Để chuẩn bị cho Giải bóng chuyền Vô địch U23 nam châu Á diễn ra tại Myanmar từ ngày 3 đến 11/8, đội tuyển bóng chuyền U23 nam Việt Nam với 17 VĐV và 3 HLV từ ngày 6/6 đã tập trung tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn. Trong khi đó, tuyển bóng chuyền U23 nữ Việt Nam sẽ là chủ nhà ở giải nữ châu Á diễn ra ngày từ 13 đến 21/7.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, đã hai tuần trôi qua, các đội tuyển bóng chuyền vẫn tập luyện trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, từ bóng tiêu chuẩn (bóng theo tiêu chuẩn Liên đoàn bóng chuyền châu Á và thế giới) và trang phục cơ bản như quần áo, giày, tất đến việc tập trong nhà thi đấu nóng bức không có điều hoà, quạt máy.
HLV Thái Quang Lai của đội tuyển bóng chuyền U23 nam chia sẻ với Tiền Phong: “Chúng tôi đã xin Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) và cả trung tâm Nhổn, nhưng mới được phát có 10 quả bóng tiêu chuẩn, không đủ cho đội tập luyện. Bóng bình thường thì mình có nhưng khi thi đấu, đâu có sử dụng được đâu. Trang phục tập luyện như quần áo, giày, tất cũng thiếu. Ngày hôm qua, đội có trận đấu tập với đội tuyển Singapore. Khi thi đấu, quần áo đẫm mồ hôi, các em muốn đổi áo nhưng cũng không có mà đổi.
Việc tập luyện trong nhà thi đấu nóng bức cũng ảnh hưởng tới hiệu quả. Thời tiết ở Hà Nội mấy ngày này nắng nóng, các em chỉ khởi động thôi mồ hôi đã vã ra như tắm. Lúc đó, các em đã mệt rồi, tập luyện không hiệu quả. Nhiều hôm các cơ quan truyền thông như Thể thao TV, VTC xuống làm việc, các bạn đứng không thôi mồ hôi cũng ướt hết người”.
Bên cạnh điều kiện tập luyện khó khăn, các đội tuyển bóng chuyền còn thiếu đội ngũ bác sỹ y tế, các VĐV cũng không được cung cấp thuốc bổ trợ, thực phẩm chức năng. Thầy trò tự tập và tự chăm sóc nhau những lúc bị đau hay xây xát nhẹ. Với cường độ tập luyện cao, cộng thêm cái nóng bức của mùa hè, các cầu thủ rất nhanh mất sức và dễ gặp chấn thương, nhưng lại không có được sự chăm sóc y tế tốt nhất.
“Khó khăn thì có nhiều nhưng thầy trò phải cố gắng khắc phục thôi. Có muốn cũng không được vì cơ sở vật chất của trung tâm Nhổn chỉ có vậy. Chỉ mong liên đoàn và ngành thể thao quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các em đạt hiệu quả cao trong tập luyện. Đây là lần đầu tiên tôi được lên dẫn dắt đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia, nhận thấy trang thiết bị tập luyện ở đây còn kém so với ở các CLB. Nhìn các em bây giờ rất xót, rất tội nghiệp”, HLV Thái Quang Lai nói.
Bóng chuyền là môn thể thao có tiềm năng của Việt Nam và lâu nay vẫn có tiềm lực mạnh, nhận được sự quan tâm và theo dõi của người hâm mộ, chỉ sau bóng đá. Các đội tuyển bóng chuyền U23 Việt Nam hiện nay cũng là nòng cốt cho SEA Games 31 năm 2021 được tổ chức tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Mới đây, tuyển bóng chuyền U23 nam cũng đã đề xuất được tập huấn ở Ninh Bình, chỉ xin hỗ trợ kinh phí chỗ ở, nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp từ VFV.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời Tiền Phong, ông Lê Trí Trường- Tổng thư ký VFV cho biết: “Tất cả các chế độ tập huấn của các đội tuyển bóng chuyền đều theo kế hoạch của Tổng cục TDTT, theo quy chế của Nhà nước. Ở góc độ Liên đoàn, chúng tôi hỗ trợ được cho đội tuyển vấn đề gì, thì sẽ nỗ lực hết sức”.
Ông Lê Trí Trường lý giải chi tiết, bóng tiêu chuẩn theo chế độ của Tổng cục và hiện tại chưa có đủ nên Liên đoàn mới chuyển tạm xuống 10 quả cho VĐV tập trước. Trang phục do Liên đoàn hỗ trợ cho các VĐV và bên trung tâm Nhổn chịu trách nhiệm cung cấp. Khi có danh sách các VĐV tập trung (tên tuổi, số áo, số giày) thì mới may trang phục, nên có thể chậm trễ. Ban huấn luyện có thể liên hệ trực tiếp với trung tâm để làm rõ vấn đề này.
Bóng chuyền là môn thể thao có tiềm năng của Việt Nam và lâu nay vẫn có tiềm lực mạnh, nhận được sự quan tâm và theo dõi của người hâm mộ, chỉ sau bóng đá. Các đội tuyển bóng chuyền U23 Việt Nam hiện nay cũng là nòng cốt cho SEA Games 31 năm 2021 được tổ chức tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Mới đây, tuyển bóng chuyền U23 nam cũng đã đề xuất được tập huấn ở Ninh Bình, chỉ xin hỗ trợ kinh phí chỗ ở, nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp từ VFV.