Xin được chết thay con
Cách đây hơn 2 năm, cũng tại TAND TP.HCM, ai có mặt theo dõi phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án sát hại nguyên Phó bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận do Nguyễn Trọng Nhân (SN 1980, TP.HCM) và Lương Hoài Sang (SN 1990) phạm thực hiện chắc vẫn chưa quên những gì diễn ra hôm ấy. Trong lần đến nhà bà B.N.T.M. cướp tài sản, Nhân và Sang đã dùng dao đâm bà Đ.T.H. dẫn đến tử vong.
Bà Ngô Thị Thu - mẹ ruột Nguyễn Trọng Nhân khóc, van xin gia đình nạn nhân tha thứ tại phiên tòa. Ảnh VTC. |
Hôm xử sơ thẩm, lúc bị cáo được dẫn giải ra vành móng ngựa, ngay phần thủ tục khai mạc phiên tòa, mẹ của bị cáo Nhân được mời lên trình bày ý kiến. Thẩm phán Vũ Phi Long - chủ tọa phiên tòa hôm ấy cho biết bị cáo là người đã thành niên, bà không phải là người tham gia tố tụng tại tòa.
Thế nhưng, đọc những dòng chữ trong lá đơn cầu khẩn của người mẹ, ông không khỏi xúc động và cho phép bà được trình bày ý kiến tại tòa.
Vừa lúc ấy, cố kìm tiếng khóc, người mẹ đau khổ bước lên: "Con dại cái mang, tôi xin tòa cho tôi được đền tội thay cho con tôi. Tôi xin tòa, xin gia đình bị hại cho tôi được chết thay cho con tôi...". Người mẹ quỳ mọp xuống nền gạch cũ, vừa khóc vừa chắp tay lạy Hội đồng xét xử, lạy gia đình nạn nhân.
Dù tòa chưa xử nhưng ý thức được tội lỗi của con, bà không một lời bao biện, chỉ biết nhận lỗi về mình và xin được chết thay con để đền tội. Cảnh tượng ấy khiến nhiều người phải rơi nước mắt còn bị cáo Nhân cũng òa khóc, hối hận vô cùng.
Thế nhưng pháp luật chỉ xét xử và áp dụng hình phạt với những ai có tội. Nhân bị tuyên hình phạt cao nhất là án tử hình. Thân mẹ già đổ gục. Làm sao bà có thể đền tội thay con khi bà không phải là người gây ra tội ác?
"Chỉ chặt tay sao xử nặng quá vậy?"
Trở lại với vụ án Hồ Duy Trúc, cũng vì muốn có tiền để tiều xài, Trúc và đồng bọn đã dùng dao, mã tấu chém người để cướp xe. Có vụ Trúc và đồng bọn chém nạn nhân ba nhát vào cổ, ngực, có vụ chém một nhát vào vai...
Đỉnh điểm là vụ chém gần đứt lìa bàn tay chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy để cướp xe SH. Những hành động gây án của Trúc và đồng bọn lặp lại nhiều lần, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Sài Gòn suốt một thời gian dài.
Ngày ra tòa, cho đến lúc nói lời sau cùng, tướng cướp tuổi 20 ấy vẫn tỏ ra bình thản, thậm chí lạnh lùng khi nhắc lại tội ác. Chỉ có bà Trần Thị Út (SN 1950) - mẹ Trúc và người nhà nơm nớp lo âu. Khi tòa tuyên phạt Trúc mức án tử hình, không còn giữ nổi bình tĩnh, mẹ Trúc và người thân hò hét, la ó, đại náo pháp đình.
Người mẹ nào có thể giữ được bình tâm khi con nhận án tử? Có lẽ vì thế mà bà Út không thể giữ được bình tĩnh, hết quỳ lạy cầu xin ở hàng lang phòng xử, người mẹ ấy lại vật vã lao về phía chiếc xe bít bùng.
Mẹ bị cáo Trúc vật vã tại phiên tòa, thốt lên những lời khó nghe. |
Những câu nói thiếu kiểm soát của bà và những người thân thốt lên: "tao biết tử hình con tao thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy”. “Ai bảo đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”. “Con tôi chưa giết người, chỉ chặt tay thôi sao xử tử con tôi”. Một lũ vô nhân đạo hùa nhau để thằng Trúc bị tử hình...".
Có lẽ cứ ngỡ rằng con chỉ bị tù chung thân như Viện kiểm sát đề nghị, nay lại bị tuyên tử hình nên người mẹ "sốc". Có lẽ bà chẳng thể ngờ và cũng khó chấp nhận một sự thật nghiệt ngã là đứa con dứt ruột sinh ra phải đền mạng cho hành vi tội lỗi.
Thế nhưng với các nạn nhân thì sao, có khi nào người mẹ nghĩ đến những gì họ phải chịu do hành vi của Trúc gây ra?
Hai bản án tử hình với hai đứa con trai, không thể nói mẹ của Nhân hay mẹ Trúc ai đau đớn hơn ai nhưng cách họ thể hiện nỗi đau và tình thương yêu hoàn toàn khác nhau.
Và hành động của mẹ Trúc ít nhận được sự đồng cảm của dư luận.
Hi vọng nhìn vào những cảnh tượng trên, những kẻ đang định lao vào con đường tội lỗi sẽ phải giật mình, thức tỉnh khi chưa quá muộn.
Theo Viet Nam Net