Giải U21 Quốc tế 2015 tại TPHCM, trong trận bán kết 2, U19 Hàn Quốc vẫn chưa bộc lộ hết sức mạnh vốn có. Dù chủ động chơi chậm nhưng với lợi thế về thể hình cùng kĩ chiến thuật, U19 Hàn Quốc vẫn dễ dàng thắng U21 Singapore 3-0 để giành vé vào chung kết.
Đội U19 Hàn Quốc có nhiều cầu thủ trẻ rất chất lượng, được tổ chức bài bản cho chiến lược lâu dài, chuẩn bị cho VCK U20 Thế giới được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2017.
Nói về trận chung kết với U21 HAGL tối nay (29/11), HLV Ik Soo An cho rằng đội bóng của bầu Đức không chỉ có Công Phượng xuất sắc: “Gặp lại U21 HAGL ở chung kết là điều tuyệt vời. Đó là đội bóng rất mạnh, chơi rất sáng tạo ở hàng tiền vệ. Đó là tuyến mạnh nhất, là bộ não trong lối chơi tấn công của họ”.
Trở lại trận bán kết 1. Ở đó hệ thống phòng thủ và khâu kèm người của cả 2 đội đều rất sơ hở. Công Phượng của U21 HAGL có lẽ sẽ không có cơ hội ra chân nếu hậu vệ U21 báo Thanh Niên bắt người từ sớm. Sự hồn nhiên của các cầu thủ trẻ khiến trận đấu mang tính cống hiến hơn, chứ thật sự không hẳn hấp dẫn về chuyên môn.
HLV Nguyễn Quốc Tuấn thừa nhận không muốn gặp lại U19 Hàn Quốc ở chung kết, bởi cửa thắng không cao. Nếu không thay đổi và rút ra bài học trong lối chơi thì việc U21 HAGL trở thành cựu vương là điều có thể xảy ra.
Đúng vào thời điểm các cầu thủ U19 Hàn Quốc thắng U21 HAGL 1-0 trên sân Thống Nhất thì đoàn bóng đá Việt Nam cũng có mặt tại Hàn Quốc trong chuyến học hỏi bóng đá.
Xem U19 Hàn Quốc thi đấu ở giải U21 quốc tế, thấy lối đá của họ y chang ĐTQG Hàn Quốc. Khi lớn lên chút nữa, được bổ sung vào ĐTQG thì họ không có gì bỡ ngỡ. Trong khi đó, U21 Việt Nam có lối đá lung tung, mạnh ai nấy phát triển, thầy này lối đá này, thầy kia lại lối đá khác.
Ở chuyến khảo sát bóng đá Hàn Quốc vừa qua do VPF tổ chức, cách thức “trồng người” của bóng đá trẻ Hàn Quốc đã khiến nhiều vị lãnh đạo các CLB V-League thay đổi cách nghĩ về quá trình đào tạo trẻ. Theo đó, thay vì mỗi CLB tổ chức đào tạo trẻ theo những mô hình và tiêu chí khác nhau như ở Việt Nam thì các CLB Hàn Quốc chọn cách “chung tay” nghiên cứu, đánh giá những mặt yếu của cầu thủ Hàn Quốc để sau đó, vạch ra kế hoạch “trồng người” phù hợp.
Thực ra, 20 năm trước, hồi nhiệm kỳ II, bóng đá Việt Nam đã từng học Hàn Quốc rất kỹ, nhưng không thể áp dụng được gì vì hình thái xã hội khác nhau.
Bóng đá Việt Nam hết học Nhật Bản rồi học Hàn Quốc, trong lúc mỗi nền bóng đá có một đặc thù riêng. VPF trước đây từng tổ chức đoàn qua Nhật Bản học tập làm bóng đá chuyên nghiệp, rồi V-League cũng có trưởng giải người Nhật, ĐTQG cũng là HLV trưởng người Nhật. Nhưng đến giờ vẫn chưa thể áp dụng vào thực tế của bóng đá Việt là bao.
Đừng nói là khi HLV người Nhật Bản Toshiya Miura hết nhiệm kỳ, HLV trưởng của ĐTVN là người Hàn Quốc!
Xem U19 Hàn Quốc thi đấu cũng có nhiều điều để học. U19 Hàn Quốc dù kém hơn các đối thủ về tuổi đời nhưng lại trình diễn hình ảnh vượt trội về chuyên môn để thẳng tiến vào chung kết.