Thí sinh dự thi lớp 10 trường THPT chuyên năm 2023. Ảnh: Minh Nguyệt |
Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi thử đợt 1 cho học sinh khối 9 toàn quốc ngày 3/3, nhận kết quả sau 10 ngày. 2 đợt thi thử còn lại diễn ra vào ngày 14/4 và 12/5. Lệ phí đăng ký là 450.000 đồng/đợt thi, không hoàn lại nếu thí sinh bỏ thi.
Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức xong đợt 1 và đợt 2 thi thử. Trường dự kiến tổ chức đợt thi thử thứ 3 vào ngày 6-7/4. Lệ phí thi là 150.000 đồng/môn. Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã tổ chức xong 2 đợt thi thử (đợt 1 ngày 21/1; đợt 2 ngày 10/3), dự kiến đợt 3 ngày 5/5. Đợt 1 có 1.300 thí sinh dự thi, đợt 2 có trên 2.000 thí sinh. Lệ phí dự thi là 450.000 đồng/lượt thi 3 môn.
Dù chỉ mang tính chất đánh giá, kiểm tra năng lực nhưng nhiều năm trở lại đây, không ít phụ huynh tại Hà Nội đã bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đăng ký cho con tham gia các kỳ thi thử trước mùa tuyển sinh vào lớp 10. Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam, hầu hết phụ huynh đăng ký cho con tham gia kỳ thi thử chủ yếu do tâm lý lo lắng, sốt ruột.
Ông Dong cho rằng, độ khó của các kỳ thi thử thường cao hơn nhiều so với đề thi thật. Nếu học sinh liên tiếp tham gia các kỳ thi này nhưng tâm lý không vững vàng sẽ gặp áp lực lớn, dẫn tới việc ôn tập sẽ bị ảnh hưởng, căng thẳng tinh thần quá mức...
Các trường tổ chức thi thử cũng thừa nhận ngoài việc cho học sinh cọ xát với đề thi, còn một phần liên quan đến kinh phí. Thi thử là cách để các trường bù lỗ khi tổ chức thi thật.
Xóa bất bình đẳng trong trường chuyên
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2024, các trường THPT chuyên sẽ chỉ đào tạo hệ chuyên, không được mở các lớp chất lượng cao. Cả nước hiện có 78 trường chuyên, 71 trường thuộc quản lý của địa phương, 7 trường thuộc ĐH. Hà Nội hiện là thành phố có số lượng trường THPT chuyên nhiều nhất cả nước: 3 trường trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, 1 trường trực thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 2 trường trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội (THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam). Ngoài ra, còn có 2 trường THPT được đào tạo hệ chuyên là THPT Sơn Tây và THPT Chu Văn An. Trường THPT chuyên trực thuộc ĐH còn có chuyên Đại học Vinh, Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) và chuyên Đại học Khoa học Huế. Trong số 78 trường THPT chuyên, gần một nửa tuyển sinh lớp không chuyên dưới dạng lớp cận chuyên, lớp chất lượng cao.
Thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT, trong thông báo tuyển sinh năm 2024 của các trường THPT chuyên đã có sự điều chỉnh so với các năm trước.
Trường THPT chuyên ĐH Vinh thông báo tuyển sinh 385 chỉ tiêu (tăng 35 chỉ tiêu so với năm 2023). Trường không còn tuyển hệ chất lượng cao trong khi năm 2023 dành 120 chỉ tiêu với 4 lớp cho hệ này.
Nhiều người nhận định, việc tổ chức nhiều đợt thi thử rõ ràng mang tính chất thương mại nhiều hơn bởi các trường đánh vào tâm lý lo lắng của phụ huynh để tổ chức và thu lợi nhuận.
Các THPT chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay cũng không tuyển hệ chất lượng cao hay hệ cận chuyên. Trường THPT chuyên Ngoại ngữ giữ nguyên chỉ tiêu so với năm 2023 bằng cách tăng 111 chỉ tiêu vào các lớp chuyên và 14 chỉ tiêu vào hệ chuyên được nhận học bổng. Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên giảm 15 chỉ tiêu so với năm 2023 nhưng xóa sổ 90 chỉ tiêu hệ chất lượng cao. Do vậy, chỉ tiêu vào hệ chuyên vẫn tăng so với năm 2023. Trường THPT Khoa học Xã hội và Nhân văn tăng 4 chỉ tiêu vào lớp chuyên Văn và không còn 34 chỉ tiêu đào tạo hệ chất lượng cao.
Trường THPT chuyên trực thuộc các trường ĐH hoàn toàn đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh vào hệ chuyên hằng năm. Nhưng thực tế các trường vẫn mở hệ chất lượng cao để đào tạo. Một trong những nguyên nhân chính là học phí của hệ chất lượng cao được thu cao hơn gấp nhiều lần hệ chuyên. Với 3 trường THPT chuyên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, học phí hệ chất lượng cao cao hơn hệ chuyên từ 5 đến trên 10 lần.
Chia sẻ với báo chí, TS Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT kiên quyết bỏ lớp không chuyên trong trường THPT chuyên, dù chính các trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH lâu nay vẫn rất muốn giữ.
Theo ông Ân, đã đến lúc phải thay đổi hệ thống chuyên theo hướng ít mà thực sự chất lượng, đào tạo tài năng chứ không phải tính đến chuyện ngày càng “phình” ra hệ thống trường chuyên bằng cách mở thêm trường, thêm lớp cận chuyên, chất lượng cao.
Theo ông, sự tồn tại của trường chuyên khiến giáo dục đại trà bị ảnh hưởng, tạo ra sự bất bình đẳng trong các trường về sự đầu tư của Nhà nước, về hưởng thụ cơ sở vật chất công và năng lực sư phạm của người thầy. Học thêm nở rộ và khó quản lý, có nguyên nhân cả nước quá coi trọng hệ chuyên. Hệ chất lượng cao tồn tại trong trường chuyên chính là thêm một bất bình đẳng nữa trong giáo dục.