Tư trị thông giám – 'Ôn cố' để 'tri tân'

Tư trị thông giám – 'Ôn cố' để 'tri tân'
TPO - Đọc sử để ôn chuyện xưa, ngẫm chuyện nay, từ lẽ được mất trong quá khứ để rút tỉa cái hay dở áp dụng cho hiện tại – hẳn đó là mục đích của rất nhiều người đọc sử.

Có một bộ sử thấm đẫm tinh thần ôn cố tri tân ngay từ cái tên. “Tư trị thông giám” – lấy ý từ tám chữ "Giám vu vãng sự, hữu tư trị đạo" mà vua Tống Thần Tông (Trung Quốc) ban, có nghĩa là “Lấy sự hưng suy của đời trước làm gương, hy vọng có lợi cho việc trị quốc”.

Xuyên suốt bộ sử, tinh thần này được người chủ biên là sử gia Tư Mã Quang duy trì. Tư Mã Quang không chỉ đơn thuần là ghi chép sự kiện, mà còn thông qua đó làm rõ nguyên nhân thành công và thất bại của các quân chủ, phân tích bản chất của hưng suy mỗi triều đại. Từ đó, bộ sử trở thành một tài liệu mang tính chất đúc rút kinh nghiệm, thành “tấm gương” để người lãnh đạo thi hành các chính sách quản trị quốc gia. Chính vì giá trị nội dung của nó, mà rất nhiều lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình… đều coi đây là tư liệu trị quốc hữu ích.

Nhưng nếu chỉ có vậy, Tư trị thông giám chưa hẳn đã đủ để người đời đặt ngang hàng với một bộ sử vĩ đại khác: “Sử ký” của Tư Mã Thiên, để rồi cả hai được gọi là “sử học song bích”. Giá trị của Tư trị thông giám còn nằm ở khối lượng tư liệu dẫn chiếu, kỹ thuật gạn lọc tư liệu và phương pháp viết sử biên niên được các sử gia đời sau coi là chuẩn mực.

Tư trị thông giám – 'Ôn cố' để 'tri tân' ảnh 1 Tư trị thông giám đặt ngang hàng với một bộ sử vĩ đại khác là “Sử ký” của Tư Mã Thiên, trở thành “sử học song bích”.

Để hoàn thành bộ sử, Tư Mã Quang và các cộng sự đã dốc hết 19 năm ròng để tham khảo số tài liệu tham khảo được tương truyền là xếp chật cả hai gian phòng. Từ khối lượng khổng lồ đó, nhóm biên soạn mới tiến hành ba bước: “Tùng mục” - xây dựng Tổng mục lục dựa trên tất cả thư tịch đã có, với thời gian và sự kiện được làm rõ; “Trường biên” - tuyển chọn, quyết định lấy cái gì và bỏ cái gì; và cuối cùng là “San cải định cảo” –khảo sát những chỗ giống-khác trong tư liệu,bỏ đi các sai sót,hoàn thiện bản thảo. Quá trình ba bước này được thực hiện cực kỳ nghiêm túc, không có bất cứ sự thỏa hiệp nào so với nguyên tắc ban đầu của Tư Mã Quang là “gạn lọc bỏ đi các chỗ dài dòng, rút gọn để nêu bật cái cốt yếu, chuyên sưu tập các sự việc can hệ đến thịnh suy của quốc gia, liên quan đến vui buồn của bách tính, người thiện có thể dùng lập phép tắc, kẻ tà có thể lấy làm điều răn, lập thành một bộ sử biên niên, khiến trước sau có thứ tự, tinh thô không lẫn lộn…”

Phương lược biên soạn được định rõ, phương pháp biên soạn được tuân thủ nghiêm cẩn, khiến cho Tư trị thông giám trở thành bộ sử có kết cấu chặt chẽ, liền mạch thông suốt, lại đảm bảo cho lời văn được giản dị mà trong sáng, ý tứ sâu sắc mà rõ ràng. Từ khi Tư trị thông giám xuất hiện, thể loại biên niên sử mới bắt đầu phát triển.

Mới đây, bộ sử với nhiều giá trị thực tế này đã được một nhóm dịch thuật không chuyên tiến hành chuyển ngữ. Những người yêu sử sẽ có cơ hội tiếp cận với một quãng thời gian phát triển gần 1,400 năm, xuyên suốt 16 triều đại của Trung Hoa, với đầy đủ những phân tích về hưng, suy, trị, loạn của những bậc đế vương ở quốc gia này.

Tác phẩm sử học "Tư trị thông giám" của sử gia Tư Mã Quang gồm 18 tập, được thực hiện chuyển ngữ bởi nhóm dịch giả Bùi Thông - Phạm Thành Long - Nguyễn Đức Vịnh.
Nhà xuất bản Văn học kết hợp cùng nhà sách Tri Thức Trẻ phát hành tập 1 bộ sử “Tư trị thông giám” vào ngày 25/11.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.