URC sẽ bồi thường vụ C2, Rồng Đỏ nhiễm chì như thế nào?

Số C2, Rồng Đỏ URC chưa thu hồi được là 38.800 thùng, mỗi thùng có 24 chai, tức là có 931.200 chai C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt mức đã đi vào cơ thể người tiêu dùng Việt Nam
Số C2, Rồng Đỏ URC chưa thu hồi được là 38.800 thùng, mỗi thùng có 24 chai, tức là có 931.200 chai C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt mức đã đi vào cơ thể người tiêu dùng Việt Nam
TPO - Đó là câu hỏi đang chờ lời giải sau cuộc họp của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) với Cty TNHH URC Việt Nam (URC) và một số cơ quan chức năng hôm 6/9 về việc URC bồi thường cho người tiêu dùng, liên quan đến 2 lô sản phẩm C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng bị Bộ Y tế thu hồi vào tháng 5.2016.

Cuộc họp này do Vinastas tổ chức và chủ trì với mục đích thống nhất phương án bồi thường. Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất về việc URC phải bồi thường cho người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng các sản phẩm C2 và Rồng Đỏ vượt ngưỡng chì. 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas đã đề xuất tiền bồi thường dựa trên số chai nước không thể thu hồi nhân với giá bán. Đây được là cho phương án có tính khả thi, tránh “các rào cản kỹ thuật” dẫn đến việc bồi thường chỉ là hình thức, nhất là việc đòi hỏi chứng cứ như hoá đơn mua hàng không thực tế.

Tuy nhiên, bồi thường bao nhiêu và xử lý bồi thường như thế nào thì các bên vẫn chưa đưa ra được đáp án. Trong khi đó, phía URC cũng chưa xác nhận được sẽ bồi thường theo phương án được đề xuất như thế nào mà thay vào đó, là cam kết sẽ có văn bản xác nhận gửi tới Vinastas vào hôm 12/9.

Trong khi chưa thống nhất được mức độ bồi thường thì cách giải quyết bồi thường cũng đang là một vấn đề khiến các bên liên quan bối rối.

Theo đó, ngoài bồi thường về mặt tài sản theo Vinastas đề xuất thì cũng có một số ý kiến cho rằng cần thiết phải bồi thường về tinh thần và sức khoẻ của người tiêu dùng đã sử dụng các sản phẩm nhiễm chì trên của URC. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng chứng minh bị tổn hại sức khỏe do nhiễm chì từ sản phẩm của URC là rất khó và cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật. Mặc dù vậy, người tiêu dùng được sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Theo ông Hùng, đại diện văn phòng luật sư phát biểu trong buổi làm việc cho rằng trong trường hợp các bên xác định có thiệt hại về tinh thần, nếu như không thỏa thuận được thì sẽ xác định theo mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và theo như Nghị định 66/2013/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở. (Căn cứ theo mức lương cơ sở hiện nay là 1,210,000 đồng thì giá trị bồi thường sẽ là 72,600,000 đồng).

Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng tiền bồi thường cũng là một vấn đề cần thảo luận. Trên cơ sở phương án bồi thường, khoản tài chính bồi thường dựa theo số lượng các sản phẩm C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì chưa thu hồi được (được hiểu là người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng nhân với giá bán sản phẩm của công ty. 

Ông Hùng đưa ra ý kiến rằng Vinastas sẽ thông báo đến các văn phòng hội địa phương để trợ giúp người dân làm các thủ tục khiếu nại để nhận bồi thường. Sau 3-6 tháng, nếu không còn khiếu nại của người tiêu dùng thì khoản tài chính bồi thường thiệt hại sẽ được sung công quỹ để Nhà nước chi dùng vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số bên liên quan tại cuộc họp cho rằng ý kiến này của ông Hùng là không hợp lý bởi nguồn tiền này không nằm trong số các nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Theo đại diện Bộ Tài chính, số tiền còn dư sẽ cho vào quỹ phúc lợi người tiêu dùng của công ty.

Như vậy, vấn đề URC phải bồi thường người tiêu dùng đã được thống nhất sau cuộc họp 6/9, nhưng bồi thường bao nhiêu, bồi thường như thế nào vẫn chưa được URC xác nhận và họ chỉ cam kết là có công văn trả lời vào ngày 12/9. Trong khi đó, việc quản lý và sử dụng số tiền được bồi thường cũng đang chờ các bên liên quan “hạ hồi phân giải”.

MỚI - NÓNG