít cơ hội để khởi kiện bên nhận uỷ thác bởi nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”, hay chính doanh nghiệp đầu tư uỷ thác cũng mất luôn khả năng thanh toán.

Chúng tôi là các chuyên gia và luật sư gọi đó là các “giao dịch niềm tin” hơn là giao dịch pháp lý bởi tính bảo đảm bằng luật pháp của nó khá thấp.

Ủy thác đầu tư chứng khoán – Lưu ý nào cho các bên ảnh 2

PV: Có thể nói, sự chưa hoàn thiện về khung pháp lý cụ thể điều chỉnh hoạt động uỷ thác đầu tư chứng khoán cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư đối diện với không ít rủi ro. Vậy, Ông có đề xuất, kiến nghị gì trong việc hoàn thiện khung pháp lý về ủy thác đầu tư chứng khoán, thưa Ông?

Cần phải hiểu rằng uỷ thác đầu tư chứng khoán là một bộ phận của thị trường tài chính. Thị trường này muốn hoạt động lành mạnh và ổn định phải dựa trên hai trụ cột về pháp luật, đó là quyền thoả thuận, hợp đồng của các bên và sự giám sát của các định chế thị trường và Cơ quan chức năng của nhà nước. Tôi e rằng chúng ta mới có được vế thứ nhất, đó là pháp luật về hợp đồng trên cơ sở Bộ Luật dân sự và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên ở vế thứ hai, có thể nói còn khá nhiều thiếu sót và tồn tại, ít nhất là so sánh với thị trường tài chính chuyên nghiệp của các nước. Chẳng hạn, vẫn chưa có một cơ quan giám sát thị trường tài chính tập trung và thống nhất ở cấp trung ương. Chưa có các định chế đánh giá doanh nghiệp và xếp hạng tín nhiệm. Chưa có kỷ luật, kỷ cương về công bố và minh bạch thông tin về doanh nghiệp và thị trường, về báo cáo tài chính và kiểm toán độc lập. Cuối cùng là chưa có các thiết chế và dịch vụ tư vấn đầu tư chuyên nghiệp. Tất cả các yếu tố này chính là cơ sở hạ tầng thiết yếu của thị trường tài chính. Nó giúp phòng ngừa rủi ro, theo dõi giám sát, tư vấn giải pháp từ các khâu ban đầu cho đến chia sẻ rủi ro và trách nhiệm khi các giao dịch uỷ thác đầu tư đổ bể.

PV: Và từ thực tiễn hoạt động thị trường chứng khoán thời gian qua, Ông có lưu ý nào cho các nhà đầu tư, nhất là đầu tư thông qua ủy thác đầu tư, thưa Ông?

Trên tất các các biện pháp khắc phục tạm thời và nhất thời để hạn chế thiệt hại và củng cố thị trường tài chính, tôi kiến nghị Nhà nước cần ban hành một đạo luật về giám sát thị trường tài chính cùng với sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khác hiện hành để hoàn thiện cái trụ cột thứ hai của thị trường này còn khiếm khuyết.

Xin cảm ơn Ông!

Tháng 12/2022

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.