Vào một ngày cuối tháng 5/1992, HLV Richard Moller Nielsen đang sửa sang lại căn bếp theo yêu cầu của bà vợ. Ông khá rảnh, sau khi ĐT Đan Mạch không được tham dự Euro 1992 và đứng trước nguy cơ thất nghiệp dài hạn.
Nielsen đã tạo nên một đội tuyển thiên về phòng thủ, bỏ qua phong cách và chỉ chú trọng kết quả. Mà kết quả thì, như đã thấy, không tốt cho lắm. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đan Mạch Hans Bjerg Pedersen thậm chí còn nói, “ngay cả bà tôi cũng có thể đạt được thành tích như Nielsen”.
Ở trận then chốt tại vòng loại, trong khi nhiệm vụ của Đan Mạch là phải đánh bại Nam Tư, Nielsen lại áp dụng chiến thuật phòng thủ quen thuộc để rồi thua với tỷ số 0-2. Những chiến thắng sau đó, bao gồm cả trận thắng 2-1 trước chính Nam Tư tại Belgrade cũng không đủ khỏa lấp cho trận thua ấy.
Giờ thì Nielsen ở nhà sửa bếp và tính chuyện chuyển sang buôn vải vóc, còn các cầu thủ lên đường đi nghỉ mát, nơi biển xanh cát trắng nắng vàng. Không ai quan tâm đến bóng đá. Euro lại càng không.
ĐT Đan Mạch trong khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử. |
Tất cả không biết được rằng, chỉ 1 tuần sau trận thắng ở Belgrade, cuộc nội chiến Nam Tư nổ ra. Tình hình ngày một tồi tệ hơn và khi Euro chuẩn bị khởi tranh, UEFA quyết định hành động. Nam Tư bị cấm tham gia giải đấu và Đan Mạch, đội nhì bảng, được chọn thay thế.
Bất chấp thành tích huấn luyện tệ như bà của Chủ tịch Pedersen, Liên đoàn bóng đá Đan Mạch đành để Nielsen tiếp tục dẫn đội đến Euro. Tất nhiên, Nielsen lập tức quăng búa và đinh, chạy tới bàn điện thoại gọi đi khắp nơi để gom quân.
Michael Laudrup, ngôi sao lớn nhất Đan Mạch thẳng thừng từ chối vì không muốn chơi theo tư duy phòng thủ của Nielsen. Nhưng người anh em Brian thì đồng ý. Vậy là đủ với Nielsen, người đã gọi được thủ môn Peter Schmeichel, hậu vệ Lars Olsen, các tiền vệ Henrik Larsen, Kim Vilfort cùng một vài cầu thủ khác nhận lệnh triệu tập chỉ vì họ vẫn loanh quanh ở Đan Mạch chứ chưa đi du lịch.
Đan Mạch có khoảng chục ngày để chuẩn bị cho giải đấu diễn ra ở Thụy Điển. Mọi thứ quá gấp. Nhà tài trợ Hummel cũng không thể xoay xở kịp để có được bộ trang phục dành riêng cho Euro. Vậy là các cầu thủ mặc tạm quần áo của đội U21 trước khi trang phục chính được may xong. Đó là lý do ở trận đầu tiên gặp Anh, Đan Mạch ra sân với bộ quần áo chật ních.
Ngay cả khi giành chiến thắng, các cầu thủ Đan Mạch vẫn không tin vào những điều đang diễn ra. |
Các cầu thủ không phàn nàn gì về chuyện đó. Dù sao thì bỗng nhiên có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu cũng đủ vui rồi. Ngày đầu tập trung, HLV Nielsen tuyên bố tới Thụy Điển để vô địch. Chỉ có kẻ điên mới nghĩ ông ta nghiêm túc. Thế là các cầu thủ có trận cười vỡ bụng.
Nên nhớ rằng Đan Mạch rơi vào bảng tử thần với Pháp, Anh và chủ nhà Thụy Điển. Tiền vệ Vilfort nói: “Chúng tôi ra sân mà chẳng có gì căng thẳng, bởi nếu thua 0-5 trong cả 3 trận cũng chẳng vấn đề gì”.
Đội quân của Nielsen đã uống bia thả cửa trước khi bước vào trận mở màn, và hòa 0-0 với Anh thực sự là một thành công ngoài dự đoán. Trận kế tiếp, họ thua chủ nhà Thụy Điển 0-1. Trước trận cuối với Pháp, tất cả đã sẵn sàng tâm lý về nước. Tiền vệ Vilfort còn bay về Copenhagen trước, để ở bên cô con gái 7 tuổi đang nằm viện vì bệnh bạch cầu. Nielsen cùng các học trò ở Thụy Điển thì kéo nhau tới sân golf giải trí.
Tuy nhiên chính tâm lý thoải mái ấy, cộng thêm sự kiêu ngạo của Pháp, những người đã nói với họ trong đường hầm rằng xin hãy nhẹ chân, bởi bọn tôi còn đá trận bán kết, đã tạo ra kỳ tích. Bằng cách nào đó, Đan Mạch đã quật ngã tuyển Pháp toàn các hảo thủ như Eric Cantona, Jean-Pierre Papin, Didier Deschamps, Laurent Blanc và được dẫn dắt bởi Michel Platini huyền thoại.
Thủ môn Peter Schmeichel và hậu vệ Kim Christofte, hai trong số những người hùng của Đan Mạch. |
Đội bóng không có đội hình tốt nhất, không có sự chuẩn bị nên đương nhiên không ở tình trạng thể lực tốt nhất, lại nghèo nàn thành tích trong quá khứ nay lại lọt vào bán kết, đây thực sự là cú sốc khó tin.
Nhưng chính lúc này, những người tạo ra câu chuyện khó tin, tức Đan Mạch, lại trở nên tham lam, đã có một lại muốn thêm hai. Thầy trò Nielsen hạ quyết tâm sẽ vào chung kết. Và để củng cố quyết tâm ấy, cả thầy lẫn trò kéo nhau tới Burger King, ăn thả cửa burger cùng khoai tây chiên. Trong số đó có cả Vilfort, người được gia đình khuyên trở lại đội để không bỏ lỡ thời khắc lịch sử.
Trước đối thủ Hà Lan, nhà đương kim vô địch châu Âu, Vilfort đã chơi trận đấu mà anh mô tả là "hay nhất sự nghiệp". Nhưng không phải một mình Vilfort, cả đội Đan Mạch đã có màn trình diễn phi thường. Họ 2 lần vượt lên dẫn trước nhờ cú đúp của Henrik Larsen. Dĩ nhiên các ngôi sao thượng thặng Van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard, Dennis Bergkamp và Ronald Koeman không để cho Đan Mạch tự tung tự tác. Họ 2 lần gỡ hòa, đưa trận đấu vào hiệp phụ.
Đan Mạch sống sót qua 30 phút khó khăn đó và ở loạt luân lưu, vận may đứng về phía họ. Van Basten là cầu thủ duy nhất thất bại trước sự xuất sắc của thủ môn Schmeichel trong khi 5 cầu thủ Đan Mạch đều sút thành công.
Khoảnh khắc Kim Vilfort ghi bàn vào lưới tuyển Đức mang về chức vô địch cho Đan Mạch. |
Bây giờ, Đan Mạch sẽ đối đầu với nhà đương kim vô địch thế giới Đức ở trận chung kết. Đó là thử thách siêu khó. Cả thế giới đều tin Đức sẽ thắng. Tiền vệ Steffan Effenberg của Đức còn gọi cho Brian Laudrup, nhắc rằng vào cuối trận, đừng vì nỗi buồn thất bại mà quên màn đổi áo.
Nhưng những người Đan Mạch lại rất tự tin. Theo Brian, “một khi đã đánh bại Pháp và Hà Lan, chúng tôi còn sợ gì ai nữa?”. Vậy nên không có gì phải căng thẳng cả. Đêm trước trận chung kết, Nielsen thậm chí còn thực hiện quyết định điên rồ: ông cho phép các học trò đưa vợ hoặc người yêu vào khách sạn mây mưa thỏa thích.
Vilfort, như thường lệ, lại vắng mặt bởi đã bắt xe về nước và trông con trong viện. Bệnh tình của con gái anh ngày càng trầm trọng. Vilfort đã định không quay lại cùng đội nữa, song cô con gái một mực khuyên anh tham dự trận chung kết. Tiền vệ cao lớn này gạt nước mắt, trở về Thụy Điển bên các đồng đội với trái tim tan nát.
Chính sự đau khổ này đã trở thành động lực, khiến Vilfort ghi bàn vào lưới Đức sau pha xử lý điệu nghệ, vượt qua 2 hậu vệ trước khi dứt điểm vào góc gần. Riêng John Jensen, cầu thủ ghi bàn mở tỷ số, thì không hiểu đã lấy động lực từ đâu.
Cầu thủ này chơi mờ nhạt suốt cả giải, lại thêm kỹ năng dứt điểm cực tồi, đến mức Brian nói rằng “cậu ấy chẳng bao giờ sút trúng đích và nếu có vung chân, bọn tôi biết là không nên hy vọng gì”. Ấy vậy mà phút 18, đột nhiên Jensen lại có một cú sút thần sầu khiến trái bóng lao đi như quả đạn pháo, găm thẳng vào mành lưới tuyển Đức.
Những cầu thủ bị đánh giá thấp đứng trên bục vinh quang, trở thành nhà vô địch Euro 1992. |
Nước Đức chấn động. Còn thế giới thì choáng váng. Đan Mạch, vị khách bất đắc dĩ của Euro 1992 đã nâng đi trước Cúp ngay trước mắt các đội bóng hùng mạnh, làm nên câu chuyện cổ tích kỳ vỹ bậc nhất lịch sử bóng đá. Slogan của giải đấu là “Vẻ đẹp đến từ những thứ bé nhỏ” giống như một lời tiên tri, khi David đã quật ngã gã khổng lồ Goliath, mang về chiến thắng cho đất nước Đan Mạch mà tổng dân số còn ít hơn số cầu thủ chuyên nghiệp đang chơi ở Đức.
Đây cũng là minh chứng cho việc, bất kỳ đội bóng nhỏ yếu nào cũng có khả năng làm nên điều kỳ diệu. Chỉ cần họ chăm chỉ, đoàn kết và có niềm tin. Như Vilfort nói, “chúng tôi không có những cầu thủ giỏi nhất, nhưng chúng tôi có một đội tốt nhất”.
Rồi các nhà vô địch trở về với tư cách người hùng dân tộc, nhận những lời tung hô, sau đó tiếp tục những dự định dang dở. Các cầu thủ tìm tới biển xanh cát trắng nắng vàng còn HLV Nielsen lấy búa và đinh, sửa sang căn bếp theo đúng ý bà vợ. Tất nhiên, trong đầu họ có thêm ký ức hào hùng trên đất Thụy Điển. Thật là một mùa hè không thể nào quên.
EURO 1992
Chủ nhà: Thụy Điển
Vô địch: Đan Mạch
Á quân: Đức
Vua phá lưới: Henrik Larsen (Đan Mạch), Karl-Heinz Riedle (Đức), Dennis Bergkamp (Hà Lan), Tomas Brolin (Thụy Điển) - 3 bàn
Số đội tham dự: 8
Số trận thi đấu: 15
Bàn thắng: 32 (2,13 bàn/trận)