“Ở đây, Marseille, vào gần cuối giải đấu, rốt cuộc cũng đã có một trận cầu thực sự cống hiến. Đức gặp Pháp, đội VĐTG đối đầu đội ứng viên vô địch châu Âu, trong sân bóng đẹp nhất đất nước này. Đó là một trận cầu kinh điển giữa 2 lối chơi đối ngược. Đó là 90 phút nghẹt thở vì đầy ắp những kịch tính, đầy biến cố, và trên hết tất cả là chất lượng thi đấu rất xứng đáng làm “chung kết trước trận chung kết” như mọi người đã gọi”.
1- Đó là phần mở đầu trong bài bình luận có nhan đề “đội Đức trải qua một trận đấu “như thế đó”, còn đội Pháp thắng bán kết EURO 2016” của Raphael Honigstein trên kênh thể thao ESPN hôm qua. Một bài viết chủ yếu dựa trên chất liệu là những cảm xúc sau đó của đội tuyển Đức: Một chút “hận đời” của nhà cầm quân Joachim Loew (ông nói “Đức chơi hay hơn mà!”). Một chút phân bua của đội trưởng Schweinsteiger (vì đã gây ra quả 11m oan nghiệt). Một chút lý giải của tiền vệ Toni Kroos (về thế trận nói chung) và khá nhiều tiếc nuối của thủ môn Neuer cũng như tiền vệ Mueller (về một số tình huống thất bại cụ thể).
Cái ý chung của họ rất rõ ràng: Họ chấp nhận, họ cam chịu, nhưng họ vẫn cảm thấy ông trời đã quá bất công khi bắt họ phải thua cuộc.
2- Nhưng không, không hẳn là vậy đâu - dù cách nhìn cách nghĩ của thầy trò Joachim Loew chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều chia sẻ! Đừng đổ cho trời, trước hết hãy đổ cho người. Đừng quá đề cao ưu thế cầm bóng, ưu thế lấn sân, ưu thế về kỹ thuật cũng như cái phong thái thi đấu chỉn chu lịch lãm của họ. Thay vào đó, hãy xem họ đã làm gì với tất cả ưu thế ấy.
Câu trả lời ngắn gọn nhất và đáng buồn nhất ở đây là hầu như cũng chỉ để cho đẹp mà thôi. Trong giai đoạn đội hình Đức áp đảo nhất - từ phút thứ 10 đến phút 45 - thử hỏi họ đã mấy lần xuyên qua khu vực đồn trú dày đặc của người Pháp ở 30-40m trước vòng cấm địa? Chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Có một pha dứt điểm cận thành của Emre Can nhưng thủ môn Lloris đã đề phòng sẵn, có 2 lần Mueller xộc vào cũng rất gần, nhưng hoặc là không đủ thời gian hoặc là quá chéo góc nên dứt điểm cũng chẳng ngon. Còn lại, tình huống nguy hiểm đáng kể nhất ở hiệp 1 cũng chỉ là cú sút xa của Schweinsteiger mà Lloris đẩy qua xà.
3- Do vậy, cần phải đặt vấn đề ngược lại: Thực sự là đội hình Đức đã lấn chiếm hay phải chăng đội hình Pháp đã chủ động nhường địa bàn?! Trên khía cạnh đó, trận bán kết này có những nét từa tựa trận Đức - Ba Lan ở vòng đấu bảng: Đối phương cũng thủ chặt ở trung lộ từ gần giữa sân trở xuống, buộc người Đức phải triển khai lòng vòng phía ngoài chứ không làm gì hơn được. Thật vậy, cho dù đội bóng của Loew đưa luôn một trung vệ (Boateng) sang phần sân bên kia, đẩy cao 2 hậu vệ biên chẳng khác gì tiền đạo cánh, thỏa thích khai thác cả 2 hành lang thì cũng không thể đánh sâu và đánh mạnh vào trong.
Một phần là do lực lượng Đức... quá đồng đều theo đúng nghĩa đen của từ này. Tức là quá tương đương hoặc thậm chí tương đồng với nhau, không nổi bật lên được một ai đó có thể tạo nên sự khác biệt ở vị trí trung phong, không lóe lên được một đường chuyền kết liễu nào để làm nhát cắt cuối cùng sau khi các vòng vây đã dần dần thít chặt lại quanh yết hầu đối thủ. Nhật báo Guardian (Anh) hôm qua đã biểu đạt tình trạng này bằng một cách mô tả thật... chí lý: Thầy trò Joachim Loew mang tới 10.000 cái muỗng vào buổi tiệc Pháp trong khi tất cả những gì họ cần chỉ là một con dao!
4- Con dao ấy, như chúng ta đều đã thấy, hóa ra lại nằm trong tay người Pháp. Nó ghi tên Antoine Griezmann. Nó đã được vung lên một lần như một lời cảnh cáo trong những phút đầu trận, đó là khi Griezmann phối hợp bật tường với Payet, đẩy qua 2 đối thủ và tung một cú sút sệt suýt thành bàn. Trong 2 tình huống sai sót duy nhất của đội tuyển Đức sau đó, con dao Griezmann đã ghi luôn 2 bàn: Thứ nhất là quả phạt đền 11m ở phút thứ 45+2, sau khi đội trưởng Bastian Schweinsteiger của Đức nhảy lên tranh bóng với Evra mà giơ cao cả 2 tay như muốn ôm quả bóng. Thứ nhì là cú xỉa mũi bàn chân trái ở phút 72, sau khi toàn bộ hàng hậu vệ Đức (lúc này đã mất Boateng vì chấn thương) và cả Neuer tự gây rối ren trước cầu môn.
Những Schweinsteiger, Kimmich, Howedes, Neuer sẽ còn đau nhói, đau dài lâu vì 2 nhát ấy. Đau cả vì những cơ hội bị bỏ lỡ sau đó nữa: Cú sút xoáy chéo góc của Kimmich đẹp là vậy, nhưng chỉ vào trúng cái góc nối giữa cột dọc-xà ngang. Khi không còn gì để mất, những pha dâng cao, áp sát của Howedes hay Goetze quyết liệt là vậy nhưng cũng đều vội vã chệch khung thành. Và họ cần phải nhớ điều này: Nếu đã tiếc cho các cơ hội bỏ lỡ sau khi bị dẫn 0-2 thì phải tiếc gấp 10 cho hiệp 1. Họ không làm gì được lúc nguy nan một phần cũng là do họ đã không hạ nổi người Pháp ngay vào lúc họ nắm ưu thế cực điểm nhất.
5- Trên một phương diện nào đó, có thể nói không ngoa rằng lúc họ chơi hay cũng chính là lúc thấp thoáng cái thua. Và thua là vì không có con dao mà chỉ có 10.000 cái muỗng...