Tuyển sinh ĐH 2023: Bấn loạn đăng ký kỳ thi riêng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua (6/2), Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức mở cổng đăng ký 4 đợt thi đánh giá năng lực năm 2023. Ghi nhận cho thấy, nhu cầu dự thi của thí sinh rất cao, còn năng lực tổ chức của Đại học Quốc gia lại có hạn.

Theo thông báo của Đại học (ĐH) Hà Nội, cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực năm 2023 đối với 4 đợt đầu tiên chính thức mở lúc 9h00 ngày 6/2. Ghi nhận cho thấy trong 45 phút đầu tiên mở cổng, toàn hệ thống tắc nghẽn. Chị Trần Thị Thu, phụ huynh học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định cho hay do kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức có 1 đợt tại Nam Định nhưng chỉ có 115 suất. Dù huy động cả nhà cùng vào hỗ trợ đăng ký nhưng sau khi mạng “thông”, con chị không còn chỗ dự thi tại tỉnh nhà. Do đó, con đăng ký 2 đợt thi tại Hà Nội.

Chị Hoàng Thị Phương, ở Hà Nội thì cảm thấy cả gia đình “bấn loạn” vì thời gian đầu không vào được mạng để đăng ký cho con. Chị Phương chia sẻ, do suất đăng ký ở Hà Nội 4 đợt đầu chỉ có hạn nên chị cố gắng đăng ký cho con thi một trong hai đợt diễn ra trong tháng 4 hoặc tháng 5, vì đó là thời gian dự thi hợp lý, diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Không nên tham gia nhiều kỳ thi riêng

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay hiện tại, có một số đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (kỳ thi độc lập/kỳ thi riêng) kết quả còn được nhiều trường khác sử dụng để làm căn cứ xét tuyển. Việc thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi độc lập sẽ làm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác.

“Cũng cần phải lưu ý rằng, các kỳ thi này có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau (2 ĐH Quốc gia có các kỳ thi với phạm vi lĩnh vực rộng; ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an…), vì vậy, thí sinh không cần lựa chọn tham gia nhiều kỳ thi”, PGS Nguyễn Thu Thủy khuyên.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay thời gian đầu mở cổng đăng ký, ghi nhận của hệ thống cho thấy có khoảng 48.000 lượt truy cập, với con số này khó hệ thống nào có thể đáp ứng được. Cổng đăng ký dự thi sẽ mở cho đến khi hết chỗ đã đăng ký hoặc tối thiểu trước 14 - 21 ngày thi chính thức để thực hiện quy trình thi. Năm 2023, ĐH Quốc gia tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực. Trong đó, 4 đợt đầu thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 6/2; 4 đợt còn lại, thí sinh đăng ký từ 18/3. Để thuận lợi trong những lần đăng ký sau, GS Thảo khuyên thí sinh nên đăng ký thông tin trước trên hệ thống. Đồng thời, thí sinh tìm hiểu kỹ thông tin để chuẩn bị dữ liệu cá nhân khi đăng ký như chụp ảnh hai mặt căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân; kết quả học tập 5 học kỳ ở bậc THPT, ảnh chân dung thí sinh, số điện thoại và địa chỉ nhận phiếu báo điểm. “Qua lần đăng ký này, có thể thấy, nhiều thí sinh “nước đến chân mới nhảy”, không tìm hiểu kỹ thông tin nên mất thời gian, dẫn đến chậm đăng ký”, GS Thảo nói.

Tuyển sinh ĐH 2023: Bấn loạn đăng ký kỳ thi riêng ảnh 1

Thí sinh nên cân nhắc khi tham gia nhiều kỳ thi riêng

Vị này đồng thời cho biết, 4 đợt thi đầu tiên, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức thi cho khoảng 45.000 lượt thí sinh. Đến hôm qua, đã có 38.000 lượt thí sinh đăng ký thành công. Trong đó, 2 đợt 303 và 304 (thi trong tháng 4) đã hết chỗ, chỉ còn suất đăng ký cho hai đợt đầu là 301 và 302 được tổ chức thi trong tháng 3.

Quay cuồng với các kỳ thi

Những ngày này, học sinh lớp 12 các trường đang quay cuồng với lịch học chính, học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT và các kỳ kiểm tra, đánh giá. Nhiều em cho biết, đối mặt với các kỳ thi lớn có tâm lí hoang mang, áp lực vì không biết việc lựa chọn ngành nghề liệu có đúng.

Cô giáo V.T.H, Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) nói rằng, tâm lí chung của học sinh là bối rối, lo lắng, nhất là các em phải quyết định lựa chọn ngành nghề. Trên lớp, giáo viên vẫn dạy kiến thức theo chương trình sau đó mới ôn tập để các em nắm vững nền tảng cơ bản, tiếp đó mới đi vào kiến thức nâng cao. “Dù tham gia thi tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi riêng của trường ĐH thì học sinh vẫn phải nắm chắc kiến thức cơ bản các môn mới có thể làm được”, cô H. nói.

TS Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) nói rằng, một số trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đã mời đại diện nhà trường đến để phổ biến dạng đề, sau đó nhà trường phổ biến lại cho học sinh ôn thi. Ngay từ đầu năm, trường cũng đã triển khai dạy học phù hợp theo 3 hướng nhằm học sinh hướng đến đầu ra gồm: xét tuyển ĐH theo hồ sơ học bạ; thi tốt nghiệp THPT; học để thi theo hướng đánh giá năng lực của một số trường. “Trường đã tăng cường kiểm tra, ra các dạng câu hỏi đánh giá năng lực tổng hợp câu hỏi nhiều môn để các em làm quen. Trong quá trình dạy học, phân loại học sinh để bồi dưỡng đúng năng lực. Kết quả như năm ngoái, có hơn 40% học sinh đạt điểm từ 24 trở lên trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT”, TS Hậu nói.

MỚI - NÓNG