Uống rượu bia nhiều, sau 24 giờ vẫn còn nồng độ cồn

Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông tại Hà Nội ảnh: Nguyễn Hoàn
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông tại Hà Nội ảnh: Nguyễn Hoàn
TP - Nồng độ cồn trong máu của mỗi người có thể khác nhau do một số nguyên nhân như tuổi tác, cân nặng, uống rượu khi đói, đang sử dụng các loại thuốc, nên thời gian chuyển hóa rượu cũng sẽ khác nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Hải, giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa HN) cho biết, rượu bia không phải là một chất dinh dưỡng nên sẽ không được lưu trữ trong cơ thể. Sau khi dung nạp vào cơ thể, thấm vào máu, các chất này sẽ được ưu tiên chuyển hóa trước. Cơ quan có chức năng chuyển hóa rượu, bia trong cơ thể là gan.

Rượu, bia được chuyển hóa thông qua hệ tiêu hóa rồi được hấp thụ tại tá tràng cùng đoạn hỗng tràng của ruột non. Sau khi xuống dạ dày, rượu, bia sẽ qua niêm mạc dạ dày để ngấm vào máu. Theo thống kê, khi rượu, bia xuống đến dạ dày, khoảng hơn 20% sẽ được hấp thụ tại đáy dạ dày, thấm vào máu. Sau khi uống, rượu, bia ảnh hưởng đến não, do tác động của rượu, bia với một chất là dopamine sẽ khiến người uống cảm thấy kích thích, hưng phấn.

Theo giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, rượu, bia được chuyển hóa với tốc độ không đổi, nhưng do nhiều yếu tố như cân nặng, thể trạng, tuổi tác, uống rượu vào thời điểm no/đói… mà có người chịu tác động của rượu, bia lâu hơn người khác dù cùng uống một lượng như nhau. Trung bình, mỗi giờ cơ thể loại bỏ 15 miligam cồn trong 100 ml máu.

Một người bình thường, có lá gan khỏe mạnh cũng sẽ xử lý rượu với tốc độ nhanh hơn. Tốc độ chuyển hóa rượu cũng phụ thuộc vào độ cồn có trong rượu. Ví dụ, khi uống uống 100 ml rượu trắng 37 độ cồn cần phải hơn 4 giờ để chuyển hóa. Trong khi uống một cốc bia 5 độ cồn thì thời gian chuyển hóa là hơn 2 giờ.

“Lượng rượu được chuyển hóa một phần sẽ giúp cơ thể tỉnh táo trở lại. Tuy nhiên, một vài cơ quan có thể tích tụ rượu rất lâu. Như khi xét nghiệm nước tiểu, người ta vẫn phát hiện chất rượu kể cả sau khi uống từ 12 - 36 giờ. Kiểm tra hơi thở có thể phát hiện rượu trong vòng 24 giờ. Rượu có thể ở lại trong tóc tối đa gần 3 tháng”, ông Hải nói thêm.

Theo ông Hải, có nhiều công thức để đo nồng độ cồn trong máu, nhưng cơ bản chỉ có thể dùng để tham khảo qua đó điều chỉnh lượng bia, rượu nạp vào cơ thể, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc. Để cơ thể chuyển hóa rượu, bia nhanh hơn người uống rượu bia có thể uống nhiều nước lọc, ăn hoa quả sau khi uống rượu, ăn no trước khi uống.

MỚI - NÓNG