Tỷ giá 2013: Linh hoạt, chứ đừng... “nén”

Tỷ giá bình quân ổn định từ ngày 24-12-2011 đến nay
Tỷ giá bình quân ổn định từ ngày 24-12-2011 đến nay
TP - Ngày 7- 1- 2013, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD. Tỷ giá này được giữ ổn định từ ngày 24- 12- 2011. Theo các chuyên gia, đây thực sự là một thành công nổi bật trong điều hành tỷ giá suốt năm 2012 của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nếu không điều chỉnh linh hoạt, việc neo tỷ giá quá lâu sẽ tạo sức nén mạnh và khi bật lên, hậu quả khó lường!

> Các nhà máy điện của EVN lãi khủng
> Chống chuyển giá nhìn từ Keangnam Vina

Tình trạng đô la hoá giảm, NHNN mua một lượng ngoại tệ đáng kể bổ sung cho dự trữ ngoại hối.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm đầu tiên phải kể đến cam kết mạnh mẽ về ổn định tỷ giá của Thống đốc NHNN. Cam kết này có ý nghĩa quan trọng vì nó thể hiện quyết tâm của cơ quan điều hành, qua đó ổn định tâm lý thị trường, giảm kỳ vọng phá giá tiền đồng.

Kế đến, thời gian qua, cung cách điều hành tỷ giá NHNN bám sát thị trường hơn, điều chỉnh thường xuyên cung - cầu ngoại tệ. Tỷ giá ổn định góp phần quan trọng trong sự ổn định lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, vay nợ nước ngoài… Hơn thế, giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối.

Vậy bước sang năm 2013, liệu NHNN có tiếp tục đưa ra một cam kết “cứng” cho thị trường? Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung nhận định: thời điểm này không nên đưa ra cam kết “cứng”.

Theo ông Trung, năm 2012 có thể chỉ là cá biệt khi Việt Nam xuất siêu. Nhưng chúng ta cũng không nên quá mừng về điều này. Bởi, Việt Nam là một nước nông nghiệp cần nhập thiết bị sản xuất hiện đại để sản xuất tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa.

Trên thực tế hiện ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu của Việt Nam hầu như không có. Hơn nữa, mục tiêu của Chính phủ là giảm lãi suất hỗ trợ DN điều đó đồng nghĩa với việc phải giữ ổn định lạm phát cũng như giá trị đồng VND. Vì lãi suất là giá của tiền tệ. “Thời điểm này phá giá tiền đồng vô hình chung chúng ta lại nhập khẩu lạm phát”, ông Trung nhấn mạnh.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng không nên đưa ra biên độ tỷ giá cứng như năm 2012, vì “nhỡ” có vấn đề không thực hiện được cam kết sẽ ảnh hưởng đến “uy tín” của NHNN. Nên chăng NHNN tuyên bố khung khổ chính sách về căn bản là ổn định tỷ giá nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt.

Đồng quan điểm, ông Trung cho rằng NHNN đưa mục tiêu chung đảm bảo giữ ổn định VND nhưng đồng thời sẽ linh hoạt theo cán cân thanh toán, hoạt động xuất nhập khẩu…

Ở một góc độ khác, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Maritime Bank, việc giữ tỷ giá cố định suốt giai đoạn vừa qua, tuy giúp NHNN đối phó với lạm phát tốt hơn, nhưng sẽ tích tụ thêm khó khăn cho tương lai khi khu vực xuất khẩu bị thiệt hại do vượt quá điểm cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc neo giữ tỷ giá đối với nền kinh tế.

“Thời điểm này việc duy trì lạm phát ổn định có ý nghĩa quan trọng gia tăng niềm tin cho thị trường. Khi thấy yên tâm các nhà đầu tư nội cũng như ngoại có thể “mở hầu bao” nhiều hơn đầu tư vào Việt Nam”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo vị này, việc neo giữ tỷ giá cũng không nên duy trì quá lâu, về lâu dài cũng nên điều chỉnh đỡ căng thẳng cũng như tăng tính cạnh tranh cho DN xuất khẩu.

Lãnh đạo một NHTMCP cũng đề xuất, tư tưởng chung vẫn là giữ ổn định tỷ giá nhưng khi cung - cầu thay đổi thì phải linh hoạt điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu tránh nén mạnh quá khi bật lên thì hậu quả khó lường. Theo nhận định của ông Trung, tỷ giá năm 2013 có thể điều chỉnh dao động ở mức 2%.

Ngày 7-1, tại các NHTM giá USD tiếp tục ổn định được giao dịch ở mức mua vào 20.800 - 20.820 đồng/USD và bán ra ở mức 20.860 đồng/USD. Còn tại Eximbank niêm yết tỷ giá USD ở mức 20.800 đồng/USD- 20.860 đồng/USD(mua vào- bán ra), giảm nhẹ 10 đồng. Như vậy, tỷ giá vẫn tiếp tục giữ ổn định trong những ngày đầu năm 2013.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.