Đây là khẳng định của ông Đỗ Tiến Lợi, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC - Công ty TNHH MTV (UDIC) bên lề buổi Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500), Top 10 & Top 5 Công ty Bất động sản - Xây dựng - Vật liệu xây dựng năm 2024 do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức chiều 24/04/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia - TP. Hà Nội.
Theo ông Lợi, cùng với đó là sự bất ổn chính trị, lạm phát trên thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và đầu tư suy yếu do các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và những thay đổi về chính sách thương mại của các đối tác nước ngoài… đã khiến nhu cầu thị trường biến động, bất ổn kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng và khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân sự là những “tảng đá” lớn khác cản trở doanh nghiệp trên lộ trình tăng trưởng…
Tuy nhiên, với tầm nhìn và chiến lược kinh doanh trong suốt 53 năm qua, UDIC đã tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao nội lực, biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh đã đề ra.
Theo đó, kết quả sản xuất kinh doanh của UDIC năm 2023 tiếp tục đạt được những con số ấn tượng. Cụ thể, giá trị sản lượng 5.005,35 tỷ đồng, đạt 100,39% kế hoạch, tăng 1,22% so với thực hiện năm 2022; Doanh thu 6.702,43 tỷ đồng, đạt 101,09% kế hoạch, bằng 80,48% so với thực hiện năm 2022; Lợi nhuận thực hiện: 1.142,00 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước: 384,00 tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn nhưng UDIC vẫn duy trì thu nhập bình quân của người lao động hơn 9 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý, thương hiệu UDIC được đông đảo khách hàng, đối tác biết đến qua nhiều dự án, công trình trải dài khắp cả nước, tiêu biểu như dự án: Dự án UDIC WESTLAKE - Khu đô thị Nam Thăng Long; Xây dựng Trung tâm ung bướu và trung tâm tim mạch trẻ em - Bệnh viện Bạch Mai; Trụ sở liên cơ số 3 tỉnh Quảng Ninh; Toà nhà C7 - Đại học Bách khoa; Trụ sở làm việc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước; Trụ sở Vietcombank Thái Bình; Học viện chính sách và phát triển; Xây dựng lại nhà B Công an thành phố Hà Nội, Nhà ở xã hội Tân Đại Minh 2 - Quy Nhơn, Bình Định; Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (Nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ); Đầu tư kinh doanh HTKT cụm công nghiệp CN3….
“UDIC rất tự hào được Vietnam Report lần thứ 6 ghi nhận và vinh danh những thành tích xuất sắc cũng như nỗ lực không ngừng của Ban lãnh đạo và CBCNV người lao động UDIC trong suốt thời gian đầy biến động vừa qua. Sự ghi nhận này cũng là động lực để UDIC tiếp tục phấn đấu trong giai đoạn phát triển tới đây” ông Lợi hồ hởi nói.
Là thương hiệu có uy tín, được đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản trên cả nước, ông Lợi dự báo, năm 2024 việc nguồn nhiên vật liệu tăng cao, chi phí xây dựng tiếp tục leo thang; nền kinh tế toàn cầu bao gồm thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi một số bất ổn chính trị trên thế giới cùng lạm phát tăng cao trên toàn cầu và khó đoán định…sẽ khiến các chủ đầu tư đối mặt không ít khó khăn liên quan đến việc huy động nguồn lực, thu xếp nguồn vốn để phát triển dự án trong và ngoài nước.
Theo đó, ngành xây dựng - bất động sản rơi vào khủng hoảng và suy thoái, nhiều doanh nghiệp xây dựng chìm trong khó khăn, nguồn việc thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình cảnh lao đao và luôn trong trạng thái “đói việc”.
Trong điều kiện sản xuất - kinh doanh vô cùng khó khăn, với sự đoàn kết của tập thể ban lãnh đạo cùng toàn thể CBCNV người lao động Tổng công ty UDIC tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao nội lực, biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo nộp ngân sách đúng, đầy đủ; nâng cao thu nhập, phúc lợi của người lao động.
“Cùng với đó, UDIC sẽ tiếp tục phát động phong trào đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ, tiết giảm chi phí, tái cơ cấu…hoàn thành mục tiêu, chiến lược kinh doanh năm 2024, khẳng định vị thế thương hiệu tiêu biểu hàng đầu cả nước trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, thi công xây lắp, với triết lý kinh doanh: “UDIC hạ tầng nâng tầm cuộc sống” ông Lợi quả quyết.
Đồng quan điểm trên, đại diện đơn vị tổ chức cho biết: Đây là năm thứ 14 liên tiếp danh sách FAST500 được công bố nhằm tìm kiếm, ghi nhận và vinh danh những doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam - những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng doanh thu kép, và có trách nhiệm với xã hội.
Trước sự càn quét của “những cơn gió ngược”, thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam có phần ảm đạm trước sự suy yếu của tổng cầu ở cả trong nước lẫn thế giới. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có tới 51,7% số doanh nghiệp FAST500 cho biết không hoàn thành kế hoạch doanh thu, trong khi 46,7% số doanh nghiệp không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023. Ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch ở hai chỉ tiêu đều thấp hơn giai đoạn 2021-2022. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.
Trong khi đó, trải qua năm 2023 nhiều thăng trầm, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường Bất động sản - Xây dựng - Vật liệu xây đang dần khởi sắc. Khảo sát doanh nghiệp Bất động sản của Vietnam Report cho thấy, năm vừa qua, ba động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh là: Uy tín, thương hiệu của công ty trên thị trường (83,3%); Đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao (63,9%); Rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả (63,9%). Triển vọng tăng trưởng ở mỗi phân khúc cũng có sự phân hoá: các phân khúc phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, nhu cầu ở thực, phù hợp với điều kiện tài chính của người dân sẽ phục hồi trước; các phân khúc nhà ở, chung cư cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi chậm hơn. Đối với ngành Xây dựng, sự phân hóa về tâm lý lạc quan đối với các phân khúc tiếp tục được duy trì trong năm nay với thứ tự lần lượt là: (1) Xây dựng hạ tầng, (2) Xây dựng công nghiệp, (3) Xây dựng năng lượng và tiện ích, (4) Xây dựng nhà ở, và (5) Xây dựng thương mại.
Tình hình khó có thể chuyển biến một sớm một chiều song năm 2024 được kỳ vọng là “vùng đệm” cho thị trường từng bước khôi phục niềm tin, các doanh nghiệp dần chinh phục các thách thức, những động lực dẫn dắt sự phục hồi rõ ràng hơn và các cơ hội được tái tạo, trong đó nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và khả năng thích ứng linh hoạt của bản thân các doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp, năm 2024, tăng trưởng kinh tế chủ yếu sẽ dựa vào “cỗ xe tứ mã”: Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; Kích cầu tiêu dùng thị trường trong nước; Tăng cường đầu tư công - thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước; Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.
“Trong khuôn khổ Lễ công bố, Vietnam Report nghiên cứu và xuất bản Báo cáo song ngữ Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Tái thiết năng lực cạnh tranh để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng”. Bên cạnh những đánh giá về triển vọng của nền kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp trong năm nay, Báo cáo cập nhật về các thách thức, động lực chi phối sức tăng trưởng và những ngành hàng triển vọng trong thời gian tới. Ngoài ra, Báo cáo cũng làm rõ các xu hướng và vai trò của các đòn bẩy khác nhau đến doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chiến lược phù hợp, tái khẳng định vị thế trên thị trường, cũng như chuyển mình bứt tốc, sẵn sàng tái thiết một quỹ đạo tăng trưởng mới” đại diện Ban tổ chức cho biết thêm.