U23 Việt Nam: Không thủ lĩnh
> U23 Việt Nam có run rẩy khi gặp Lào?
> U23 Việt Nam thua vì học… Bayern Munich
> U23 Việt Nam 'tự bắn chân mình'
Trong những tình huống khó, người thủ lĩnh chính là người đủ sức đốc thúc phần còn lại thi đấu máu lửa hơn. Tiếc rằng U23 Việt Nam hiện nay lại quá thiếu cầu thủ dạng này.
Thiếu thủ lĩnh trên sân
Cựu danh thủ Trần Công Minh khi xem trận U23 Việt Nam đá với Singapore đã cảm thán thốt lên: “Trong những phút cuối cùng, khi đã bị dẫn trước và đối diện với nguy cơ thất bại, tôi vẫn không thấy được cả đội nỗ lực đồng bộ, theo kiểu đá một mất một còn”.
U23 Việt Nam hiện nay thiếu thủ lĩnh về mặt tinh thần. |
Đúng là ở đội U23 Việt Nam hiện nay, thiếu hẳn dạng cầu thủ đủ sức đốc thúc các đồng đội lao lên phía trước, một người đủ sức truyền lửa cho những người bên cạnh trong những thời điểm khó khăn.
Văn Quyết được kỳ vọng sẽ trở thành nhân vật như thế, nhưng đáng tiếc là sau 2 trận đầu tiên, cầu thủ của Hà Nội T&T chưa đạt phong độ cao, thậm chí bị thay ra giữa chừng trong trận đấu với Singapore.
Trần Mạnh Dũng cũng vậy, dù là cầu thủ kỳ cựu nhiều năm chơi bóng ở V-League, nhưng Mạnh Dũng chưa cho thấy chất lượng chuyên môn hơn các cầu thủ còn lại, cũng chưa chứng tỏ được vai trò là đầu tàu cho đội bóng.
Đây là thực tế khác xa so với thời chúng ta còn Huỳnh Đức hay Minh Phương của những năm trước. Với những cầu thủ vừa nêu, chỉ cần họ hiện diện trên sân là các đồng đội dường như vững tin hơn trên sân cỏ.
Ngay cả thời điểm Huỳnh Đức hoặc Minh Phương đá không hay, thì ảnh hưởng tinh thần của họ lên cả đội vẫn rất lớn. Bản thân những cầu thủ ấy luôn là những người nỗ lực nhất trong từng trận đấu, nên những người bên cạnh cũng nhìn vào đấy mà nỗ lực theo.
U23 Việt Nam hiện nay tồn tại tình trạng là đội không thiếu những cầu thủ sẵn sàng đá băm bổ, lao thẳng vài đối phương một cách không cần thiết, không thiếu những cầu thủ mạnh mẽ về mặt cơ bắp, nhưng lại không có nhiều cầu thủ mạnh mẽ về mặt ý chí.
Thiếu thủ lĩnh trong khu kỹ thuật
Điều này thoạt nghe có vẻ lạ, vì vai trò thủ lĩnh trong khu kỹ thuật chính là HLV. Nhưng kỳ thực là HLV Hoàng Văn Phúc trong thời gian vừa qua cũng chưa thể hiện được vai trò này.
Ông Phúc còn tại vị cho đến giờ phần lớn là nhờ vào việc các cầu thủ ủng hộ ông, sau quyết định tạm đình chỉ công tác mà VFF từng ban ra ở giải bóng đá quốc tế tại Bình Dương hơn 1 tháng trước.
Chẳng biết có phải vì thế không mà không hề thấy ông Phúc hò hét, đốc thúc các cầu thủ trong những trận đấu đã qua của U23 Việt Nam, nhưng kiểu Calisto thường làm trước đó. Không biết có phải vì thế không mà ông Phúc tỏ ra ngại các học trò, thực hiện các quyết định thay người quá chậm trễ, trong thời điểm lẽ ra người ta cần các quyết định tức thời và táo bạo của ông.
Dĩ nhiên, mỗi HLV có một phong cách truyền đạt thông điệp chiến thắng cho các học trò một cách khác nhau, có người cực kỳ sôi nổi như Mourinho, Alex Ferguson, cũng có mẫu HLV nỗi tiếng điềm tỉnh như Lippi, Ancelotti… Nhưng kiểu nào thì họ cũng phải truyền được niềm tin cho các cầu thủ của họ ở trong sân, phải tạo ra những điều chỉnh tức thời ngay ở thời điểm cần điều chỉnh nhất.
Chỉ có điều là HLV Hoàng Văn Phúc chưa thể hiện được điều này. Hầu như không thấy dấu ấn chiến thuật của ông thông qua trận đấu với U23 Singapore, cũng không thấy ông Phúc có những quyết định táo bạo, tạo ra bước ngoặt của trận đấu.
Những quân bài mà HLV Hoàng Văn Phúc có trong tay, hầu như ông đã sử dụng qua 2 trận đấu đầu tiên của U23 Việt Nam. Vị HLV này cũng không còn “quân khí bí mật” trong tay áo, khi toàn bộ bài bản cũng như con người mà ông đã bị đối phương nhận diện.
Đấy là điều đáng lo cho U23 Việt Nam, một khi chúng ta vẫn còn những trận đấu đầy khó khăn ở trước mắt. Trong những hoàn cảnh khó khăn như thế này, chúng ta cần mẫu HLV cứng rắn, dám mạo hiểm và dám thay đổi (vì đằng nào phương án cũ cũng đã không phát huy tác dụng). Chẳng biết HLV Hoàng Văn Phúc có dám thay đổi và có sự thay đổi nào mang lại hiệu quả hay không?
Theo Kim Điền
Dân Trí