Dường như những tỷ phú không chỉ giàu có về tiền bạc mà họ đôi khi hơi “lập dị”. Có lẽ bởi vậy mà một nhà đầu tư thành công, từng khởi nghiệp ở Facebook hay PayPal, tỷ phú Peter Thiel dám đầu tư 1,25 triệu USD cho viện Seasteading, tổ chức đang chuẩn bị khởi công xây dựng một “quốc gia nhỏ” thả nổi trên vùng biển San Francisco.
Vương quốc nổi có chủ quyền mà ông Thiel mong muốn được xây dựng trên giàn khoan dầu trong một khu vực không bị ràng buộc những quy định, pháp luật và các công ước đạo đức. Với những ý nghĩa trên, “quốc gia nhỏ” của tỷ phú này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều mới lạ, độc đáo, gây sự chú ý lớn.
Tỷ phú Peter Thiel đã ấp ủ dự án này từ một vài năm trước, thời điểm ông đưa ra những ý tưởng đáng kể cho dự án này. Peter đang rất tin tưởng vào thành công của dự án, và sự thật là tiến độ của công trình đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Ông này cũng cho biết, ông sẽ mạnh tay trong việc đầu tư cho những trang thiết bị công nghệ cao, chất lượng tốt cho “quốc gia nổi”, bởi ông tin nó sẽ mang lại một kết quả xứng đáng.
Thiết kế của một phiên bản “quốc gia nhỏ” có kết cấu nặng 12.000 tấn, tương tự như một giàn khoan dầu. |
Hiện tại, thiết kế của một phiên bản “quốc gia nhỏ” có kết cấu nặng 12.000 tấn, tương tự như một giàn khoan dầu. “Quốc gia nổi” được gắn động cơ chạy bằng dầu diesel, do đó cho phép nó có thể di chuyển được.
Giống như việc tạo ra các công trình dân dụng, cấu trúc và tiện nghi hàng ngày như đường bộ và đường sắt. Ý tưởng về “quốc gia nhỏ” cũng đã được thử nghiệm để làm cho nó thêm thân thiện với môi trường và có tính khả thi với thực tế.
Patri Friedman, một cựu kỹ sư của Google, người đang làm việc cho dự án này cho biết, phiên bản “quốc gia nổi” hiện chỉ có khả năng chứa được 270 người. Nhưng theo tính toán, những phiên bản sau này có thể chứa tới hàng ngìn thậm chí hàng triệu người vào năm 2050.
Ngoài ra, những người thực hiện dự án còn đang ấp ủ hy vọng sẽ khởi động xây dựng được một văn phòng nhỏ ngoài khơi tại bờ biển San Francisco vào năm tới.
Hiện tại, ý tưởng về “quốc gia nhỏ” thả nổi không luật pháp, không quy tắc vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận những mặt tích cực nhìn thấy được của ý tưởng này.
Theo Tạ Linh
BornRich/VnExpress