Từ vụ bắt Chủ tịch Vimedimex: Lật lại lùm xùm liên quan đến đường dây thuốc giả

0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở Vimedimex trên phố Bà Triệu.
Trụ sở Vimedimex trên phố Bà Triệu.
TPO - Ngoài việc nữ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex bị khởi tố vì móc ngoặc, dìm giá để thâu tóm 5h đất tại Đông Anh (Hà Nội) với giá rẻ, gây thiệt hại 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp này còn dính đến lùm xùm liên quan đường dây thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada đang bị điều tra.

Dìm giá thâu tóm đất

Bà Nguyễn Thị Loan (SN 1970) Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex cùng 7 bị can khác vừa bị Công an TP Hà Nội khởi tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” liên quan đến vụ đấu giá khu đất gần 5ha ở thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), gây thiệt hại 200 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, ban đầu khu đất trên được Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng. Thế nhưng, trước yêu cầu của một cán bộ thuộc Ban quản lý dự án huyện Đông Anh, đơn vị thẩm định giá hạ giá xuống còn khoảng 300 tỷ đồng. Để hoàn thiện chứng thư thẩm định giá, các đối tượng đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ.

Từ vụ bắt Chủ tịch Vimedimex: Lật lại lùm xùm liên quan đến đường dây thuốc giả ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Loan

Bà Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc đã đưa 3 công ty tham gia, chỉ đạo cấp dưới thông đồng, dìm giá trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 1 công ty trúng đấu giá hơn 20 triệu đồng/m2. Sau 1 tháng Loan đã bán với thửa có giá cao nhất lên tới 110 triệu đồng/m2…

Trước đó, tại cuộc đấu giá đất tại thôn Cổ Dương, 3 công ty tham gia đấu giá được xác định là Công ty Cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Mỹ Đình và Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì.

Kết quả, Công ty Cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm đã trúng đấu giá với số tiền hơn 300 tỷ đồng. Điều đáng nói, nhiều lãnh đạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex và người sáng lập đều là cổ đông, nắm giữ vốn điều lệ hay giữ chức vụ cao trong 3 công ty tham gia đấu giá.

Cũng liên quan đến vụ đấu giá đất trên, cuối tháng 10/2021, UBND TP Hà Nội đã có quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất với lý do “Biên bản kiểm tra hiện trạng đối với 6 tài sản so sánh trong Chứng thư thẩm định giá đất cụ thể số: 141020/CT- ĐGĐ-VVAI ngày 9/10/2020 để xác định giá khởi điểm phục vụ đấu giá quyền sử dụng 16.182,19m2 đất thuộc Dự án không đúng trên thực địa”.

Đồng thời UBND TP Hà Nội yêu cầu huyện Đông Anh (đơn vị có tài sản đấu giá) và Công ty đấu giá Hợp danh số 5 – Quốc gia (đơn vị tổ chức đấu giá) có trách nhiệm hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên.

Đến lùm xùm thuốc giả?

Không chỉ vướng vào câu chuyện thâu tóm đấu giá đất, Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex còn dính vào lùm xùm trong vụ án hình sự: “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế”.

Trong vụ án trên, CQĐT xác định bị can Nguyễn Lê Xuân Khang là đối tượng chủ mưu, cầm đầu vụ mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh Health 2000 Canada, hiện đang bị truy nã.

Kết luận điều tra bổ sung nêu rõ, khi bắt được Khang sẽ phục hồi điều tra, làm rõ hành vi phạm tội, làm rõ sự liên quan của các cá nhân tại các doanh nghiệp dược để xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan tại Công ty TNHH Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex con) và một công ty khác trong việc đề nghị Cục quản lý Dược cấp Visa cho 7/9 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, Khang tự đến công ty trên giới thiệu là đại diện Health 2000 Canada tại Việt Nam và cung cấp hồ sơ, giấy tờ giả (gồm FSC của từng loại thuốc do Bộ Dịch vụ công Chính phủ Canada cấp và GMP của nhà máy sản xuất Health 2000 Canada do Bộ Y tế Canada cấp).

Để được ưu tiên mua thuốc khi có nhu cầu, ngày 25/2/2008 và 10/5/2010, 2 công ty trên lần lượt ký đơn đề nghị cấp giấy lưu hành sản phẩm gửi đến Cục quản lý Dược cho 7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Tiếp đó là trách nhiệm của các cá nhân liên quan tại 2 công ty trên cùng Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex mẹ) và một số công ty khác trong việc nhập khẩu tiêu thụ 7/9 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex được thành lập năm 2009 có trụ sở tại 46-48 Bà Triệu (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và được sáng lập bởi Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm; CTCP Đầu tư và phát triển Hòa Bình; CTCP BV Pharma; Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex; Công ty TNHH Bất động sản Vimedimex Hòa Bình.

Theo giới thiệu trên trang chủ của Vimedimex, bà Nguyễn Thị Loan (SN 1970), trình độ Tiến sĩ kinh tế giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, Công ty Cổ phần y Dược phẩm Vimedimex; Công ty cổ phần Dược phẩm Vimedimex 2.

Những năm gần đây, Vimedimex được biết đến nhiều thông qua việc thực hiện hàng loạt dự án bất động sản ở Hà Nội với thương hiệu Vimefulland. Tuy nhiên, ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị này lại là nhập khẩu thuốc, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.

Báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex hé lộ khối nợ hàng ngàn tỉ đồng.

Cụ thể, ngày 31/12/2019, nợ phải trả của Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex tốc biến từ 906,3 tỉ đồng đầu kỳ lên 3.841 tỉ đồng, tương đương mức tăng 323,8%. Trong đó, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn, chiếm 3.351 tỉ đồng. Nợ ngắn hạn ở mức 366,2 tỉ đồng. Trên bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh năm 2019 của Tập đoàn Vimedimex cũng âm 2.787 tỉ đồng.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.