Họa sĩ Bùi Hoàng Dương:

Từ tranh chó đến Mo Mường

0:00 / 0:00
0:00
Bạn bè trong giới vẫn gọi yêu Bùi Hoàng Dương là “Dương chó”. Bao nhiêu năm làm nghề, vẽ hàng trăm tác phẩm, Dương vẫn luôn lấy hình tượng con chó làm đề tài. Bởi thế, nghe tin Dương vẽ hàng chục bức tranh về các Mo Mường và sắp mở triển lãm, ai cũng ngạc nhiên.

“Mo Mường không phải là mê tín”

Là một người con dân tộc Mường nên văn hóa Mường ngấm vào Bùi Hoàng Dương từ lời ăn tiếng nói, từ những bài hát ru của bà, từ tiếng Mường nơi mà mỗi lần về nhà anh thấy sao mà thân thương, từ những lần thắp hương tổ tiên, từ những lần đám ma, làm vía, dựng nhà,… những ông thầy Mo Mường luôn cuốn hút Dương bởi họ sử dụng thứ ngôn ngữ Mường cổ để hành lễ.

Từ tranh chó đến Mo Mường ảnh 1

Tác phẩm tại triển lãm “Mo Mường” của họa sĩ Bùi Hoàng Dương

“Vô tình tôi biết được gia đình tôi cũng là thầy Mo trong suốt bao nhiêu đời cho đến khi cụ tôi qua đời (năm 1954). Những người học trò của học trò của cụ vẫn truyền đời cho đến tận bây giờ và giúp đỡ gia đình tôi trong những công việc cần thiết. Tôi không phải là người được lựa chọn theo phần dương và phần âm nên tôi đã dành thời gian cho chính bộ Mo Mường này theo cách hiểu của tôi và chuyển hoá mọi hình tượng theo ngôn ngữ tạo hình của riêng tôi, nhịp điệu và mầu sắc bay nhẩy theo cách mà tôi mong muốn”, Bùi Hoàng Dương bộc bạch.

Từ tranh chó đến Mo Mường ảnh 2

Hoạ sĩ Bùi Hoàng Dương

Dương nhấn mạnh cuộc triển lãm của anh nhằm giúp quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của người Mường và Mo Mường không phải là mê tín dị đoan. “Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người chưa hiểu về khấn Mường nên coi đó là một kiểu mê tín dị đoan do một số thầy cúng địa phương làm sai phương pháp. Thực ra, khấn Mường đều là những bài học về đạo lý, nhân sinh quan, giáo lý nhân sinh, về nhân cách tốt, ứng xử xã hội và đạo hiếu. Ngôn ngữ, văn học dân gian, điệu múa làm phép… đã hình thành nên một hồn cốt truyền đời chứ không còn tồn tại khái niệm của sự mê muội, mê tín dị đoan, làm phép, bùa chài”, Dương nói.

Cũng theo anh, Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Các thế hệ người Mường đã bền bỉ lưu giữ, truyền miệng và phát huy giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này. Bên cạnh đó, Mo Mường còn chứa đựng những giá trị vật thể quý giá như vật tế khí, gồm các cổ vật như: rìu đá, rìu đồng, mảnh trống đồng, nham thạch, xương và nanh mãnh thú… được lưu truyền từ nhiều đời, hay các vật tế lễ có nhiều giá trị về văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc Mường.

Sau 1 năm “nhốt mình” ở xưởng vẽ, lao động miệt mài, Bùi Hoàng Dương mang đến triển lãm tất cả 35 tác phẩm, 2 sắp đặt tập trung chủ yếu vào những phần việc, chân dung, nghi lễ mà đồng bào Mo Mường thường sử dụng như: túi Khót, dao, quạt, chuông… những thứ binh khí mà không thể thiếu được của những ông Mo. Còn anh chỉ có sơn, toan và các vật liệu khác làm việc để gìn giữ và mở ra cho mình một nhánh mới trong suốt quá trình lao động cá nhân.

Vẫn là hành trình “tôi đi tìm mình”

Sinh ra và lớn lên ở Thạch Thành - một huyện miền núi của xứ Thanh, Bùi Hoàng Dương đến với hội họa một cách tự nhiên như hơi thở núi rừng. Bố mẹ Dương đều là diễn viên - nhạc công nên dòng máu nghệ thuật vẫn luôn chảy trong anh. Ngay từ thời cấp 1 và cấp 2, Dương đã được theo học ở Cung Văn hóa. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, để cha mẹ vui lòng, anh theo học ngành Quản lý Du lịch ở Trung Quốc nhằm trở về xây dựng hệ thống du lịch mà gia đình anh đang xây dựng. Có điều, càng học, Dương càng không hứng thú. Rồi Dương “lén” đổi sang học Trung Quốc họa và Thư pháp. Đây chính là giai đoạn đánh dấu hành trình đầu tiên Bùi Hoàng Dương đặt chân vào lĩnh vực hội họa.

Từ năm 2005 - 2007, Dương tham gia các triển lãm nhóm cũng như cá nhân đầu tiên. Hồi đó, ở trường đại học, Dương cũng làm đủ thứ từ chụp ảnh, sắp đặt, tranh mực nho giấy xuyến chỉ và giấy dó,… Anh không dừng lại ở tranh giá vẽ mà song hành là các dự án điêu khắc không gian, video art, sắp đặt,… nhằm phục vụ nghệ thuật của riêng mình một cách hợp lý nhất. Dương không ngại ngùng giấu giếm việc trước đây anh vẽ đủ thứ, cái gì cũng nhảy vào, chất liệu nào cũng kinh qua… Tất cả cũng chỉ là để anh thỏa mãn cái tôi nghệ sĩ và tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật.

Anh em trong giới đều nhắc nhớ đến Bùi Hoàng Dương như một gã đàn ông “si tình nhất vịnh Bắc Bộ”. Si tình một cách cực đoan. Anh rất yêu vợ, đặc biệt là… sau khi ly hôn. Dương bảo, đó là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời anh, góp phần tạo nên những thay đổi trên con đường nghệ thuật.

“Sau khi ly hôn, tôi bắt đầu vẽ cô ấy và những chú chó mà chúng tôi từng nuôi. Thế nhưng, tôi chỉ dám nhớ về những người bạn bốn chân mà không dám nhớ đến vợ cũ. Tôi quyết định thay đổi và chỉ dùng hình ảnh của những người bạn bốn chân nhằm nói lên tiếng nói cá nhân mình, đó có thể là sự tự do, sự cô đơn, u uất hay hạnh phúc…”, Dương thổ lộ.

Và thế là cho đến nay, Bùi Hoàng Dương đã sở hữu hơn 300 bức tranh vẽ chó. Đủ các tư thế: đứng, ngồi, nằm, gào rú, quằn quại, yêu thương, một con, cả đàn... Tất cả những cung bậc cảm xúc của con người đều ẩn hiện trong hình hài những con chó đủ sắc màu trên toan. Dù có trăn trở với nhiều đề tài khác nhau thì Dương vẫn luôn lấy hình ảnh con chó làm nhân vật chính trong tác phẩm của mình. “Vì chúng là tôi và thông qua nhân vật này, tôi đi đến phần con trong tôi một cách rõ ràng nhất, song song đó, phần người được đánh thức dần dần”, Dương lý giải.

Cũng từ bước ngoặt hôn nhân, Bùi Hoàng Dương chuyển từ vẽ trên giấy và sơn mài thành sơn dầu và acrylic trên toan “cho phù hợp hơn với tạng người cá nhân tôi”. Nhiều người cho rằng, tranh của chàng họa sĩ người Mường luôn gợi cảm giác đượm buồn, rất người và rất đời bởi chúng phản ánh cuộc đời anh, lặp đi lặp lại những điều sâu kín nhất mà anh chưa từng thoát ra. Phần Dương, anh bảo mỗi lần vẽ xong đều cảm thấy có niềm vui trong đó, thậm chí đôi khi có thể ngồi cười cả ngày.

Trở lại với triển lãm lần này, lấy cảm hứng từ Mo Mường, Bùi Hoàng Dương đã chuyển hóa các hình tượng theo ngôn ngữ tạo hình của riêng mình. Nhịp điệu và màu sắc trong tranh bay nhảy theo cách mà anh mong muốn. Sẽ có người đồng tình, có người cho rằng phải thế này thế kia, nhưng Mo Mường trong tranh Bùi Hoàng Dương chắc chắn là của riêng anh. “Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong văn hóa Mo Mường được chuyển biến thông qua câu chuyện của tôi, cũng gần như là cách cá nhân tôi cảm nhận chứ chưa hẳn đã hay đã đúng với hầu hết mọi người”, chàng trai xứ Mường khiêm tốn.

Triển lãm Mo Mường ra mắt công chúng vào 24/4 đến 28/4 này tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

MỚI - NÓNG