Tuyệt chiêu châm cứu của thầy thuốc một lòng vì người nghèo

Tuyệt chiêu châm cứu của thầy thuốc một lòng vì người nghèo
Từ hơn 20 năm nay, phòng thuốc nam của lương y Ba Phúc (Cần Thơ) đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của nhiều bệnh nhân nghèo.

Cơ duyên với hiền nhân

Giao bịch thuốc cho bệnh nhân, ân cần dặn dò cẩn thận về cách uống, ông lại bắt tay vào khám cho những bệnh nhân khác. Mồ hôi thấm từng vạt áo dưới cái nắng oi bức, người bệnh chờ đợi sắp hàng, mệt lả nhưng bao giờ vị lương y ấy cũng tươi cười vỗ về người bệnh. Ông là lương y Nguyễn Văn Phúc (73 tuổi), bao năm qua vẫn âm thầm tâm huyết với nghề bốc thuốc cứu người. Điều đáng nói, những thang thuốc quý giá ấy, bao giờ ông cũng ưu tiên dành cho người nghèo. Đúng như cái tên Ba Phúc mà người dân trong vùng thân thương gọi. Phòng thuốc nghĩa tình của Ba Phúc gần như chưa bao giờ vắng người bệnh. Ngoài người dân các tỉnh lân cận miền Tây, còn có những bệnh nhân từ những địa phương xa xôi như TP.HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Đăk Lăk… tìm đến để được ông tận tay bốc thuốc chữa bệnh.

Thầy thuốc Ba Phúc đang khám chữa bệnh cho bệnh nhân bằng phương pháp châm trực dược. (Ảnh: K. Vân)
Thầy thuốc Ba Phúc đang khám chữa bệnh cho bệnh nhân bằng phương pháp châm trực dược. (Ảnh: K. Vân).

“Tôi vốn là một nông dân chân lấm tay bùn quanh năm với ruộng đồng. Khoảng hơn 20 năm trước tôi may mắn được truyền nghề y từ bác sỹ-sư thầy Thích Bình Tâm. Vốn là một bác sỹ giỏi, trong chuyến sang Nhật Bản công tác, sư Tâm đã học được phương pháp “châm trực dược” (châm cứu) rất nổi tiếng của người bản xứ. Thấy hữu ích, ngài đã tận tâm học với mục đích khi về nước sẽ áp dụng cứu người. Tôi là người duy nhất được ngài truyền dạy và hướng theo nghiệp y”- ông Ba Phúc tâm sự. Ngày đó khi về cồn Cái Khế (Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), nhờ y đức mà sư Tâm được người dân trong vùng quý mến, rồi họ dựng một cái cốc nhỏ làm nơi để ngài tu hành và chữa bệnh. Ngài dạy rất nhiều về cái tâm và đạo đức của một người làm thuốc cho Ba Phúc. Sau khi sư Tâm dời đi nơi khác tu luyện, không phụ lòng mong mỏi của sư phụ, lão nông miệt vườn Ba Phúc học thêm để mở rộng y thuật. Có nghề, ông quyết định mở phòng thuốc và hành nghề cho đến nay.

Lý do mở phòng thuốc miễn phí cho người ngèo với ông cũng thật đơn giản, vì như chính Ba Phúc nói: “Chẳng ai khổ hơn người nghèo mắc bệnh”. Nên phòng thuốc nam chỉ ưu tiên cho người có hoàn cảnh khó khăn, khi đến đây người bệnh không phải mất một đồng chi phí khám chữa. Với cái tâm giúp người, nơi đây đã trở thành địa chỉ khám chữa bệnh từ thiện cho người nghèo hơn 20 năm nay.

Dù đã lớn tuổi, nhưng xác định mạng người quý hơn hết, Ba Phúc không ngừng hoàn thiện y thuật bằng cách học thêm. Ông dốc tiền túi ngày đêm mày mò nghiên cứu sách viết về y cổ truyền cho đến hiện đại, đi học thêm lớp bồi dưỡng của Viện Y học cổ truyền Việt Nam. “Để có kết quả điều trị bệnh bằng thuốc nam, tốt nhất phải kết hợp kỹ thuật chuẩn đoán bệnh hiện đại theo Tây y với phương pháp truyền thống thì mới hiệu quả”, lương y Ba Phúc nói. Đối với phương pháp chân truyền “châm trực dược” nhiều năm nay ông vẫn kết hợp chuẩn đoán bệnh hiện đại sau đó mới tiến hành châm cứu. Phương pháp này ông dùng hai chiếc đũa sắt, đầu quấn bông gòn tẩm thuốc pha rượu châm trực tiếp vào nơi bị bệnh. Bệnh nhân đau chỗ nào thì châm chỗ đó để kích thích các bộ phận phục hồi, phần lớn bệnh nhân phục hồi theo hướng tích cực khi được lương y Ba Phúc chữa dùng “châm trực dược” chữa.

Cái tâm với người nghèo

Lương y Ba Phúc cho biết, cũng chính nghề y và việc làm thiện nguyện của mình đã giúp ông một tay nuôi 9 người con trưởng thành, ai cũng hiếu thảo. Sống trong cảnh nghèo khó, vợ mất sớm, một mình ông phải vật lộn để nuôi 9 người con. Những gì cơ cực nhất của cuộc đời đều trải qua, khó khăn trăm bề cũng từng nếm trải. Nên hơn ai hết Ba Phúc hiểu nổi khổ của những người nghèo khi mắc bệnh. Mỗi khi bắt tay vào bốc thuốc ông bao giờ cũng đặt bản thân mình vào hoàn cảnh người bệnh. Lấy cái đau của bệnh nhân làm cái đau của mình, xem hạnh phúc của mình là niềm vui người bệnh.

Tình nguyện viên đang thực hiện châm trực dược cho bệnh nhân. (Ảnh: K. Vân)

Tình nguyện viên đang thực hiện châm trực dược cho bệnh nhân. (Ảnh: K. Vân).

Theo như ông Ba Phúc phân tích thì phần lớn người bệnh tìm đến đây đều là những trường hợp khó khăn túng quẫn, họ sống trong thiếu thốn, lao động nặng nhọc nên thường mắc “bệnh nhà giàu”, chỉ có điều kiện tài chính mới chữa được. Do vậy, đây được xem là địa chỉ lựa chọn của người nghèo. Ông cũng cho biết, hiện tại phương pháp “châm trực dược” được ông dùng chủ yếu để điều trị các bệnh như: Tai biến mạch máu não, đau thần kinh tọa, vôi hóa cột sống, viêm tai giữa, viêm xoang… đều cho những kết qủa tốt. Đặc biệt đối với những biến chứng do tai biến, nhiều năm qua ông dùng phương pháp “châm trực dược”, tỷ lệ hồi phục của bệnh nhân đều rất cao.

Hôm chúng tôi đến trùng ngày anh Nguyễn Văn Tài (47 tuổi, ngụ tại phường Cái Khế) đến nhờ ông theo dõi điều trị bệnh gai vôi cột sống. Anh cho biết, bản thân bị bệnh nhiều năm, nhà nghèo không có tiền đi viện nên để liều dẫn đến biến chứng nặng, khi không còn đi lại được nữa thì vợ con mới chở đến đây, sau thời gian điều trị đã cơ bản đi lại được. Còn bà Nguyễn Thị Thuần (78 tuổi), bị bệnh thần kinh, co giật đến méo mặt, bà đã chạy vạy vay tiền “vái tứ phương” nhưng không được, khi tìm đến đây được ông Ba Phúc tận tay khám và cho thuốc thì nay đã đỡ hẳn.

Chữa khỏi nhiều căn bệnh hiểm nghèo nhưng ông Ba Phúc không hề lấy một đồng chi phí. Chính vì không màng tư lợi, nhiều người bị thuyết phục bởi tâm đức của ông nên sau khi được chữa khỏi bệnh thì đều có cách trả ơn riêng. Có người trở thành những tình nguyện viên hằng ngày đến chế biến thuốc hay làm châm trị viên. Chị Trần Thanh Hương, bị thần kinh tọa, gai vôi cột sống, sau khi được chữa chữa hết bệnh, chị tình nguyện ở lại phòng thuốc phụ giúp châm trị cho người bệnh khác. Còn bà Huỳnh Thị Mai (71 tuổi) từ hơn 10 năm nay đã là một cộng tác viên tình nguyện quen thuộc. Dù ở mãi quận Ô Môn xa xôi nhưng hàng ngày vẫn đều đều bắt xe buýt đi 20 cây số đến phòng khám làm việc rồi lại”. Có nhiều người lại trả ơn thầy thuốc Ba Phúc bằng cách chuyên đi tìm, kiếm thuốc nam về cho phòng khám. Có những vị thuốc họ kiếm được sẵn ở trong vườn hay trên đường đi nhưng cũng có nhiều vị thuốc khó phải lặn lội lên mãi vùng Bảy Núi, Tịnh Biên (An Giang) mang về. Lại có người âm thầm chở thuốc đến đặt trước phòng khám mà không để lại tên tuổi.

Làm việc thiện giúp người nhưng bao năm qua phòng thuốc vẫn khá khiêm tốn. Mặc dù cũng muốn phòng khám khang trang hơn nhưng khi có tổ chức ngỏ ý muốn hỗ trợ kinh phí cho ông thuê mặt bằng làm phòng khám ông vẫn kiên quyết từ chối. Ghi nhận nổ lực đóng góp của ông đối với người nghèo, Tổ chức phi chính phủ Schmitz Stiftung (CHLB Đức) phải thuyết phục ông đến lần thứ ba mới được ông gật đầu cho hỗ trợ một ít tài chính để nâng cấp phòng thuốc, tạo điều kiện tốt để ông khám chữa bệnh. Từ đó hoạt động của phòng thuốc hàng năm ông vẫn gửi báo cáo sang Đức đầy đủ. Để giúp ông, thời gian gần đây, bà con đến trị bệnh đã nghĩ ra cách lập thùng từ thiện, ủng hộ tùy lòng hảo tâm. Có người bỏ 5.000, 10.000…thi thoảng cũng có những mạnh thường quân đến giúp tiền giúp gạo. “Ngoài việc chữa bệnh cho moi người, điều tôi vui hơn cả là gắn kết tình yêu thương giữa người với người”, điều mà lương y Ba Phúc chia sẻ.

Theo Khánh Vân
GĐ&XH

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG